Ông Đặng Thành Tâm ước trở lại ngày xưa

Ông Đặng Thành Tâm ước trở lại ngày xưa
TP - Hôm qua (30-10), ngày thứ hai trở lại Quốc hội, ĐB Đặng Thành Tâm (ảnh) đã trả lời báo chí một số vấn đề về tình hình kinh tế và tập đoàn của mình.

> Đặng Thành Tâm: 'Chị em tôi nợ không đến 500 triệu USD'

Ông Tâm nói: “Tôi chỉ ước được trở về ngày xưa. Không phải mình tôi đâu, những anh khác nằm trong danh sách giàu nhất nhì sàn chứng khoán cũng ước mơ như vậy đấy. Ngày xưa làm ít, nợ ít, không canh cánh nỗi lo nợ nần. Ước như thế chả khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình còn tốt hơn sống trong lâu đài xa hoa nhưng không phải của mình, lại canh cánh nỗi lo”.

Nhiều người nói nợ xấu là một điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, ông nghĩ sao?

Đó là cục máu đông, đe dọa nền kinh tế. Nhưng nếu đúng nợ xấu như vậy và quy mô lên đến 300.000-400.000 tỷ đồng thì xét theo quan điểm kinh tế, quốc gia đã phá sản từ lâu rồi, nền kinh tế bị sập 4-5 năm tới không thể hồi phục.

Tôi không bi quan như vậy. Hơn 50% trong số nợ xấu này phát sinh từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mà nguyên nhân gốc rễ là một thời gian dài dòng vốn bế tắc, lãi suất quá cao doanh nghiệp không có vốn làm ăn, dẫn tới lỗ và dắt dây, nợ nần không trả được.

Nếu từ giờ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết giữ lãi suất ổn định không quá 15%, doanh nghiệp được vay vốn làm ăn thì họ sẽ sản xuất kinh doanh trở lại, chỉ cần lãi ít nhất 1-2% là bắt đầu có thể trả được nợ ngân hàng. Và khi đã trả được, thì không còn là nợ xấu nữa.

Tuy nhiên, nợ xấu của chúng ta còn đến từ dịch vụ, tài chính và ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước có cái nhìn tổng thể hơn, và hơn ai hết họ biết thực tế nợ xấu hiện nay thế nào, cần giải pháp gì.

Kinh tế khó khăn không bệnh sao được

Tình hình nợ nần trong các doanh nghiệp của ông hiện nay ra sao?

Tính cả tập đoàn của tôi và của bà chị tôi (bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo), khoản nợ tất cả các ngân hàng chưa tới 500 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng).

Nhưng tổng vốn điều lệ của chúng tôi khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn điều lệ chưa đầy 1 lần, trong khi tỷ lệ của đa số các doanh nghiệp trên sàn là hơn 2 lần. Như vậy nếu xét về cấu trúc, nợ của chúng tôi an toàn hơn.

Năm 2013 định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh của tập đoàn của ông thế nào, ông có dự định mở rộng sản xuất không?

Kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm sau từ 5-5,5%, đi kèm với đó là một loạt các chỉ tiêu khác theo hướng thắt chặt hơn, trong đó có dòng tiền, tăng trưởng tín dụng, lạm phát.

Các doanh nghiệp cần tự hiểu rằng năm 2013 tiếp tục khó khăn, cần liệu cơm gắp mắm, nếu không co cụm sản xuất thì thôi chứ mở rộng lúc này chỉ có chết.

Trước mắt chúng tôi không mở rộng khu công nghiệp mà gia tăng tối đa các quỹ hiện tại, để thu hút doanh nghiệp nhiều hơn, thậm chí cho thuê giá rẻ hơn. Tuy nhiên, tôi thấy Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng 5-5,5% cho năm sau như vậy quá thấp. Chỉ cần dòng vốn được khơi thông, sản xuất trở lại thì kinh tế Việt Nam năm sau ít nhất phải tăng 6%.

Còn hoạt động đầu tư tài chính-ngân hàng?

Ở Việt Nam ai nghe tới ngân hàng cũng thích lắm, mình cũng thế thôi, cứ thấy người ta ăn khoai thì mình vác mai đi đào. Có một thời kỳ người ta đổ xô mua cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán và cứ nhắm mắt mua là lãi.

Đến giờ thì không ai dám tham gia nữa, cả nền kinh tế hôm nay gánh hậu họa vì đã mù quáng lao như vậy, tôi cũng thế thôi. Giờ thì đương nhiên tụi tôi phải tính lại, không phải bỏ chạy mà là một bài toán thực tế, biết rõ thế mạnh của mình ở đâu để tập trung sức lực, còn lĩnh vực không biết thì tốt nhất sống chết thế nào cũng phải giải phóng, không thể đeo đuổi mãi.

Đến nay tôi và các cổ đông khác cùng tham gia với tôi không còn nắm giữ một xu cổ phiếu Ngân hàng Phương Tây. Với các ngân hàng khác, chúng tôi phải điều tiết lại, đắt hay rẻ cũng phải thoái vốn để tập trung cho sản xuất kinh doanh chính của mình.

Thời gian vừa rồi ông xin nghỉ họp để chữa bệnh, ông có phải chịu nhiều áp lực?

Kinh tế khó khăn, ngân hàng không cho vay, rồi lại còn nhiều áp lực khác, không bệnh sao được. Người ta có thể kiểm soát được ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, nhưng không ai có thể kiểm soát được sức khỏe nhất là khi chịu nhiều áp lực như thế.

Ốm thì xin nghỉ, khi có thể bò về được thì cố mà bò về để đi họp. Râu tóc tôi dài ra, bạc đi, thì có gì đáng xấu hổ, vì bác sĩ yêu cầu phải để như thế để họ theo dõi bệnh tình của tôi. Sợ nhất là bị chết, chứ trông xấu tí có gì đáng lo.

Nguyễn Tuấn
lược ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.