Tranh chấp Biển Đông: ASEAN cần một tiếng nói chung

Tàu thuyền ngư dân Phú Yên đánh bắt cá tại vùng biển Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa Ảnh: N.Huy
Tàu thuyền ngư dân Phú Yên đánh bắt cá tại vùng biển Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa Ảnh: N.Huy
TP - Trung Quốc liên tục thực hiện mưu đồ bành trướng, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải Việt Nam và các nước khu vực biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế. Trước diễn biến đó, các nước ASEAN cần có tiếng nói chung cho vấn đề này, hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết.

>Biển Đông bên bờ vực ‘ngoại giao chiến hạm’

>Báo Hong Kong: Chính sách của TQ ở Biển Đông là phi lý

>Trung Quốc triển khai tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông

> Vì sao cuộc họp 4 bên giải quyết tranh chấp Biển Đông bị hoãn?
> Phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông

Nhận định trên được các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu cảnh báo tại Hội thảo quốc gia Hợp tác biển Đông-lịch sử và triển vọng do Học viện chính trị- hành chính (HVCT-HC) khu vực III, HVCT-HC Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp, khai mạc tại Đà Nẵng sáng qua, 12-12.

Theo TSKH. Lương Văn Kế, Khoa Quốc tế học (ĐH KHXH&NV Hà Nội): Lợi ích biển Đông với các quốc gia trên thế giới rất đa dạng, nhiều cấp độ nhưng chỉ duy nhất Trung Quốc có tham vọng bá chiếm lãnh thổ tạo ra các xung đột đầy kịch tính trên biển Đông. Qua nhiều thủ đoạn, chiêu trò đường lưỡi bò 9 đoạn, quy định cấm đánh bắt cá, kiểm soát tàu thuyền trái phép trên biển...

PGS.TS Trần Ngọc Vương, chuyên gia nghiên cứu biển Đông, nhận định: Từ thế kỷ 16, các nước phương Tây đã hướng biển phát triển kinh tế, trong khi Trung Quốc lại bỏ rơi biển suốt thời gian dài từ thế kỷ 15, bằng chính sách hải cấm.

Giờ Trung Quốc nhận ra rằng thời đại hiện nay chỉ có biển mới trở thành bàn đạp để thành siêu cường nên đang ráo riết thực hiện mưu đồ xâm chiếm vùng lãnh hải tại khu vực này.

Theo TSKH. Lương Văn Kế: Đặt tranh chấp biển Đông với 5 nhóm lợi ích kinh tế, an ninh, tài nguyên, hệ giá trị... có thể nói bản chất việc tranh chấp bắt nguồn từ xung đột lợi ích kinh tế và lợi ích tài nguyên. Riêng Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển qua đường biển.

Biển Đông được coi là 1 trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới, với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày, chưa kể tài nguyên khai thác hải sản... GS. Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện KH-XH Việt Nam), đồng tình: Bản chất xung đột biển Đông từ lợi ích này lý giải tại sao, xung đột biển Đông ngày càng phức tạp do xu thế thông thương trên biển và các nền kinh tế hướng ngoại.

Các nhà nghiên cứu nhận định: Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa bản chất xác lập, và kiểm soát quyền lực của mình từ những tranh chấp biển Đông nhằm “chốt chặn mặt tiền” hướng ra biển của các quốc gia ven biển, đưa các nước này vào sự lệ thuộc, khống chế các tuyến vận tải, khai thác biển và tiến tới cả đường không vận.

Ông Kế cho rằng: nguyên nhân chính khiến Trung Quốc ngày càng lấn tới độc chiếm biển Đông bất chấp sự phản ứng của các nước là ở chỗ, các nước tranh chấp đều chưa phải là “đối thủ” cân sức”.

PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Phó hiệu trưởng trường ĐHKH Huế cho rằng: Trật tự biển Đông có sự thay đổi với sự xuất hiện của hai nhân vật chủ chốt là Trung Quốc và Mỹ. Cần có các biện pháp nghiên cứu, hoạch định chính sách ứng phó toàn diện và thận trọng.

Theo các chuyên gia: Một khi Trung Quốc độc chiếm được biển Đông, nước này sẽ bất chấp cam kết duy trì tự do lưu thông trên biển mà ra lệnh cấm thông thương bất kỳ lúc nào, khi cần bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình nhằm ngăn chặn lợi ích các nước khác.

TS. Nguyễn Nhã (TP Hồ Chí Minh), chuyên gia nghiên cứu biển Đông cho hay: Giải quyết vấn đề biển Đông đòi hỏi Việt Nam, các nước cần nỗ lực lớn, kiên trì chính sách kiên định, phù hợp.

Nên xây dựng liên minh an ninh kinh tế biển với các cường quốc và các nước trên trục biển Đông nhằm loại bỏ xu thế thỏa hiệp, tranh thủ sự ủng hộ cộng đồng, luật pháp quốc tế.

TS.Nguyễn Văn Lý, Giám đốc HVCT-HC khu vực III cho rằng: Trước hết các nước ASEAN cần có tiếng nói chung cho vấn đề này, hạn chế rạn nứt, mâu thuẫn lợi ích cục bộ về biển Đông. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia là xu thế chung, khẩn thiết giải quyết xung đột hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG