Lấy phiếu tín nhiệm - Trước mắt tập trung các chức danh thuộc Chính phủ

Lấy phiếu tín nhiệm - Trước mắt tập trung các chức danh thuộc Chính phủ
TP - Trao đổi với Tiền Phong hôm qua (24-10) về Dự thảo Nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp QH) cho rằng “không nên mở rộng đối tượng lấy phiếu”.

> Thử thách cho chính Quốc hội

Ông Trương Trọng Nghĩa nói: Chúng ta không nên mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Bước đầu tiên, nên làm đối với những người có cương vị tương đối cao, tức là chỉ nên lấy phiếu diện hẹp thôi để tránh hình thức.

Thưa ông, dự thảo Nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm có phạm vi đối tượng khá rộng, riêng Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh?

Để việc lấy phiếu tín nhiệm có kết quả, thực chất và tránh bị lạm dụng, ngoài việc thu hẹp đối tượng thì cần phải có những quy định chi tiết, cụ thể. Tôi muốn nói rằng, đây là việc rất quan trọng, nên không thể quy định hời hợt, mà nên có một phương thức, một cách làm hết sức cụ thể, chặt chẽ và hợp lý nhất.

Ví dụ, nếu chúng ta lấy phiếu định kỳ như quy định tại dự thảo, có khi kết quả sẽ rất tốt nhưng cũng có khi không tốt. Bởi vì ĐBQH còn có quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng theo quy định phải có ít nhất 20% số ĐBQH kiến nghị, điều này rất khó có thể thực hiện được.

Hay quy định về việc giải trình, điều trần trước khi bỏ phiếu là rất quan trọng. Các Ủy ban có quyền yêu cầu “người đó” giải trình về những vấn đề liên quan, khi cử tri có kiến nghị, yêu cầu, phản ánh về họ.

Nếu anh giải trình không đúng, nhân dân không thỏa mãn thì sẽ tiến hành bỏ phiếu nhưng nên bỏ ở hai cấp - cấp Ủy ban và sau đó mới đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội. Tôi thấy cách làm mới là quan trọng, và điều này nên có quy định cụ thể hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng nên có cả hình thức lấy phiếu bất thường, quan điểm của ông về việc này?

Theo tôi, nên có cả bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bất thường. Nhưng nếu định kỳ theo nghĩa một năm 2 lần thì cũng không cần bất thường nữa. Và tôi vẫn cho rằng, cái quan trọng nhất – đó là đối tượng bỏ phiếu nên là ai.

Tôi nghĩ, trước mắt chúng ta nên tập trung chủ yếu vào những cương vị thuộc lĩnh vực bên hành pháp và Chính phủ. Điều này là rất quan trọng, bởi vì đó là những người nắm cơm áo gạo tiền của dân, nắm tài sản của nhà nước và của dân.

Hằng ngày họ tiếp xúc trực tiếp với người dân. Cho nên, cần tập trung vào những cương vị ở cơ quan hành pháp để lấy phiếu. Khi quy định đối tượng lấy phiếu không quá rộng, tôi nghĩ là cũng không nhất thiết phải qui định bỏ phiếu bất thường.

Để việc lấy phiếu không mang tính hình thức, dễ dẫn đến xuê xoa vị nể, ngại va chạm, theo ông cần phải quy định như thế nào?

Phải quy định cách làm cụ thể, để làm sao các ĐB khi bỏ lá phiếu phải tránh được chuyện nể nang nhau, ngại đụng chạm. Do đó, việc bỏ phiếu phải là bỏ phiếu kín.

Bên cạnh đó, phải có một cơ quan xem xét, đánh giá là kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu. Cơ quan này cần thực sự khách quan, không nên máy móc, cứng nhắc quá.

Ở các nước, quy trình này đều quy định rất chi tiết. Nếu chúng ta chỉ làm bằng một nghị quyết mà không có những quy định cụ thể thì hoặc là đôi khi sẽ gây ra những hậu quả thật khó xử; hoặc ngược lại sẽ trở nên hình thức.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG