Không để mất quyền khai thác trên biển ta

Đẩy nhanh việc thành lập Cục Kiểm ngư
Đẩy nhanh việc thành lập Cục Kiểm ngư
TP - Trao đổi với Tiền Phong ngày 4-12, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh) cho biết, những động thái mới của Trung Quốc thể hiện họ đang cố tình “lấn tới” trên biển Đông. Chúng ta cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

> Ngư dân Việt vẫn vững vàng
> Trung Quốc hăm dọa dưới biển, 'lật kèo' trên bờ

Theo ông Mưu, việc tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam và hàng trăm tàu cá Trung Quốc vào vùng biển nước ta khai thác là hành động gây hấn tiếp theo của Trung Quốc tạo sự căng thẳng, không chỉ cho Việt Nam, mà cả các nước Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới.

Trước đó, họ vẽ “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu. Nhiều nước như Ấn Độ, Mỹ, Philippines… đã phản đối rất kịch liệt về vấn đề này. Ấn Độ còn in cả bản đồ Ấn Độ lên thị thực cấp cho công dân Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, vừa qua, chính quyền tỉnh này ra “Điều lệ quản lý trị an biên phòng duyên hải Hải Nam”, trao quyền cho cảnh sát biên phòng Hải Nam khống chế tàu thuyền nước ngoài, vào vùng biển thuộc quản lý của Hải Nam. Đây là vùng biển mà phần rộng lớn do họ tự nhận chứ thực tế không phải của họ.

Vấn đề đặt ra là, nếu Trung Quốc thành công trong việc khống chế tàu thuyền, có thể nói ngư dân ta mất chủ quyền khai thác trên nhiều vùng biển của ta, và Trung Quốc khống chế khai thác ở vùng biển của Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về đấu tranh của ta với các hành động gây hấn từ Trung Quốc?

Việc tàu Bình Minh 02 bị làm đứt cáp và hàng trăm tàu cá Trung Quốc kéo vào vùng biển của ta là một hành động gây hấn, thậm chí đó là hành động xâm lấn về biển.

Vì vậy, chúng ta phải tỏ thái độ rất kiên quyết về vấn đề này. Lâu nay, chúng ta vẫn đấu tranh rất kiên quyết, vẫn có những phản ứng, tuyên bố khá mạnh, nhưng theo tôi vẫn cần mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta phải thẳng thắn, kiên quyết để người ta hiểu rằng, nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền của mình.

Bảo vệ ngư dân trên biển

Thưa ông, việc Trung Quốc có nhiều hành động gây hấn, tàu cá nước này lấn sâu vào vùng biển Việt Nam khai thác như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc đánh bắt của ngư dân Việt Nam?

Về tâm lý, việc gây hấn của Trung Quốc làm cho ngư dân Việt Nam cảm thấy bất an. Đặc biệt, từng đoàn tàu cá với hàng trăm chiếc, loại tàu to, mã lực lớn, ảnh hưởng rất lớn đến các ngư trường khai thác truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Như vùng đảo Trường Sa, Hoàng Sa, tàu cá Trung Quốc kéo đến hàng trăm chiếc, trong khi tàu cá Việt Nam chủ yếu là đánh lưới vây, lưới rê, và nghề câu; ba nghề này đối kháng với nghề kéo dã của họ, nên chỉ cần họ kéo qua là ngư dân ta mất hết các lưới, ngư cụ.

Vậy làm thế nào để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân ta tiếp tục bám biển, khẳng định vùng biển chủ quyền của Việt Nam?

Bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, quyền lợi của ngư dân ta, là trách nhiệm toàn dân tộc, mọi người phải có tâm nguyện trong việc này. Lâu nay, chúng ta cũng đã có hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày, sắm thuyền to lưới lớn…

Tuy nhiên, những chính sách đó vẫn chưa đáp ứng hết được yêu cầu thực tế. Một số chính sách như Quyết định 48 về hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm vỏ tàu, thuyền viên… vùng biển xa, nhưng chậm hoặc không đến được với ngư dân.

Hiện giá dầu tăng liên tục, giá cá mắm thì không tăng, bám biển thì lỗ, ngư dân nhiều nơi “đuối sức”. Thực sự, chúng ta cần chính sách hỗ trợ, làm sao đến được tận tay người dân, để họ đủ sức tham gia bám biển, bảo vệ vùng biển chủ quyền của mình.

Tàu cá Trung Quốc bây giờ không chỉ đi dăm ba chiếc đơn độc, mà hàng trăm chiếc, để bảo vệ nhau, thậm chí là để giải tán những nhóm tàu của Việt Nam nếu nhỏ lẻ.

Chúng ta cũng phải nghĩ đến các phương án, để giữ được khả năng, đội hình khai thác, giữ được tài sản, quyền lợi và tính mạng của ngư dân trên vùng biển chủ quyền của mình. Việc này không chỉ Hội, tổ chức nào, mà cả nước phải đứng bên họ và có trách nhiệm với họ.

Đẩy nhanh việc thành lập Cục Kiểm ngư

Chiều 4-12, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm ngư, Tổng cục đang tham mưu cho bộ, xúc tiến thành lập, tổ chức bộ máy Cục Kiểm ngư trong thời gian sớm nhất có thể.

Cục Kiểm ngư là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thủy sản, dưới có các Chi cục Kiểm ngư vùng và các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp.

Phạm Anh
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.