Khẩn cấp khai quật cổ vật

Khẩn cấp khai quật cổ vật
TP - Cổ vật tại con tàu đắm dưới lòng biển Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) sẽ được khai quật khẩn cấp và bằng phương pháp khảo cổ học.

> Khởi tố vụ gây rối tại bãi biển cổ vật Bình Sơn

Lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ khu vực cổ vật. Ảnh: Nguyễn Huy
Lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ khu vực cổ vật. Ảnh: Nguyễn Huy.

Sáng 15-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo về tình hình thăm dò, khai quật khảo cổ di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển (Bình Châu).

Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật cổ vật: Đến nay, ngành chức năng tỉnh phối hợp với Cty TNHH Đoàn Ánh Dương (TP Hồ Chí Minh) - đơn vị lựa chọn thăm dò khảo cổ - cơ bản hoàn thành công đoạn khảo sát, thăm dò cổ vật tại con tàu đắm theo phương án được lãnh đạo tỉnh phê duyệt.

Qua đó, xác định phương hướng, vị trí, hiện trạng ban đầu của con tàu và cổ vật. Tuy nhiên, kết quả này được đánh dấu “mật”, trình lên bộ ngành chức năng, tránh gây xáo trộn thông tin với người dân trên địa bàn.

Hiện, Sở VH-TT&DL tiếp nhận hơn 50 cổ vật từ quá trình khảo sát, thu giữ của người dân.

Sẽ khen thưởng người phát hiện cổ vật

Chiều 15-10, tại làng Châu Thuận Biển, tình hình an ninh trật tự được kiểm soát. Tuy nhiên, những tin đồn về việc bán cổ vật, giá trị những chiếc bát, đĩa lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng được người dân rỉ tai nhau. “Sóng ngầm” tranh giành cổ vật tại làng biển này vẫn còn âm ỉ.

Theo đánh giá ban đầu, các cổ vật này có niên đại khoảng thế kỷ 14, rất có giá trị về mặt nghiên cứu khảo cổ, lịch sử.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ di sản dưới nước phát hiện con tàu đắm gần bờ, cho thấy sự giao thương trên biển ở thời kỳ này đã khá phát triển, hình thành văn hóa biển, cần tiếp tục nghiên cứu.

TS. Vũ cho hay: Dự kiến việc khai quật theo phương án đưa nguyên vẹn toàn bộ con tàu về bảo tàng trưng bày cùng số cổ vật.

Trường hợp ít cổ vật, hoặc các cổ vật độc bản, đơn vị khai quật sẽ bàn giao toàn bộ cổ vật cho tỉnh để trưng bày.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích chỉ đạo Sở trên cơ sở các thông số kỹ thuật, cổ vật được khảo sát cần sớm xây dựng phương án khai quật trình Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh để thẩm định, phê duyệt theo chủ trương “khẩn cấp” và bằng phương pháp khảo cổ học.

Theo TS. Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Vị trí con tàu đắm gần bờ vừa thuận tiện nhưng lại gây khó khăn không nhỏ cho công tác khai quật, do ảnh hưởng thời tiết, sóng lớn gần bờ, nhất là tác động của cộng đồng dân cư địa phương.

Ông Đoàn Sung, đại diện Cty Đoàn Ánh Dương cho hay: Đơn vị cho thả hàng tấn đá, rào sắt làm đê kè chắn sóng để bảo vệ cổ vật, ngăn không cho sóng biển tác động, ảnh hưởng đến cổ vật.

Mỗi ngày, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, BĐBP được huy động bảo vệ hiện trường. Tuy nhiên, bất chấp quy định cấm trục vớt cổ vật, thời tiết nguy hiểm, không ít người dân địa phương vẫn lén lút sử dụng phương tiện và dùng nhiều cách thức vào khu vực có tàu đắm để khai thác cổ vật.

Chủ tịch UBND xã Bình Châu - Nguyễn Quốc Vương thông tin: Nhiều thợ lặn trên địa bàn bỏ đi biển để ở nhà tìm cách lặn tìm cổ vật, hoạt động chủ yếu từ khuya đến rạng sáng.

Theo TS. Vũ: Có đêm, các ngư dân này huy động từ 10 đến 15 tàu thuyền đậu cách khu vực khoanh vùng bảo vệ 50-70m, sử dụng dây hơi lặn cá nhân áp sát khu vực tàu đắm, chờ sơ hở để đồng loạt vào khai thác cổ vật.

Nguy hiểm hơn, sáng ngày 13-10 vừa qua, hàng trăm người dân dùng đất đá chống đối người thi hành công vụ, ném đá cảnh sát và đập phá phương tiện chuyên dụng.

Đại tá Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh), cho biết: Công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án, và sẽ khởi tố các bị can với hành vi chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản. Lực lượng công an đang tuyên truyền, vận động các đối tượng này ra tự thú. Các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG