Quốc hội 'nóng' với vàng

Quốc hội 'nóng' với vàng
TP - Sáng 31- 10, tiếp tục làm rõ thêm những vấn đề trong lĩnh vực quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhận khuyết điểm trước Quốc hội (QH) do còn có một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, lãnh đạo NHNN còn né tránh vấn đề nóng.

> Đại biểu Nguyễn Bá Thanh ‘truy’ Thống đốc Ngân hàng về nợ xấu

Thống đốc nhận khuyết điểm về tuyên truyền

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khuyết điểm của NHNN là không làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách trong quản lý thị trường vàng dẫn đến nhiều thông tin chưa đầy đủ, chính xác, gây ra những cách hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Ông Bình cho rằng, Nghị định 24 về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng sau 5 tháng hoạt động đã có những kết quả ban đầu hết sức cơ bản.

Từ tháng 5-2012 trở lại đây, mặc dù giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh nhau lớn nhưng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng. Mặc dù giá vàng biến động lớn nhưng tỷ giá hoàn toàn ổn định và thậm chí tỷ giá vẫn tiếp tục hạ.

“Người dân không đổ xô đi mua vàng nữa, có nghĩa là việc vàng hóa nền kinh tế đã được chặn”- ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng từ nền kinh tế. Đồng nghĩa, 60 tấn vàng được chuyển đổi sang tiền VND để phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội. Điều đó thể hiện mục tiêu huy động nguồn vốn này phục vụ cho phát triển kinh tế đã được thực hiện. Thêm đó, từ đầu năm đến nay NHNN đã mua được 10 tỷ USD.

Theo ông Bình, đến nay vàng SJC chiếm 93- 95% thị phần vàng miếng toàn quốc.

Do vậy, để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng cũng như chi phí phải dập lại thì NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền nhà nước về mác đó chứ không có công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa.

Nghị định 24 quy định, sau ngày 25-4 tất cả các loại vàng miếng trước đây đã được cấp phép vẫn được lưu hành bình thường. Nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang mác vàng miếng khác.

“Mặc dù chúng tôi đã tích cực phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng xét lại thì thấy còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Dư luận còn có nhiều lo lắng về vấn đề này thì chúng tôi xin nhận khuyết điểm và sẽ cố gắng phổ biến rộng rãi hơn”- ông Bình nói.

Về nhu cầu chuyển các vàng khác sang vàng SJC, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã bàn với các cơ quan liên quan để nâng cao năng lực thẩm định, giám định để chuyển đổi cho người dân. Thậm chí, NHNN có thể ứng trước vàng SJC cho các bên có nhu cầu rồi chuyển đổi sau.

Thống đốc né tránh vấn đề nóng?

ĐB Nguyễn Văn Hiến
ĐB Nguyễn Văn Hiến.
 

 “NHNN cho biết SJC chỉ gia công vàng miếng và nhận phí. “Câu hỏi đặt ra là SJC gia công cho ai, tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai, ngân sách nhà nước có được hưởng không. Từ khi thực hiện chính sách đã gây tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng. Người dân phải bù tiền để chuyển đổi. DN nào được chuyển đổi, được phép đội mũ SJC thì thu lợi rất lớn”.  

Phát biểu sau phần giải trình của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa- Vũng Tàu) dẫn Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho biết: “Cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới”.

Ông Hiến không đồng tình với nhận định của Thống đốc NHNN là cơ chế quản lý vàng bước đầu mang lại “kết quả cực kỳ quan trọng”. “Tôi cho rằng nhận định này còn có vẻ nhẹ nhàng, né tránh trước vấn đề rất nóng trong thời gian qua”- ông Hiến nói.

“Chúng ta đang ngồi đây và ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, kiểm định, để có bao bì mới của SJC và chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình”- ông Hiến tiếp.

Theo đại biểu này, từ khi NHNN tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai: Vàng không phải SJC bán sát giá vàng thế giới, còn SJC luôn cao hơn 2- 3 triệu đồng/lượng.

“Thống đốc nói vừa rồi mua vào 60 tấn vàng, tại sao nhà nước phải mua 60 tấn vàng trong khi giá cao, tại sao không nhập khẩu vàng từ nước ngoài nếu tỷ giá ổn định”- ông Hiến truy vấn.

“NHNN cho biết SJC chỉ gia công vàng miếng và nhận phí. Câu hỏi đặt ra là SJC gia công cho ai, tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai, ngân sách nhà nước có được hưởng không. Từ khi thực hiện chính sách đã gây tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng. Người dân phải bù tiền để chuyển đổi. DN nào được chuyển đổi, được phép đội mũ SJC thì thu lợi rất lớn” - ĐB Nguyễn Văn Hiến tiếp.

Theo đại biểu này, quy trình chuyển đổi từ vàng phi SJC sang SJC bị buông lỏng để mặc thị trường xoay xở với phần thiệt thuộc về người dân và DN giữ vàng phi SJC.

“Tâm lý nóng vội, hoang mang, lo sợ, lôi kéo hành vi của số đông. Ngày 28-10 NHNN mới an ủi và trấn an là dân đừng có vội chuyển đổi vàng. Nghị định thì không có hướng dẫn về chuyển đổi của NHNN. Vấn đề này càng không công khai, càng trì hoãn thì càng gây thiệt hại và làm mất lòng tin của nhân dân”- ông Hiến nói.

Chỉ có ở nước ta giá vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng. Vì thế mục đích huy động vàng trong dân không đạt được, các ngân hàng thương mại không được huy động vàng thì phải mua, mua thì nhu cầu tăng, giá tăng thì tác động xấu lên thị trường.

“Như thế mục đích kéo sát giá thế giới không đạt được. Chúng tôi đề nghị công khai, minh bạch trong chính sách vàng và các chính sách khác nếu không càng làm suy giảm lòng tin đã xuống rất thấp và tạo nghi ngờ đề động cơ, mục đích”- ông Hiến kết thúc bài phát biểu trước QH.

Giá vàng tăng giảm bất thường

Đầu giờ sáng 31-10, giá vàng SJC niêm yết: 45,75 - 45,97 triệu đồng/lượng (giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày 30-10). Trong khi đó, giá vàng thế giới lại điều chỉnh tăng 2,3 USD/ounce so với cuối ngày trước.

11h trưa cùng ngày, giá vàng SJC tăng 180.000 đồng/lượng lên: 45,90 - 46,05 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Và đến cuối ngày, SJC chốt giá tăng tiếp 100.000 đồng/lượng: 45,98 triệu đồng/lượng mua vào - 46,15 triệu đồng/lượng bán ra.

Lúc này, giá vàng thế giới tăng thêm 7 USD/ounce so với buổi sáng. Giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới 2,92 triệu đồng/lượng.

Mổ xẻ nợ xấu...

“Chúng ta đang chìm trong khối nợ xấu khổng lồ và có xu hướng tăng. Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng không hứa hẹn được lúc nào giải quyết nợ xấu. Những điều đó đã chuyển đến chúng ta một thông điệp không lấy gì làm khả quan về vấn đề này”.

“Tôi đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ một cách thấu đáo về bản chất và những nguyên nhân chủ quan dẫn đến nợ xấu. Phải chăng cơ chế giám sát của ngành NH lỏng lẻo, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, nhân viên NH còn hạn chế.

Hay một bộ phận lãnh đạo, nhân viên ở một số NH vi phạm pháp luật. Tôi chưa đồng tình với ý kiến giải thích của Thống đốc NHNN về nợ xấu. Theo tôi trách nhiệm giải quyết nợ xấu trực tiếp vẫn phải là ngành NH trong đó NHNN chiếm vị trí quan trọng”.

“Tôi đề nghị NHNN tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu, muốn xử lý đúng thì phải phân loại cho đúng, làm rõ các DN nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu.

Thông thường khi vay mà không trả được thì NH sẽ siết nhà, siết đất nhưng NH vẫn không siết nợ là vì sao. Ngoài việc do thị trường bất động sản đóng băng, tụt giá còn một vấn đề cực kỳ phức tạp là người ta nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay.

Ví dụ một khu đất có giá 200 tỷ, bằng một hợp đồng mua bán họ đưa lên 800- 1.000 tỷ để được vay 600 tỷ, bây giờ bán chưa tới 100 tỷ mà không có ai mua.

Như vậy mất đứt 500 tỷ, đó mới gọi là nợ xấu. Đương nhiên cả người đi vay và người cho vay cũng đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng khi thực hiện những phi vụ đó. Có những khoản nợ không phải là nợ xấu mà còn quá xấu, không bao giờ có thể đòi được”.

“Thị trường bất động sản hiện nay được đánh giá rất khó khăn, đang bị đóng băng, rất ít giao dịch. Theo báo cáo của NHNN, tính đến 31-8 dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ, trong đó tỷ lệ nợ xấu 6,6%.

Nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, trong đó gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ toàn hệ thống, tức là hơn 1 triệu tỷ đồng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.