Phá “vòng kim cô” nợ xấu

Phá “vòng kim cô” nợ xấu
TP - Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ngày 30-10, một số đại biểu Quốc hội (QH) đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là xử lý khối nợ xấu ví như “vòng kim cô” đang siết chặt, làm chết hàng loạt doanh nghiệp.

> 'Thống đốc không thể hứa gì về xử lý nợ xấu'

Tại phiên thảo luận hầu hết các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ đối với công tác điều hành kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước.

Đã linh hoạt trong điều hành

Đăng đàn đầu tiên, ĐB Cao Sĩ Kiêm nhận định: “Đã có sự linh hoạt trong điều hành, nhất là khi kiểm điểm 6 tháng thấy những vấn đề mới, chúng ta đã nới lỏng một số chính sách và kết hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và các vướng mắc của nền kinh tế xã hội”.

Theo ông Kiêm, những kết quả trên làm cho chúng ta giữ được trạng thái ổn định nền kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn.

Các tổ chức tài chính đánh giá Việt Nam đi đúng hướng và đang khuyến khích, kiến nghị chúng ta làm nhanh, mạnh và kiên quyết hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua các cơ quan quản lý chưa thực sự kiểm soát được tình hình, số liệu thống kê thiếu tin cậy, dẫn đến một số chính sách nửa vời, gây nghi ngờ chính sách trong một bộ phận DN, người dân.

Theo ông Kiêm, thời gian còn lại của năm 2012, cần đánh giá lại chính xác tình hình, công bố giải pháp cụ thể cho các vấn đề như hàng tồn kho, nợ xấu.

Một số ĐB chỉ ra bất cập trong điều hành, đặc biệt là giá điện, xăng dầu và đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp ổn định thị trường. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, khi mặt hàng xăng dầu còn độc quyền thì còn tiêu cực.

“QH nên có luật hoặc pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu, nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các bên, đặc biệt ràng buộc trách nhiệm của QH trong giám sát để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”- Bà Nga kiến nghị.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trên thực tế vừa qua, nhất là trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, có không ít DN không thực hiện chỉ tiêu đăng ký, không nhập khẩu dẫn đến Bộ Công Thương phải nhắc nhở và rút giấy phép.

“Vòng kim cô” nợ xấu

ĐB Trần Du Lịch Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Trần Du Lịch.  Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

ĐB Trần Du Lịch cho rằng “vòng kim cô” nợ xấu đang siết chặt, khiến DN không tiếp cận được vốn làm chết DN. Đây là nút thắt quan trọng, cần sớm được giải quyết. Cũng đó, Chính phủ cần có giải pháp khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trước mắt, cần giải quyết vấn nạn tồn kho cho DN. Nhưng về lâu dài, cần tính đến các giải pháp căn cơ hơn, đặc biệt là phải đẩy mạnh thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư và hệ thống ngân hàng.

“Phải xây dựng bằng được một lộ trình tái cơ cấu trong vòng 3 năm tới, không thể ăn đong từng năm một như hiện nay. Ngoài ra, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu. Tôi không tin một bộ, một ngành riêng lẻ có thể lo từ việc tái cơ cấu ngân hàng đến cứu doanh nghiệp...” - ông Trần Du Lịch kiến nghị.

Ông Lịch cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém.

“Nếu không làm việc này thì rõ ràng chúng ta dù công tâm đến đâu người ta cũng nghi ngờ và mất niềm tin, mà mất niềm tin với thị trường tín dụng là mất niềm tin tất cả”- ĐB Lịch kiến nghị.

“Thống đốc không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu”

Trước sự quan tâm của các ĐBQH về nợ xấu, phát biểu sau đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, xử lý nợ xấu không chỉ phụ thuộc vào ý chí của hệ thống ngân hàng là đủ mà đây phải coi là một nội dung của cả nền kinh tế, phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cơ quan, các lĩnh vực thì mới có thể xử lý được.

Hiện nay, hàng tồn kho lớn cũng là nợ xấu. Một khối lượng rất lớn nợ xấu nằm trong lĩnh vực bất động sản… “NHNN đã xây dựng xong đề án xử lý nợ xấu và đã liên hệ với Văn phòng T.Ư Đảng để Chính phủ báo cáo đề án này với Bộ Chính trị vì trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, QH và các cơ quan khác. Chúng tôi hy vọng, cùng với đề án này trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ban, ngành cũng như các địa phương thì chúng ta có cơ sở vững chắc để xử lý được nợ xấu. Còn với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu” - ông Bình chia sẻ.

Chúng ta cố gắng đến năm 2015 đưa nợ xấu của ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, NHNN đang thực hiện thanh tra tại chỗ đối với 26 tổ chức tín dụng trong năm nay.

Mặt khác, cơ quan quản lý cũng mời các hãng kiểm toán độc lập để đánh giá sức khỏe ngân hàng. Kết quả ban đầu cho thấy những tổ chức tín dụng yếu kém, cần tái cơ cấu đều rất xứng đáng.

Tham nhũng, lãng phí làm kinh tế trì trệ

ĐB Lê Như Tiến
ĐB Lê Như Tiến.
 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN và NĐ Lê Như Tiến làm nóng nghị trường với bài phát biểu về tham nhũng- lãng phí. “Quá trình phát triển kinh tế- xã hội của nước ta bên cạnh lực đẩy cũng gặp không ít lực cản ngăn lối, chắn đường cất cánh của đất nước đó là quốc nạn tham nhũng, lãng phí”- ông Tiến nói.

Lấy lại ví dụ kinh điển Vinashin, ĐB Tiến cho biết: Số tiền thất thoát do tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong vụ việc này lên tới 107.000 tỷ đồng. “Nếu số tiền này không thất thoát, Việt Nam đã có thêm 214.000 phòng học, 107.000 nhà văn hóa hoặc 53.000 trạm xá.

Chúng ta cũng không phải băn khoăn, trăn trở buộc lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được khoảng 60.000 tỷ”- ĐB Tiến phân tích.

Nhìn vào thực trang xử lý 62.000 vụ việc nhưng chỉ phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 464 vụ (0,6% tổng số thanh tra), ĐB Tiến đặt câu hỏi: “Phải chăng có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng?”.

Theo ĐB Tiến, nếu như tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn. Chúng ta thường lên án gay gắt, mạnh mẽ đối với hành vi tham nhũng, nhưng thất thoát do lãng phí đôi khi còn lớn hơn rất nhiều thì chúng ta lại nương tay, xem nhẹ.

Hầu như chưa có vụ án nào xét xử lãng phí, Vì tham nhũng bị coi là tội phạm, còn lãng phí chỉ coi là khuyết điểm. Một chủ trương đầu tư sai chôn vùi cả trăm triệu đôla, cả ngàn tỷ đồng vào khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng, không hiệu quả thì chỉ nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm.

Lãng phí xảy ra muôn hình, vạn trạng ở khắp nơi, lãng phí trong sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, trong khai thác tài nguyên, trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong mua sắm tài sản, trong các dự án với nước ngoài.

Còn những lãng phí vô hình giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, lãng phí chất xám, hàng chục nghìn luận án tiến sĩ, hàng trăm nghìn đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng, hoành tráng, xếp ngăn nắp như những vật trang trí cho các thư viện hoặc ở các viện nghiên cứu.

Đó là thất thoát, lãng phí ở dưới đất, chúng ta còn để lãng phí, thất thoát cả trên trời. Với dung lượng truyền dẫn tương đương 13 nghìn kênh thoại internet truyền số liệu khoảng 150 kênh truyền hình từ vệ tinh đến nay Vinasat-2 chưa lấp đầy 1/4 dung lượng băng tần...

Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, 60 năm đã qua song bài học chống tham nhũng, lãng phí của Bác Hồ vẫn còn tươi mới, vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị thực tiễn.

Làm rõ thêm phát biểu của đại biểu Lê Như Tiến, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, số nợ phải trả của Tập đoàn Vinashin đến ngày 31-12-2009 là 86.745 tỷ. Trong đó, tổng số lỗ lũy kế đến cuối năm 2009 là 4.985 tỷ.

Các khoản tiềm ẩn khác có thể gây lỗ là 8.512 tỷ. Như vậy, khả năng lỗ sẽ có thể lên tới 13.400 tỷ. “Tóm lại, con số chính xác đến cuối năm 2009 thì nợ của Tập đoàn Vinashin là 86.000 tỷ nhưng không phải là thất thoát. Trong đó, riêng số lỗ là trên 4.000 tỷ”- ông Tranh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.