Mong Thủ đô phát triển xứng tầm

Mong Thủ đô phát triển xứng tầm
TP - Ủng hộ Luật Thủ đô cùng những cơ chế đặc thù tại phiên thảo luận hôm qua (5-11), nhiều ĐBQH cho rằng, cùng với quản lý đô thị, cần hướng tới bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.

> Siết nhập cư vào Thủ đô liệu có nảy sinh tiêu cực?

Bên cạnh đó, một số ĐB lo ngại về hệ lụy do quy định siết nhập cư vào nội đô gây ra.

Cơ chế đặc thù cho thủ đô

ĐB Đào Trọng Thi cho rằng, dự thảo luật đã xác định rõ ràng, xác đáng hơn tính chất đặc thù và các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô. “Có thể một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô cũng cần cho các địa phương khác, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhưng với Thủ đô thì đòi hỏi quyết liệt hơn, phải được thực hiện trước hết và ở mức cao hơn” - Ông Thi nhấn mạnh.

Theo ông Thi, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước cũng có trách nhiệm tạo điều kiện cho Thủ đô thực hiện tốt trọng trách của mình.

“Những chính sách ưu tiên không phải là sự ưu ái dành riêng cho nhân dân thủ đô mà xem như sự tự nguyện, gương mẫu của chính nhân dân Thủ đô và sự chung vai gánh vác của nhân dân cả nước” - Ông Thi nhấn mạnh.

Tán thành quản lý nhập cư phải điều tiết bằng giải pháp kinh tế xã hội, ông Thi cho rằng, cần phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện nhập cư vào khu vực nội thành Thủ đô với yêu cầu về chỗ ở ổn định 3 năm tại địa điểm đăng ký nhập hộ khẩu; bổ sung điều kiện về diện tích nhà ở, thuê là phải đạt trên 5m2/đầu người.

Điều đó đảm bảo mức sống, tiêu chuẩn văn minh đô thị cao hơn cho khu vực nội thành và cũng để tránh sự lách luật trong việc minh chứng các điều kiện khi đăng ký nhập khẩu vào Thủ đô” - Ông Thi nói.

Về tình hình nhập cư, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Sau 5 năm thực hiện Luật Cư trú, số người ngoại tỉnh chuyển về Thủ đô tăng nhanh.

Với tốc độ tăng hiện nay, dân số Hà Nội sẽ đạt 13-14 triệu vào năm 2020 trong khi theo quy hoạch sẽ chỉ là 10 triệu. Đặc biệt, các quận nội thành đang phải chịu nhiều áp lực về hạ tầng, xã hội do quá tải dân cư.

Tính đến tháng 3-2012 toàn thành phố có hơn 1,8 triệu hộ với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú là gần 1 triệu người. Mật độ dân ở quận Đống Đa là 37.000 người/km2, quận Hai Bà Trưng là 30.000 người/km2!

“Tôi xin truyền tải tâm tư nguyện vọng của rất nhiều cử tri bày tỏ nguyện vọng tới QH, ĐBQH mong muốn trong Kỳ họp thứ tư QH Khóa XIII sẽ thông qua Luật Thủ đô. Bởi đây là cơ hội để thủ đô của gần 90 triệu người dân Việt Nam phát triển tốt đẹp, bền vững hơn. Luật Thủ đô được thông qua cũng là cơ sở pháp lý tạo sự phát triển năng động, chủ động, để Thủ đô bứt phá” - Ông Chung nói.

Băn khoăn nhập cư

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (Đoàn TPHCM) và một số ĐB đồng tình với quy định siết nhập cư vào nội thành Hà Nội.

“Nhân dân có quyền tự do cư trú, học hành, đi lại, song đến đâu cũng phải chen chúc, nếu không có biện pháp sẽ suy giảm chất lượng sống của người dân” – Ông Lập phát biểu.

Tuy nhiên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số ĐB quan ngại về việc hạn chế nhập cư cũng như việc tăng mức xử phạt vi phạm trong một số lĩnh vực.

“Để quản lý dân cư, quan trọng là di chuyển cơ sở giáo dục, xây dựng giao thông đồng bộ giữa nội thành và ngoại thành để kéo giãn dân, thay vì hạn chế dân trong nội thành” - Ông Vinh nói.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, hạn chế dân cư bằng biện pháp hành chính sẽ không hiệu quả, người tạm trú vẫn tăng lên như vừa qua.

“Đối với lao động dân cư không chính thức họ sẽ phải đối mặt với các bất lợi trong việc làm, thu nhập, trong hưởng các phúc lợi xã hội khác do không có hộ khẩu tại Thủ đô” - Ông Tâm lo ngại.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, bên cạnh chế tài hạn chế có điều kiện, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nội đô, phải có những giải pháp, chế tài đi cùng với nó là những chính sách để hướng sự cư trú của người dân ra một không gian rộng lớn còn lại.

Bảo tồn các giá trị văn hóa

Theo ĐB Dương Trung Quốc, Thủ đô Hà Nội bây giờ không chỉ còn là Thăng Long xưa mà đã có cả một không gian gắn kết với nền văn hóa hết sức đáng trân trọng, có bề dày lịch sử, đặc sắc là văn hóa Xứ Đoài, cũng cần bảo tồn.

“Đối với Xứ Đoài, chúng tôi nghĩ rằng khu Núi Tản là khu đất linh thiêng từ xa xưa nó không chỉ linh thiêng với Non Đoài - Sơn Tây mà nó gắn liền với cả Kinh đô Thăng Long và cả khu vực Bắc Bộ.Vì thế chúng ta nên đưa vào là một đối tượng để bảo vệ” - Ông Quốc kiến nghị.

ĐBQH cũng cho rằng, cùng với việc quan tâm phát triển các làng nghề (lụa Hà Đông, gốm Sứ Bát Tràng...), nên chú ý đối với sông Hồng trong việc khai thác du lịch, giao thông trở thành một lợi thế của Thủ đô.

Nên khôi phục lại những nét kiến trúc của phố cổ Hà Nội, nhất là khu vực 36 phố phường.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô 1.000 năm Văn hiến. “Vì những đặc thù của Hà Nội, Thủ đô phải có Luật riêng để quản lý điều hành xã hội vì Thủ đô là của cả nước” - Thượng tọa nói.

Ý kiến đại biểu

Mong Thủ đô có luật phát triển xứng tầm

“Có lẽ Luật Thủ đô là một trong những luật mà được nâng lên, đặt xuống nhiều nhất và cũng “vật vã” nhất. Ai cũng mong có một cơ chế pháp luật để Thủ đô Hà Nội phát triển tương xứng với vị thế của nó đối với quốc gia” - (ĐB Dương Trung Quốc - Đồng Nai)

Đề cao giá trị văn hóa của Thủ đô

“Ra Hà Nội việc đầu tiên tôi thử xuống 36 phố phường xem như thế nào, bao nhiêu lần đi Hà Nội tôi đều cố gắng xuống đó nhưng vẫn chưa hiểu hết. Đề nghị trong luật này chúng ta hết sức quan tâm yếu tố văn hóa: Văn hóa Xứ Đoài, văn hóa sông Hồng, văn hóa Hà Nội cổ…” - (ĐB Lê Văn Lai-Quảng Nam)

Có lộ trình hạn chế xe máy nội thành

“Khu vực nội thành nên có dự án, lấy ý kiến của người dân, từng bước hạn chế và cấm dứt điểm xe gắn máy. Phải có lộ trình từ 5 -10 năm để chúng ta có đủ điều kiện để phát triển các phương tiện giao thông công cộng, hệ thống đường sắt trên cao” - (ĐB Nguyễn Ngọc Bảo - Vĩnh Phúc)

Nguyễn Tuấn
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG