Bưng bít thông tin là cản trở chống tham nhũng

Bưng bít thông tin là cản trở chống tham nhũng
TP - Nếu công chúng bị hạn chế tiếp cận với các kết luận thanh tra thì hiệu quả phòng chống tham nhũng sẽ thấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1-11.

> Chống tham nhũng phải dựa vào nhân dân

Chưa làm hết trách nhiệm

Thực tế có những vụ việc đang thanh tra thì lại điều chuyển vị trí đi nơi khác?

Luật Thanh tra quy định Đoàn thanh tra có thẩm quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức đảm bảo cho quá trình thanh tra được tiến hành thuận lợi.

Tuy nhiên, có trường hợp, trong quá trình thanh tra, đối tượng bị thanh tra lại được điều chuyển sang cơ quan khác mà Thanh tra không có ý kiến gì!? Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình thanh tra mà trường hợp Dương Chí Dũng là một ví dụ cụ thể.

Một điểm nữa, về thời hạn, hình thức công khai kết luận thanh tra. Cần kiểm tra lại các quy định về điểm này trong luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thanh tra để xem luật yêu cầu công khai kết luận thanh tra bằng hình thức nào.

Theo quy định, có các hình thức thông tin như đưa lên trang web, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp... Nhưng thông thường, cơ quan Thanh tra chọn hình thức hẹp nhất.

Có một công thức mà quốc tế đã thừa nhận: Tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin - trách nhiệm giải trình. Nếu công chúng bị hạn chế tiếp cận với các kết luận thanh tra thì sẽ hạn chế hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Là chức danh do QH bầu, vì sao đến nay chúng ta chưa tổ chức chất vấn Tổng Kiểm toán?

Kiểm toán có vai trò rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng được quy định tại luật, nhưng hiện nay địa vị của Tổng Kiểm toán và cơ quan kiểm toán rất nửa vời.

 Hầu như không có trường hợp cố ý làm trái nào mà không có động cơ là để tham nhũng. Cho nên phải hình sự hóa một số hành vi trong Luật Phòng chống tham nhũng, đưa tội tham nhũng và các tội có liên quan vào luật hình sự. Ví dụ tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng phải xem xét. Thực tế, có những vụ việc rất lớn mà chỉ xử được tội “cố ý làm trái”, bởi quy sang tội khác thì không được”. 

Hiệu lực của kết luận kiểm toán không cao vì không bắt buộc thực hiện. Tổng kiểm toán quan trọng như vậy nhưng chưa bao giờ được bố trí lịch để trình bày báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm trước QH.

Như vậy, ĐBQH sẽ rất lúng túng. Ở nhiều quốc gia, khi thảo luận về ngân sách, Tổng kiểm toán được bố trí một ghế, phải được QH chất vấn, trong khi ta chưa quy định trong luật Tổng kiểm toán là một đối tượng bị chất vấn mặc dù được QH bầu.

Tôi cho rằng, trong Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Luật Kiểm toán phải được sửa lại theo hướng nâng cao địa vị pháp lý của Tổng Kiểm toán và Kiểm toán nhà nước, và trở thành đối tượng chất vấn tại QH.

Khi thảo luận ngân sách hằng năm, vị này cũng phải đứng lên báo cáo và sẵn sàng trả lời khi ĐB có yêu cầu. Có như vậy, các hoạt động liên quan phòng chống tham nhũng trong thu chi ngân sách mới tốt được.

Không nương nhẹ tham nhũng

Như bà nói, chống tham nhũng khó khăn do thực hiện luật chưa đúng, bưng bít thông tin… Bà có đề xuất giải pháp gì?

Trước hết, phải làm đúng quy định của luật, bởi luật đã quy định rất rõ. Bây giờ, ta nói nhiều đến việc đưa và nhận hối lộ.

Hiện tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì phải có những giải pháp tương ứng với tình hình quốc nạn ấy, nhưng ta đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ, đồng thời xử lý người đưa hối lộ.

Điều khoản về miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác vẫn còn rất nhỏ và hẹp. Dẫn đến tình trạng người đưa hối lộ nếu tố cáo sẽ đồng thời tố cáo chính mình.

Tôi đã đề xuất một vài lần trước QH trong tình hình hiện nay, nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ thì mới xử lý được người nhận hối lộ.

Vì công chức nhà nước, cán bộ có chức vụ quyền hạn thì phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nghiêm khắc hơn so với dân. Cũng cần hỏi tại sao dân đưa hối lộ, nếu không bị nhũng nhiễu, gây khó dễ.

Thảo luận tại QH về công tác phòng chống tham nhũng, nhiều ĐB lo ngại việc xử án treo đối với các tội danh này còn nhiều?

Án treo là một quy định rất nhân đạo trong Bộ luật Hình sự, án treo nhiều hay ít không quan trọng bằng án treo đúng và xử đúng.

Tuy nhiên qua nghiên cứu Bộ luật Hình sự, tôi thấy có sơ hở ở chỗ: chủ thể của tội tham nhũng là chủ thể đặc biệt, chỉ có người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được.

Trong khi đó, điều kiện hưởng án treo là bị phạt tù không quá 3 năm, có tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt. Rõ ràng người có chức vụ quyền hạn theo lý lịch đều có nhân thân tốt, chưa kể tòa án còn có thể xem xét các tình tiết như có thành tích, huân huy chương, phạm tội lần đầu.

Như vậy chúng ta đang mâu thuẫn ở chỗ vừa trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, vừa lấy đặc điểm của chủ thể ấy ra để giảm tội và cho hưởng án treo.

Chừng nào chưa khắc phục được sơ hở pháp luật này thì không thể trách tòa án cho hưởng án treo các đối tượng đủ điều kiện.

Cần xem lại điều kiện hưởng án treo đối với các tội phạm tham nhũng, không thể xét các tình tiết giảm nhẹ cho họ ngang những tội phạm về trật tự trị an khác.

Bàn tròn về phòng chống tham nhũng ở địa phương

Cần Thơ - Trong 2 ngày 1 và 2-11, tại TP Cần Thơ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng phối hợp Đại sứ quán, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tổ chức bàn tròn Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương - Thực trạng và giải pháp, khu vực phía Nam.

Một số tham luận đề cập tính minh bạch trong quản lý cũng như môi trường kinh doanh, khuyến khích cơ quan báo chí truyền thông và cộng đồng xã hội cùng tham gia phòng chống tham nhũng.

Nguyễn Tuấn
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
TPO - Trong số hơn 1.300 trường hợp bị tước giấy phép lái xe có đến 745 người vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt hành chính ước tính 6,575 tỷ đồng. Trong đợt ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp lễ, Bình Dương tăng số tổ công tác và lượt cán bộ, đạt kết quả cao trong tốp 4 toàn quốc.