Không ai có quyền cấm báo chí chống tham nhũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các cử tri Ảnh: L.N
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các cử tri Ảnh: L.N
TP - Tiếp tục hoạt động tiếp xúc cử tri, sáng 26-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 có cuộc tiếp xúc cử tri quận 1, TPHCM.

> Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là giải pháp chống tham nhũng
> Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri TPHCM: Nóng vấn đề tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri nêu những bức xúc về tình trạng tham nhũng chưa được giải quyết tận gốc, chủ quyền biển đảo, bỏ phiếu tín nhiệm…

Cử tri Phạm Thị Nga ở phường Bến Thành cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm cần thiết. Cử tri này đặt câu hỏi liệu có xảy ra hiện tượng mua chuộc, vận động hoặc mua phiếu tín nhiệm hay không?

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui khi cử tri ngày càng tin tưởng, gửi gắm niềm tin vào Quốc hội và Quốc hội đã nỗ lực giải quyết nhiều hơn những vấn đề bức xúc của đất nước.

“Bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm rất quan trọng trong tổng thể hệ thống giải pháp của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, hay nói rộng hơn là hệ thống chính trị đất nước. Nếu làm đúng đắn, làm có hiệu quả chắc chắn sẽ xoay chuyển tình thế”- Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, Nghị quyết Trung ương 4 nêu đây chính là việc phải làm nhất. Từ đây về sau cán bộ thuộc cấp ủy bầu ra dứt khoát hằng năm sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Trong năm nay hoặc trễ là đầu năm sau sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để việc bỏ phiếu tín nhiệm có hiệu quả cao, những người cầm lá phiếu phải có trách nhiệm hết sức đầy đủ, khách quan, công tâm, vô tư vì sự nghiệp của đất nước chứ không phải vì sự nghiệp cá nhân, vì ghế mình đang ngồi.

Chủ tịch nước cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cả nước đừng để mất lòng tin của dân đã bỏ phiếu cho mình.

Tiếp tục phần ý kiến, cử tri Phạm Thị Nga đề nghị nên mở rộng quyền cho báo chí viết về đề tài chống tham nhũng. Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Thị Hiệp ở phường Bến Thành bày tỏ phải đấu tranh tận gốc với tham nhũng, bởi “tham nhũng không còn là con sâu làm rầu nồi canh mà nồi canh giờ đã đầy sâu”.

Trước bức xúc của cư tri, Chủ tịch nước nói: “Kênh thông tin báo chí là rất quan trọng. Chúng tôi làm việc nghe rất nhiều kênh nhưng kênh không thể thiếu được là báo chí. Các nghị quyết của Đảng cũng khẳng định các cơ quan thông tin truyền thông góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Nhưng gần đây có anh em gặp tôi than vãn cũng không được coi trọng lắm”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định về vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, không ai có quyền cấm đoán báo chí.

“Nhiều anh em gặp tôi cứ bảo có ông A, ông B cấm. Đâu có quyền, nếu cấm phải dựa theo đạo luật nào, nhân danh cái gì”- Chủ tịch nước nói đồng thời kêu gọi báo chí làm việc theo nguyên tắc, điều lệ và pháp luật.

Nhiều cử tri bày bỏ quan điểm sợ trù úm khi đấu tranh chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại: “Một người có thể bị trù úm, vài mươi người có thể bị trù úm, chứ không thể trù úm cả đất nước này, cả dân tộc này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.