Hai vợ chồng, hai chân và hai đứa con

Hai vợ chồng, hai chân và hai đứa con
Hai người chỉ có hai cái chân lành lặn để chống chọi với đời kiếm cái ăn và nhất là “sống chết gì cũng kiếm cái học cho con”...

Tôi đến nhà anh chị (anh Trần Trí Thành và chị Nguyễn Thị Cho ở tổ tự quản, đường ĐT 4/1, ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) không đúng lúc lắm: giờ cơm trưa.

Tôi hối thúc cả nhà cứ dọn cơm ăn. Chị đang cùng cháu Bích Phượng (học lớp 10 Trường Đồng Tiến) ngồi bệt dưới đất cặm cụi kết những hạt cườm vào tấm vải thêu, cười nói: “Không sao mà, anh đừng ngại, có gì đâu mà dọn...”.

Ban đầu tôi nghĩ chị nói cho tôi đỡ áy náy, nhưng rồi tôi hiểu ra chị nói thật: có gì đâu, chỉ một nồi cơm và một nồi canh dưa chuột nấu với tụy heo lềnh bềnh, cứ mỗi người xúc một tô cơm chan vào...

Tụy heo chị mua 10.000 đồng là món quý nhất trong bữa trưa của gia đình anh chị hôm ấy. Cháu Bích Liên (học lớp 7 Trường Đông Thạnh) xúc một tô ngồi ở góc nhà ăn ngon lành.

Cháu ăn xong, tôi thấy anh bước thấp bước cao xuống bếp, nhìn vào nồi canh rồi nói với con: “Sao con không ăn tụy heo cho có chất?”. Cháu Liên lí nhí: “Dạ, để ba mẹ ăn”... Hình như biết tôi nghe thấy, chị nói đỡ: “Có chút xíu mà cứ nhường qua nhường lại hoài”...

Nhường qua nhường lại, với gia đình khốn khó này, dần dần tôi biết ra không phải chỉ là tụy heo mà là hàng trăm thứ, dù chỉ là những thứ “có chút xíu”, những thứ rẻ tiền như vài trái bắp, quả chuối, ổ bánh mì, quả trứng...

Thật ra với gia đình anh chị, hơn 15 năm qua, từ ngày họ gặp nhau trong trường dạy nghề cho người khuyết tật (Phước Bình, Thủ Đức) có cái gì đắt giá đâu, cái gì cũng “có chút xíu”, cái gì cũng là đồ hư, đồ cũ. Làm sao được, giữa cuộc đời bề bộn này, anh - từ tấm bé một cơn sốt bại liệt đã làm teo một chân anh và chị cũng từ tấm bé, một trái mìn nổ làm chị mất đi một chân.

Hai người chỉ có hai cái chân lành lặn để chống chọi với đời kiếm cái ăn và nhất là “sống chết gì cũng kiếm cái học cho con”. Kiếm bằng cách nào? Anh chỉ vào hai xó góc trong căn nhà xập xệ. Ở đó, tôi thấy hai cái xác xe đạp, loại xe mini.

Anh nói: “Cà tành cà tàn vậy chớ nhờ nó đó nghen...”. “Nó” giờ đây chỉ còn là những ống sắt mục nát, nhưng bao năm trời “nó” đã cùng với cái chân lành của anh rong ruổi trên nhiều ngả đường bán từng tấm vé số và cùng anh miệt mài đưa hai con đến trường...

Còn chị kiếm bằng cách nào? “Thì cứ lê lết thôi...” - chị cười có vẻ ngượng nghịu nói. Bất giác tôi thấy chiếc dép đơn độc mòn vẹt của chị.

Bao nhiêu chiếc dép đã mòn chị không nhớ, chỉ nhớ về những ngày một tay chống nạng, một tay bế con băng qua một đoạn đường trên hai cây số để nhận 5kg hạt điều về bóc vỏ. Những ngày cũng tay nạng, tay con chị cứ đi lấy 10 tấm vé số bán, bán hết quay lại lấy 10 tấm khác vì không có vốn, rồi những ngày chị lê lết bán cóc ổi, sữa đậu nành...

Tháng ngày qua, Bích Phượng, Bích Liên lớn lên, vào trường cấp I, cấp II rồi cấp III trong khi sức của anh chị bị bào mòn dần. Những ngày trôi dạt ở vỉa hè, nhà trọ, ở mái tranh mái lá nắng mưa, lại làm lụng quá cực nhọc và thiếu thốn cái ăn, cái uống... nên bệnh tật ập đến hai con người khuyết tật ấy.

Chân anh bị liệt càng lúc càng đau, lại thêm cột sống lưng, cổ hành hạ, bước đi rất khó khăn. Anh không đạp xe được nữa. Một người quen có cha mất để lại chiếc xe máy ba bánh, đã bán rẻ cho anh và cho trả góp. Chiếc xe lại đưa anh đi bán vé số, đưa con đến trường.

Còn chị cũng không đi xa được nữa sau mấy lần mổ tuyến giáp. Không chống nạng đi được chị lại gắng ngồi khâu những hạt cườm, một tấm được 4.000 đồng. Ráng ngồi cặm cụi cả ngày, có con gái phụ, chị cũng khâu được sáu, bảy tấm...

Rồi một đêm chân anh đau quá không bước đi xa được, anh chị đã bàn tính và quyết định - một quyết định đã làm anh chị nhìn nhau và khóc: phải cho cháu Bích Liên đi bán vé số, một tuần ba buổi tối...

Anh vẫn còn nhớ buổi tối đầu tiên chở cháu trên chiếc xe ba bánh đến đường Nguyễn Văn Quá và cháu lững thững cầm xấp vé số bước vào một quán nhậu. Nhìn theo con, không cầm lòng được, anh gục xuống...

Đó là năm cháu Liên học cuối lớp 5. Bù lại tấm lòng của ba mẹ, năm ấy cháu Liên nhận được bằng khen vở sạch chữ đẹp cấp huyện, rồi bằng khen đạt danh hiệu học sinh giỏi...

Giờ đây nói về chuyện cháu Liên phải cùng anh đi bán vé số ba buổi tối trong tuần, anh chị vẫn cứ day dứt. “Mình sinh ra con mà không lo cho con được tròn vẹn, khổ tâm lắm...” - anh nói. Có lẽ vì vậy mà anh chị dè sẻn từng đồng, không dám uống thuốc để lo “cho hai con có cái học hành với người ta...”.

Theo Hàng Chức Nguyên
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.