Bất tín với người hiến đất

Bất tín với người hiến đất
TP - Ở huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh và quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng, người dân đã hiến hàng chục héc ta đất để làm đường giao thông và đường vượt lũ mà không có đòi hỏi nào. Nhưng đổi lại, họ phải nhận về mình những nỗi khổ.
Đường Tôn Đản (Đà Nẵng) thi công cầm chừng đã gần 2 năm nay. Ảnh: Nguyễn Huy
Đường Tôn Đản (Đà Nẵng) thi công cầm chừng đã gần 2 năm nay. Ảnh: Nguyễn Huy.

Nửa xã thiếu gạo vì đường vượt lũ

Một nửa diện tích đất nông nghiệp tại xã Sơn Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) phải để hoang hóa từ nhiều tháng qua bởi đơn vị thi công con đường vượt lũ chậm tiến độ phá vỡ hệ thống kênh mương thủy lợi. Người dân xã Sơn Diệm đang đối mặt cái nghèo.

Theo phản ánh của người dân xóm 9, 10 (xã Sơn Diệm, Hương Sơn), nhiều gia đình nông dân đã hết thóc gạo từ nhiều tháng nay dù đang vào mùa thu hoạch.

Xảy ra tình trạng này là do 150 ha đất nông nghiệp tại xã Sơn Diệm thì có tới 75 ha đất bị hoang hóa, không thể canh tác. Đơn vị thi công xây dựng đường ứng cứu lũ của huyện Hương Sơn đã cày xới đổ đất, đá lên hệ thông tưới tiêu.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng toàn cỏ dại, ông Hoàng Văn Long, xóm 9, nói: Tôi chẳng biết con đường này cứu nạn hay cứu gì, nhưng vì nó mà giờ nửa xã phải ăn đong từng ngày.

Năm 2010, huyện Hương Sơn ra quyết định đầu tư cho xã Sơn Diệm xây dựng con đường tránh lũ kéo dài gần 12 km với mục tiêu ứng cứu, tránh lũ. Kinh phí được huy động từ nguồn vốn ngân sách, thời gian thực hiện 10 tháng.

Người dân xã Sơn Diệm (Hà Tĩnh) đau lòng trước cánh đồng bỏ hoang
Người dân xã Sơn Diệm (Hà Tĩnh) đau lòng trước cánh đồng bỏ hoang .

Theo Quyết định số 4428 của UBND huyện Hương Sơn, việc thi công con đường này phải bố trí công trình thoát nước, hoàn trả mương thủy lợi, đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho nhân dân. Nhưng đến nay, sau 2 năm thực hiện, con đường vẫn nham nhở.

Việc thi công ì ạch hoặc bỏ dở khiến hệ thống mương thủy lợi bị băm nát từng khúc khiến cả cánh đồng không thể trồng lúa nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Công Trình, Phó Chủ tịch xã Sơn Diệm thừa nhận hệ thống thủy lợi của xã đã bị vô hiệu hóa, không còn tác dụng tưới tiêu, ảnh hưởng trực tiếp tới hơn nửa trong số 150ha đất nông nghiệp của xã.

Ông Nguyễn Trọng Thành, Trưởng Ban Quản lý các dự án đường cứu hộ cứu nạn huyện Hương Sơn cho biết, con đường tránh lũ chạy qua xã Sơn Diệm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách gần 100 tỷ đồng. Trong hai năm qua, hiện dự án mới giải ngân được 7 tỷ đồng.

Ông Thành nói, việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn là không có kinh phí bồi thường mà chỉ vận động người dân hiến đất. Hơn nữa, cũng do thiếu vốn, nên khó ép tiến độ.

Đất 5 triệu, dân lấy 800 ngàn đồng

Hàng trăm người dân hai phường Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) hiến 50% giá trị đền bù đất với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhưng suốt 2 năm nay, dự án nâng cấp đường Tôn Đản vẫn ì ạch.

Dự án đường Tôn Đản được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt từ tháng 12-2010 với chiều dài gần 3km, do BQL Dự án giao thông nông thôn Đà Nẵng (Sở GTVT) làm chủ đầu tư; Cty Xây dựng công trình thủy Hà Nội thi công; triển khai trong hai năm 2011 và 2012.

Tuy nhiên, đi từ đầu đường Tôn Đức Thắng vào đường Tôn Đản qua 2 phường Hòa An, Hòa Phát, đến nay hầu hết đều trong tình trạng thi công dang dở.

Ngoài hạng mục cống thoát nước hai bên đường, lòng đường nham nhở lồi lõm, ổ trâu, và nhiều điểm đọng nước lớn.

Theo UBND quận Cẩm Lệ, có hơn 700 hộ dân hai phường Hòa An, Hòa Phát hiến đất làm đường với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.

UBND phường Hòa An cho hay: Ở thời điểm năm 2011 thực hiện dự án, giá đất thị trường lên đến 5-10 triệu đồng/m2 nhưng người dân vẫn chia sẻ với nhà nước, chỉ nhận hỗ trợ hơn 800 ngàn đồng/m2 (50% đơn giá nhà nước quy định đối với đất mặt tiền đường Tôn Đản).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG