Phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước

Phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước
TP - Trong số những điểm mới của Luật Tài nguyên Nước (có hiệu lực từ 1-1-2013), đáng chú ý, lần đầu tiên có quy định phải thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước, nhằm phòng chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước.

> Dân vào cuộc cứu các dòng sông
> Khô hạn giữa mùa lụt

Cắm mốc chỉ giới

Theo ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước (QLTNN) - Bộ TN&MT, lần đầu tiên, Luật Tài nguyên Nước TNN quy định các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

Các nguồn nước đó bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các khu đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm phá, sông, suối, kênh, rạch là nguồn cung cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng…

Luật cũng quy định trách nhiệm cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của tổ chức quản lý, vận hành hồ; ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Để phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trong hành lang bảo vệ nguồn nước, việc khai thác, sử dụng nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước trong khu vực; không được phép xây mới các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại.

Ngoài ra, để kiểm soát hiệu quả việc xả thải vào nguồn nước, từ nay trở đi, chủ đầu tư phải có phương án phòng chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước ngay từ khi xây dựng dự án.

Chấm dứt việc tùy tiện làm hồ chứa

Theo bà Trần Thị Huệ (Cục QLTNN), từ nay trở đi, tất cả các ngành hoặc địa phương khi đề xuất xây dựng hồ chứa trên sông, suối thì phải nêu rõ sự cần thiết xây dựng hồ.

Tiếp đó, phải xác định dòng chảy cần duy trì trên sông, suối, phải xác định các nhiệm vụ cụ thể của hồ theo thứ tự ưu tiên; và phải xác định dung tích hồ chứa dành để thực hiện từng nhiệm vụ của hồ chứa.

Bà Huệ nhấn mạnh, từ nay trở đi, quy hoạch hồ chứa phải có sự đóng góp ý kiến của các đối tượng hưởng lợi và đối tượng chịu rủi ro từ việc khai thác, sử dụng nước do việc xây dựng hồ chứa đề xuất trong quy hoạch gây ra.

Việc chuyển nước lưu vực sông cũng sẽ không được tùy tiện như trước. Thay vào đó, các dự án chuyển nước phải có ý kiến thẩm định của Bộ TN&MT trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Quy định này được kỳ vọng sớm chấm dứt tình trạng nhức nhối lâu nay ở khắp nơi, mà một trong những điển hình là trên sông Vu Gia có thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nước qua sông Thu Bồn và hồ Sông Khang lại chuyển nước của sông Thu Bồn qua lưu vực sông Tam Kỳ và Ly Ly.

Do chuyển nước tùy tiện, dự án thuỷ điện Đắk Mi 4 làm hụt một tỷ mét khối nước trên sông Vu Gia trong chín tháng mùa khô, khiến hàng vạn người ở hạ lưu Vu Gia khốn đốn.

Chặn đứng tàn phá nguồn sinh thủy

Theo dõi suốt 15 năm qua, TS Vũ Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Viện KH&CN Việt Nam, cảnh báo tình trạng cạo trọc nhiều nơi trong hai thảm rừng quốc gia Cát Tiên và Cát Lộc, vốn ôm trọn sông Đồng Nai và dự trữ nguồn nước khổng lồ cho vùng hạ lưu.

Trong số 328 ha đất rừng Cát Lộc, vùng đệm của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, được giao cho dân địa phương quản lý, sau năm năm, chỉ còn chục héc-ta.

Tàn phá rừng Cát Lộc là tàn phá bể trữ nước tự nhiên ở toàn bộ VQG Cát Tiên và các vùng phụ cận, làm cạn kiệt nguồn nước cấp cho sông Đồng Nai, nơi cuộc sống của hàng chục triệu người dựa vào.

Rừng đầu nguồn còn bị tàn phá bởi thủy điện. Sông Đồng Nai từng có tổng trữ lượng nước 22 triệu m3/ngày. Từ khi xây các đập thủy điện, lượng nước đã tiệm cận ngưỡng thiếu vào mùa khô, nhưng lại không tích được vào mùa mưa, làm gia tăng lũ và sạt lở ở hạ lưu.

Thác Pongour ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cao 40m, rộng 100m, tuôn nước ào ạt xuống vách đá bảy tầng.

Từ khi đập thủy điện Đại Ninh tích nước năm 2008 đến nay, con thác từng được người Pháp xếp vào hạng hùng vĩ nhất Đông Dương trở nên cạn khô.

Theo TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam), sông ngòi nước ta đang phải gánh hơn 500 công trình thủy điện lớn nhỏ.

Theo Bộ Công Thương, sẽ có hơn 1.000 công trình thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng thời gian tới. Trong khi đó, tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa trên các lưu vực sông chính ở nước ta đều giảm.

Với các sông Hồng, Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba Đồng Nai, lượng nước đó thấp hơn trung bình nhiều năm 15-40%.

Tại các sông ở Nam Trung Bộ, lượng dòng chảy hiện thấp hơn 55-80% trung bình nhiều năm. Sông Hồng ngày càng xuất hiện tình trạng trơ đáy ở nhiều đoạn trong thời gian dài.

“Rừng đầu nguồn nước ta còn rất ít chức năng nguồn sinh thủy”, GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam, nói.

Theo bà Trần Thị Huệ, từ nay trở đi, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng ảnh hưởng diện tích rừng phải có trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy.

Tổ chức, cá nhân phải trồng bù diện tích rừng đã bị mất do việc xây dựng công trình. Trường hợp địa phương không bố trí được quỹ đất để trồng rừng mới, tổ chức hoặc cá nhân đó phải đóng góp kinh phí trồng rừng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa còn phải đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa. Không những thế, họ phải tham gia bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.

Phải bổ sung nước ngầm

Theo các chuyên gia, nóng nhất có lẽ vẫn là nước ngầm tại đô thị. Một nửa lượng nước cung cấp cho 755 đô thị hiện nay là lấy từ nước ngầm.

Năm 2020, khi trở thành nước công nghiệp, Việt Nam có nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Trong khi đó, cảnh nước sông ngoạm sát vườn như một ngôi nhà ven sông Tiền này sẽ phổ biến hơn. Ảnh: QD
Năm 2020, khi trở thành nước công nghiệp, Việt Nam có nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Trong khi đó, cảnh nước sông ngoạm sát vườn như một ngôi nhà ven sông Tiền này sẽ phổ biến hơn. Ảnh: QD.

Các đô thị khu vực đồng bằng Nam Bộ hiện khai thác tổng cộng 300.000m3/ngày (110 triệu m3/năm), trong khi riêng TPHCM khai thác 500.000m3/ngày (200 triệu m3/năm). Hà Nội đạt kỷ lục khi mỗi ngày khai thác 800.000m3 (300 triệu m3/năm).

Theo Liên đoàn Quy hoạch&Điều tra Tài nguyên Nước Miền Bắc, đang diễn ra nạn khai thác vượt quá trữ lượng tiềm năng nước ngầm; khai thác thiếu quy hoạch, không theo quy hoạch hoặc thiếu đánh giá nguồn nước, đánh giá chưa đầy đủ gây tụt giảm mực nước, sụt lún mặt đất.

Tốc độ đô thị hóa tăng, quá trình bê tông hóa bề mặt phát triển dẫn đến diện tích cung cấp nước từ nước mưa, nước mặt cho nước ngầm ngày càng bị thu hẹp, gây cạn kiệt nguồn bổ cập cho nước ngầm.

Đặc biệt, nhiều nhà cao tầng mọc lên với hệ thống lỗ khoan khảo sát địa chất công trình, hệ thống móng khoan cọc nhồi được thi công càng làm gia tăng ô nhiễm và sụt giảm nước ngầm.

Ứng phó thảm họa trên, Luật TNN quy định, từ nay trở đi, các bên khai thác nước phải tham gia bổ sung nhân tạo nước ngầm. Việc bổ sung sẽ dựa trên việc đánh giá cụ thể khả năng thích ứng về số lượng và chất lượng, khả năng giữ và trữ nước của các tầng chứa nước được bổ sung.

Bộ TN&MT được giao trách nhiệm xác định các tầng chứa nước, khoanh định vùng cần bổ sung và phê duyệt phương án bổ sung nhân tạo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG