Bệnh viện Đa khoa Hà Nội trả lời vụ bệnh nhân chết lâm sàng

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn (áo trắng) trả lời báo chí sáng 15-11. Ảnh: Tuấn Nguyễn
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn (áo trắng) trả lời báo chí sáng 15-11. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO –Lãnh đạo BV Đa khoa Hà Nội khẳng định, toàn bộ quy trình điều trị cho bệnh nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, quê Bắc Ninh) đều tuân thủ đúng chuyên môn và được phép thực hiện tại BV này.

> Sở Y tế làm rõ vụ bệnh nhân chết lâm sàng, người nhà vây BV

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn (áo trắng) trả lời báo chí sáng 15-11. Ảnh: Tuấn Nguyễn
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn (áo trắng) trả lời báo chí sáng 15-11. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Thanh toán toàn bộ chi phí cho bệnh nhân

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, thôn Đa Hội, xã Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) bị chết lâm sàng sau khi mổ và thăm khám lần hai tại BV Đa khoa Hà Nội, sáng nay (15-11), lãnh đạo BV đã có cuộc trao đổi cụ thể với báo chí.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn – Giám đốc chuyên môn BV Đa khoa Hà Nội, ngay sau khi sự việc xảy ra, BV đã có báo cáo sơ bộ sự việc lên Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế, Phòng an ninh Y tế Sở Công an Hà Nội.

Ngày 14-11, Sở Y tế cũng đã cử cán bộ xuống làm việc với BV. Đồng thời, đại diện BV cũng đã làm việc với gia đình bệnh nhân. Phía gia đình bệnh nhân có đưa ra ba yêu cầu, đề nghị BV làm rõ, gồm: Một là, lãnh đạo BV, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An phải trả lời rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của bệnh nhân Tưởng như hiện nay bằng văn bản cụ thể và thời gia là bao giờ?

Hai là, BV phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí thuốc men của bệnh nhân Tưởng từ khi vào BV Đa khoa Hà Nội và chi phí điều trị tại BV Việt Đức. Việc chi trả sẽ dựa trên hoá đơn, chứng từ cụ thể do gia đình cung cấp cho BV;

Ba là, nếu trong trường hợp bệnh nhân bị tử vong, gia đình sẽ làm đơn gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền của nhà nước để tiến hành thanh tra, kiểm tra và kết luận. Lúc đó, sẽ đối chiếu với văn bản trả lời từ phía BV và sẽ tuân theo các kết luận của cơ quan chức năng.

Phía BV cho biết, hiện PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An đang đi tập huấn ở BV RaJavithi ở Thái Lan theo chương trình thư mời của BV này. Đây là chương trình đào tạo thường niên với nội dung cấy điện ốc tai cho bệnh nhân. Theo dự kiến, BS. An sẽ trở về VN vào ngày 16-11 và sẽ trực tiếp làm việc với người nhà bệnh nhân như đã hẹn. Không có chuyện BS An trốn tránh trách nhiệm, lánh mặt như người nhà hiểu nhầm.

Bệnh viện nhất trí chi trả toàn bộ các chi phí của bệnh nhân theo đề nghị từ phía gia đình bệnh nhân trên cơ sở hoá đơn, chứng từ cụ thể.

Đồng thời, BV cũng đồng ý với đề nghị của gia đình bệnh nhân trong trường hợp xấu nhất xảy ra (tử vong) sẽ mời cơ quan chức năng vào làm việc và tuân theo kết luận của cơ quan chức năng về sự việc trên.

Ca mổ được phép thực hiện tại bệnh viện

Phóng viên có đặt câu hỏi: Ca mổ cho bệnh nhân có được phép tiến hành tại BV Đa khoa Hà Nội không, nguyên nhân của co thắt thanh quản nói chung và trường hợp của bệnh nhân Tưởng nói riêng là do đâu?

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, ca mổ cho bệnh nhân Tưởng có tên gọi là phẫu thuật nội soi vi thanh quản (phẫu thuật lấy u thanh quản). Kỹ thuật này hoàn toàn được phép thực hiện tại BV Đa khoa Hà Nội. Người trực tiếp thực hiện ca mổ là PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, đã có chứng chỉ cấp phép hành nghề của Bộ Y tế.

Theo báo cáo sơ bộ trước đó của BV Đa khoa Hà Nội gửi các cơ quan chức năng, bệnh nhân Tưởng đi khám nội soi tai mũi họng và được chẩn đoán hạt xơ dây thanh, có chỉ định phẫu thuật. Ngày 30-10, bệnh nhân Tưởng vào BV Đa khoa Hà Nội làm phẫu thuật cắt hạt xơ dây thanh do bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An trực tiếp thực hiện. Bệnh nhân ra viện cùng ngày.

Ngày 8-11, bệnh nhân đến khám lại theo hẹn của bác sĩ An. Kết quả khám lại: có nang nước ở dây thanh bên trái (1/3 sau). Bác sĩ An quyết định cho chuyển bệnh nhân lên phòng mổ bấm nang nước (tê tại chỗ). Đúng 14h16p, bệnh nhân vào phòng mổ trong tình trạng tỉnh táo, mạch 80 lần/phút; huyết áp 130/80mm Hg; SPO2: 99%.

Bệnh nhân được tiến hành xịt Lidocain 10% ba lần, đây là thuốc sử dụng phổ biến và không nằm trong danh mục phải thử phản ứng đối với BN do Bộ Y tế quy định. Bệnh nhân cũng từng sử dụng thuốc này 10 ngày trước cho phẫu thuật xơ dây thanh thành công – PGS.TS Sơn cho biết.

Chiếc càng soi treo đặt vào miệng nạn nhân trước khi bị co thắt thanh quản. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Chiếc càng soi treo đặt vào miệng nạn nhân trước khi bị co thắt thanh quản. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Khi xịt xong lần ba, bác sĩ đặt càng soi treo vào miệng, đang kiểm tra dây thanh thì chỉ số SP02 giảm đột ngột từ 99% xuống còn 43% nên liền cho tháo càng soi tiến hành cấp cứu. Chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân bị co thắt thanh quản cấp. Vì vậy, bác sĩ đã hô hấp hỗ trợ nhưng không có kết quả vì nhiều đờm dãi và thanh quản co thắt. Ngay lập tức, bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản dưới tác cục của thuốc giãn cơ, ép tim ngoài lồng ngực và sử dụng thuốc hỗ trợ cấp cứu: Natriclorid 0,9%; Manitol 20%; Natribicarbonat 1,4%.

Đến 14h30, lúc này mạch của nạn nhân đập 160 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg, SPO2 đạt 98%. Bệnh nhân tiếp tục thở máy.

Qua tiên lượng thấy tình trạng diễn biến xấu, lãnh đạo BV đã xin ý kiến của PGS Khoa (Nguyên trưởng khoa gây mê hồi sức BV Việt Đức). PGS Khoa chẩn đoán khó thở do co thắt thanh quản, tiếp tục hồi sức và cho thở máy.

Đến 21h30, bệnh nhân tự thở được. Lúc này, mạch 68 lần/phút, huyết áp 115/70 mmHg, nhịp thở 20 lần/phút.

PGS.TS Sơn gọi điện xin ý kiến PGS Kính (Phó chủ tịch hội gây mê hồi sức Việt Nam); PGSTú (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà NỘi, kiêm Chủ nhiệm bộ môn gây mê hồi sức trường ĐH Y Hà Nội); BS Quỳnh (Phó khoa gây mê hồi sức BV Việt Đức). Mọi người quyết định cho chuyển bệnh nhân sang BV Việt Đức tiếp tục điều trị.

Từ ngày chuyển sang BV Việt Đức, hàng ngày, Giám đốc BV vẫn thường xuyên thăm hỏi đồng thời nhờ các GS.BS của BV Việt Đức giúp đỡ. Đồng thời, cử y tá trưởng BV Đa khoa Hà Nội là nhân viên cũ của BV Việt Đức sang thăm hỏi và báo cáo các tiến triển của bệnh nhân cho ban lãnh đạo BV biết kịp thời.

Tính đến hôm nay (15-11), bệnh nhân Tưởng vẫn đang bị hôn mê, phải thở bằng máy, mạch và huyết áp vẫn chạy đảm bảo.

“Đây là sự việc đáng tiếc. Ngành gì cũng có rủi ro nhất định, Y tế càng không thể tránh khỏi. Nhiều khi đi đẻ – không phải bệnh cũng chết. Thậm chí có trường hợp một bác sĩ bị hóc xương cá nhưng cũng không cứu được, sợ bị nôn lấy bình xịt xịt rồi ngã vật ra chết...” – PGS.TS Sơn chia sẻ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG