Tọa đàm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Tọa đàm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
TP - Hôm qua (10-12), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 - 12-2012).

> ‘Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam’
> Gần 490.000 bài dự thi Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Trung tướng Phạm Tuân, một trong hai phi công bắn rơi B52 cho biết: B52 là máy bay chiến đấu tầm xa hiện đại, được yểm trợ rất mạnh. Việc đánh thắng B52 thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam.

Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, các sân bay đều bị đánh phá, điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, ta phải sáng tạo. Phi công phải phán đoán được tình huống vì trận đánh rất nhanh, thời gian tiếp cận B52 chưa đầy một phút.

“Lúc đó, không chỉ hồi hộp mà còn lo, nếu sơ hở bật ra đa sớm thì F4 phát hiện sẽ đuổi bắn mình. Nhưng tôi chỉ sợ B52 phát hiện ra mình chạy mất. Xung quanh có rất nhiều F4, nhưng tôi chỉ hướng vào chiếc B52 phía trước, cố gắng đạt tốc độ nhanh nhất, dù bay với tốc độ 1.600km/h mà vẫn thấy chậm vô cùng. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa” - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Đêm 18-12-1972, Không quân Mỹ đã mở màn chiến dịch Linebacker II, sử dụng pháo đài bay chiến lược B52 tấn công miền Bắc Việt Nam, trọng tâm là Hà Nội.

Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng B52 và các loại máy bay chiến lược hiện đại rải thảm hàng chục ngàn tấn bom xuống Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Bằng những câu chuyện thực của người trong cuộc, các nhân chứng nêu bật tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời của quân và dân ta trong việc chủ động đánh trả B52, làm nên kỳ tích chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không - Không quân cho biết: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã hứng chịu nhiều thất bại, 3 đời tổng thống Mỹ bị đổ, Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Chiến tranh cục bộ và Chiến tranh đặc biệt đều đã bị phá sản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG