Mua vé tàu Tết: Nghẽn mạng, hàng nghìn người ...trắng tay

Mua vé tàu Tết: Nghẽn mạng, hàng nghìn người ...trắng tay
TP - Ngày 10-12, ngày đầu Ga Sài Gòn triển khai bán vé tàu Tết Qúy Tỵ năm 2013 qua mạng, website www.vetau.com.vn bị tê liệt khiến hàng nghìn người trắng tay sau một ngày bỏ công ăn việc làm, hì hục truy cập vào mạng.

> 'Vetau.com.vn' - vào dễ, mua khó
> Bi hài mua vé tàu xe, máy bay dịp Tết

Trầy trật mua vé

8h sáng cùng ngày, ngay sau khi Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (KSG) cập nhật vé tàu tết lên website www.vetau.com.vn, việc truy cập vào trang web trở nên vô cùng khó khăn.

Sau nhiều giờ thao tác bất thành, hàng nghìn người bức xúc đổ về phòng vé ga Sài Gòn. Tại đây, các máy tính đặt dưới tầng trệt phục vụ khách cũng trong tình trạng nghẽn mạng.

Chiều cùng ngày, tại phòng vé ga Sài Gòn, hàng trăm người vẫn còn nấn ná.

Thượng úy Nguyễn Văn Quyển, cán bộ Tiểu đoàn thông tin (Lữ đoàn 56) kể: Đăng ký mua hai vé về Hà Nội, đi ngày 4-2, hai vé khứ hồi về ngày 15-2-2013 và chọn phương thức mua qua điện thoại nhưng gặp không ít phiền hà.

Theo anh Quyển, truy cập quá đông dẫn đến tình trạng nghẽn mạng nhưng vô lý ở chỗ có người vào - người thoát ra. Truy cập đặt chỗ không được, anh Đỗ Ngọc Duy (quê Hải Phòng) chạy ra ga lấy số thứ tự xin mua vé trực tiếp, mới biết ga chỉ bán vé đi trong tháng 1-2013.

“Tại sao không tổ chức cả hai, bán trực tiếp và bán qua mạng để tránh tình trạng nghẽn mạng? Ngành đường sắt cần xem lại cách bán vé để giảm phiền hà cho người dân” – anh Duy đề nghị.

Anh Nguyễn Tuấn Cương số CMND 023118609 mua hai vé tàu SE6 đi Đông Hà (Quảng Trị) vào ngày 7-2-2013 và may mắn đặt chỗ thành công song vẫn bức xúc, kể: “Tôi lên mạng từ 8 giờ sáng, không dám rời máy tính. Đến 11 giờ 30 mới truy cập được. Truy cập được rồi, đến lúc chọn vé, click chuột cả tiếng vẫn không được, máy cứ như bị treo. Thoát ra thì coi như “xôi hỏng, bỏng không”. Tôi điện ra ga thì được hướng dẫn tiếp tục click chuột. Chọn vé xong vẫn chưa hết rắc rối, phải bấm đặt chỗ, xác nhận đặt chỗ… Đường truyền quá tải, thao tác bấm lệnh rất khó”.

Nghẽn mạng do cầu vé lớn

Một số hành khách bức xúc cho biết nhiều thương binh, người tàn tật có thẻ đến xin mua vé trực tiếp cũng không được ưu tiên, bắt buộc phải đặt chỗ qua mạng.

“Ngành đường sắt gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Nhiều người không biết máy tính, phải tốn tiền điện thoại, thuê người khác vào mạng. Tại sao không cho người dân xếp hàng mua vé trực tiếp? Chị Nguyễn Thu Dung (tạm trú tại phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) nói.

Tối 10-12, trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc KSG cho biết để phục vụ bán vé tàu Tết, công ty đã nâng cấp đường truyền, thay đổi cách thức đặt vé.

Trước 8 giờ sáng, hệ thống hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi phương án bán vé tàu Tết được cập nhật vào hệ thống, kể từ lúc 8 giờ, đường truyền đã đụng trần. Websever, Datasever khai thác khoảng trên 90%. Trong khoảng thời gian từ 8 đến 11 giờ đã xảy ra nghẽn mạng cục bộ do cung - cầu chênh lệch quá lớn.

Đã đặt mua 4.000 vé

Các chuyên gia của KSG đã phối hợp với Ngân hàng Công thương VN (VietinBank) xử lý sự cố kỹ thuật. Nhờ vậy, kết quả số phiếu đặt chỗ và số chỗ đặt thành công tăng dần và ổn định. Cụ thể: Lúc 11 giờ có 293 phiếu đặt chỗ với số chỗ đặt là 758.

Lúc 15 giờ có 1439 phiếu (3901 chỗ). Lúc 16 giờ có 4.253 chỗ đã đặt mua. Trong ngày đầu tiên, có 32 phiếu đặt chỗ (71 vé) đã thanh toán, trong đó 15 phiếu thanh toán qua ngân hàng (36 vé), 1 phiếu (2 vé) thanh toán trực tuyến.

“Để phục vụ việc đặt chỗ mua vé trong thời gian cao điểm Tết qua website www.vetau.com.vn, chống việc đầu cơ, gây nghẽn mạng, Cty KSG đã đưa khoảng 20.000 tài khoản vào diện quản lý đặc biệt” – ông Tùng cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.