Dân loay hoay vì biển lại nuốt nhà

Dân loay hoay vì biển lại nuốt nhà
TP - Cứ mỗi mùa mưa bão, dải đất ven biển TT- Huế lại có thêm vài trăm người dân rời bỏ quê hương bản quán tìm nơi trú thân mới. Từ hơn 10 năm nay, hàng chục ngôi làng di dân vùng sạt lở bờ biển liên tục ra đời. Có nơi, dân loay hoay không biết đi về đâu vì chính quyền cạn quỹ đất tái định cư.

> Hãi hùng biển 'nuốt' nhà dân

Bờ biển chỉ còn cách nhà dân xã Hải Dương vài bước chân. Ảnh: Ngọc Văn
Bờ biển chỉ còn cách nhà dân xã Hải Dương vài bước chân. Ảnh: Ngọc Văn.

Suốt ngày canh biển nuốt nhà

Eo biển Thuận An - Hải Dương giữa tháng 10, sóng biển ăn sâu từng ngày vào xóm Gành, Cồn Đâu (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà). Hơn 200 nhân khẩu vùng này sắp tách rời khỏi đời sống đất liền, do nạn xâm thực bờ biển ở mức dữ dội.

Theo Ban Chỉ huy PCLB TT- Huế, toàn tỉnh hiện có 9 điểm sạt lở ven biển xung yếu nhất, với chiều dài khoảng 10km (trong tổng số 30km bị ảnh hưởng). Hải Dương và Phú Thuận được xác định là hai địa bàn cực kỳ nguy hiểm về sạt lở trong mùa mưa bão. Hiện, Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho lập dự án xử lý khẩn cấp sạt lở vùng bờ biển Hải Dương, Thuận An, Phú Thuận… Kinh phí thực hiện dự kiến trên 100 tỷ đồng.

Bề ngang mũi đất hẹp dẫn ra cửa biển Thuận An, phân cách giữa biển Đông và phá Tam Giang, giờ chỉ còn vài bước chân. Cửa biển mới sẵn sàng mở toang, xóa sổ nhiều hồ nuôi tôm cá bạc tỷ, nuốt chửng hàng chục nhà dân mong manh ở xóm Gành, Cồn Đâu.

Ở tuổi 83, ông Đặng Phương (thôn Thái Dương Hạ - Hải Dương) vẫn ngày ngày còng lưng tay gậy khập khiễng ra vùng biển lở ngóng hướng gió, xem tiết trời để khuyên nhủ người trẻ chuyên chú dè chừng những cơn triều cường, sóng dữ bất ngờ nuốt mất xóm làng.

Ông Phương kể: Từ hơn 10 năm nay, dân trong vùng luôn sống trong sợ hãi mỗi khi mùa mưa đến. Hằng năm, lại có nhiều gia đình rời bỏ xóm làng ra đi.

Sau lưng ông Phương, ngọn hải đăng ngất ngưởng ngạo nghễ trên đồi cát ngày nào giờ bị sóng dữ cuốn nát nhấn chìm xuống đáy biển. Những miếu thờ thần đầm, thần biển của dân thôn đã mất dấu giữa trùng khơi.

Nạn xâm thực ăn sâu vào đất liền gần cả 100 mét, lần lượt “đuổi” hơn 200 hộ dân ven biển rời bỏ quê quán đi tái định cư nơi mới trong vài năm lại đây. Số hộ phải di dời cứ theo đà tiếp tục tăng thêm.

Theo UBND xã Hải Dương, sắp tới, khoảng 70 hộ dân Cồn Đâu, xóm Gành lại phải dời đi để phòng tránh thảm họa. UBND tỉnh vừa phát văn bản khẩn chỉ đạo chính quyền thị xã Hương Trà nhanh chóng lập thêm dự án di dân.

Những ngày qua, hơn 1.000 lượt người dân, phối hợp các lực lượng chức năng địa phương, bộ đội căng sức chống chọi, gia cố vùng sạt lở để duy trì sự an toàn tạm thời cho các hộ dân xã Hải Dương vẫn còn cư trú nơi miệng sóng.

“Với tình hình sạt lở phức tạp hiện nay, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng di dời dân", ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, nói.

Không nơi náu thân

Chung cảnh ngộ mất đất, trôi nhà, chạy nạn như nhiều làng quê ven biển TT- Huế, nhưng người dân vùng sạt lở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) lại rơi vào tình thế ngặt nghèo chưa từng thấy, họ không biết đi về đâu.

Sau một hồi tầm tra số liệu, ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, nhẩm tính: Nạn sạt lở hoành hành trên chiều dài hơn 4km bờ biển. Chỉ mới 3 năm, cả xã có gần 500 dân phải rời bỏ làng xóm đi trú náu ở nơi mới.

“Họ vẫn có nơi để đi, chứ trong xã còn hàng trăm hộ thuộc vùng ảnh hưởng sạt lở hiện rơi vào tình thế ngặt nghèo, do quỹ đất tái định cư của địa phương đã cạn kiệt. Căn cứ quy định về khoảng cách, phạm vi nguy hiểm dưới 200 mét tính từ khu dân cư ra bờ biển sạt lở, nếu di dời, xã Phú Thuận bị xóa sổ đến vài làng”, ông Dân nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG