Tướng Quắc hội ngộ thi sĩ Việt Chiến: Còn lại rượu và thơ

Tướng Quắc hội ngộ thi sĩ Việt Chiến: Còn lại rượu và thơ
TP - Bốn năm sau ngày ra tù, bước sang tuổi 60, Nhà báo Nguyễn Việt Chiến bất ngờ hội ngộ Tướng Phạm Xuân Quắc tại quê hương ông ở Thanh Hà, Hải Dương. Cuộc hội ngộ bất ngờ này, khiến cả hai có số phận lao lý trong vụ án PMU 18 mừng mừng, tủi tủi...

> Nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Vác cần đi câu thơ
> Tướng Quắc những ngày đi trong 'bão'

Bốn năm, ngày gặp lại

Dịp cận Tết, tôi có cơ duyên được chứng kiến cuộc gặp mặt hy hữu này. Một bên là Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục điều tra tội phạm trật tự xã hội, Trưởng ban chuyên án PMU 18, bị cáo buộc là nguồn tin của nhiều nhà báo trong vụ PMU 18, còn một bên là phóng viên Nguyễn Việt Chiến, người đứng đầu danh sách phóng viên được nêu tên trong cáo trạng, có liên quan đến ông Quắc (nhận tin từ Tướng Quắc).

Tôi biết, trước cuộc gặp này, họ từng có lần giáp mặt nhưng không phải trong không khí gia đình và ấm cúng này, mà đó là cuộc đối chất lạnh lẽo trong phòng hỏi cung của cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an).

Chẳng biết cuộc đối chất ấy diễn ra thế nào, nhưng rốt cuộc cả hai đều bị khởi tố bị can. Sau này, Nguyễn Việt Chiến bị án tù 18 tháng, còn Tướng Quắc không phải nhập trại, mà chỉ bị cảnh cáo, lon Thiếu tướng vẫn giữ nguyên.

Sau này, ông Quắc tiết lộ, không chỉ đối chất với Nguyễn Việt Chiến, mà ông phải đối chất với gần chục nhà báo khác. Bởi khi rà soát list điện thoại gọi đến và đi số di động của ông Quắc, có gần chục số điện thoại của các nhà báo thường xuyên gọi vào máy của ông giai đoạn đang điều tra vụ PMU18.

Chính cái list điện thoại ấy làm khổ ông, dù có lần ông tâm sự “mình đã giải thích nhiều lần rằng, những nhà báo này mình đều quen biết, nên họ gọi cho tôi hỏi thăm, trò chuyện cũng là bình thường”.

Đường vào làng Song Động, xã Tân An, quê hương Tướng Quắc, bê tông thảm kín, hai bên đường nhà san sát như phố xá, xem ra làng ông cũng thuộc diện khá giả.

Nhà ông thuộc diện kín cổng, cao tường, ngôi nhà mái bằng, trong khuôn viên vườn tược vài trăm mét vuông, vải thiều san sát. Đây được coi như vùng đất tổ vải thiều Thanh Hà.

Cổng mở, ông Quắc ngồi khoan thai trước hiên nhà, vừa thấy Việt Chiến, ông buông chiếc điếu cày trên tay trách: “Sao giờ này mày mới tới?!”.

Nhìn bộ dạng Tướng Quắc, ở tuổi 67 (ông Quắc sinh năm 1946) xem ra ông còn trẻ hơn cách đây 4 năm, khi đứng trước vành móng ngựa. Da đỏ hồng, chỉ có mái tóc vẫn bạc trắng thế, vì không thể bạc hơn.

Ở dưới bếp, vợ ông đã chuẩn bị sẵn cơm đón khách. “Nghe nói chú về, tao từ TP Hải Dương về đây từ sớm”. Ngoài sân, chiếc Camry 2.4 màu đen bóng loáng.

Ông bảo, sau ngày ra toà, ông mua chiếc xe này đi lại câu cá hoặc thăm thú bạn bè cho tiện. Sau cái bắt tay chặt, Tướng Quắc mừng mừng tủi tủi: “Từ lâu tao vẫn ngóng tin mày, thỉnh thoảng thấy chú trên truyền hình đọc thơ. Mà cái bài Tổ quốc nhìn từ biển của chú tao cũng mê lắm”...

Bữa trưa được dọn ra, toàn món “cây nhà lá vườn”, con gà luộc bắt ngoài vườn; đĩa thịt chân giò luộc, một tô lươn om chuối đậu, thêm chai rượu nút lá chuối.

“Cả mâm cơm này, chỉ có đĩa thịt luộc, mấy con lươn là bà ấy mua ở chợ làng. Còn lại đều của vườn nhà cả”, Tướng Quắc nói. Món lươn om củ chuối đậu, mà phải là củ chuối hạt, chát đắng, được om với lươn đồng, thêm chút đậu và thịt ba chỉ, nhấp thử mềm nhũn, miếng củ chuối được ninh lâu, ngấu vào lươn, thịt và đậu, thơm ngon lạ.

“Các chú cứ nhậu thoải mái, làm chút nước om lươn với củ chuối này lại coi như chưa uống. Đây là đặc sản của Thanh Hà. Cưới cheo, giỗ chạp gì cũng phải có”, ông Quắc tâm sự.

Ngồi kế bên, thằng cháu gọi ông Quắc bằng chú ruột, hiện được ông giao cho trông coi nhà cửa ở quê bật mí: “Đây là lần đầu đích thân bác Quắc ra vườn đào củ chuối về đãi khách đấy”.

Rượu và thơ

Tác giả (bìa trái) cùng Tướng Quắc và Việt Chiến tại nhà Tướng Quắc ở Thanh Hà. Ảnh: Trung Hiền
Tác giả (bìa trái) cùng Tướng Quắc và Việt Chiến tại nhà Tướng Quắc ở Thanh Hà. Ảnh: Trung Hiền.
 

Rượu vào lời ra. Nâng ly rượu đầy, Việt Chiến nhớ lại: “Em không thể quên phút giây đứng trước vành móng ngựa, bác tranh thủ nhắc em “chú phải động viên cô ấy, hôm qua lúc chú lên xe thùng về trại, cô ấy gọi với theo ngất lên, ngất xuống ở sân toà”.

Hình ảnh vợ nhà báo Việt Chiến ngất ở sân toà, sau phiên xử ngày đầu tiên, khi chị gọi với theo anh nhưng không có lời đáp. Hình ảnh đó, được nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp lại, sau được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều.

Và khi đó, Tướng Quắc từ phòng xử ra về, cũng chứng kiến được toàn bộ sự việc, nhưng ông cũng chỉ biết lặng im, cho đến phiên xử sáng hôm sau, tranh thủ lúc đứng cạnh Việt Chiến trong vành móng ngựa mới nói cho anh biết.

Nghe đến đó, tướng Quắc thủng thẳng: “Đời thằng đàn ông làm gì thì làm, đừng để liên lụy đến vợ con”. Tôi hỏi nếu được làm lại cuộc đời, ông sẽ thế nào? Tướng Quắc bảo: “Thì vẫn thế thôi, đi làm cảnh sát, bắt những tên tội phạm trùm sò (Năm Cam, Dung Hà, Khánh Trắng...). Còn vụ án PMU 18, chắc sẽ làm cẩn trọng hơn”.

Rồi ông khoe, từ khi nghỉ hưu, bị toà tuyên phạt cảnh cáo, ông về sinh sống ở TP Hải Dương. Vợ chồng già cùng chăm đứa cháu đích tôn học trường chuyên của thành phố. Xem ra ông có vẻ tự hào lắm: “Bố mẹ nó làm ăn ở nước ngoài.

Nó học giỏi lắm, ngày ngày tớ chở cháu đi, về. Ngày nghỉ cuối tuần về quê, đi câu cá với bạn bè. Cuộc sống thế cũng là vui”. Ở quê Thanh Hà, ông còn có gần mẫu vườn, với gần 100 gốc vải. Cứ mùa vải bạn bè, chiến hữu trong ngành công an gần xa lại về. Người lấy vài chục cân, người lấy vài tạ.

Ông cũng chẳng tính toán chuyện tiền bạc, nhưng người nào ra về cũng biếu ông một vài triệu. Nên mỗi mùa vải, cũng được vài chục triệu, cộng với tiền lương hưu thiếu tướng gần chục triệu mỗi tháng, vợ chồng đủ chi tiêu.

Nâng thêm ly rượu, Việt Chiến khoe: “Đáng ra cuối năm này em cũng nhận sổ hưu, nhưng cơ quan giữ lại thêm năm nữa”.

Từ ngày Việt Chiến ra tù, không còn thấy anh đứng tên viết những bài điều tra, thi thoảng thấy cái tin, bài viết về văn hoá, cảnh quan Hà Nội. Mảng báo chí có vẻ lép vế, nhường cho những tác phẩm thi ca. Nghe vậy, ông Quắc bảo: “Thế cho đời nó khuây khỏa, hợp sức”.

Lấy tập thơ mới in năm 2012, Việt Chiến ký tặng Tướng Quắc. Trước lúc chuyền tay ông, Việt Chiến nhâm nhi đọc bài Gửi Bạn: Mùa đã vắng những cánh chim lẻ bạn/ Đất ấm dần sông chảy mộng mơ hơn; Cái còn lại sẽ trở thành dĩ vãng/ Cái mất rồi không phải đã hư vô/ Cái mới gặp - người hồn nhiên đón nhận/ Cái rời xa - ta nuối tiếc dày vò; Cám ơn bạn, những người tôi yêu mến/ Như anh em như máu thịt của mình/ Trong thế kỷ đã quá nhiều đổ vỡ/ Ta gắn hàn chút giá trị mong manh; Xin đừng hỏi vì sao ta gục ngã/ Ta yêu thương như Mẹ - núi sông này/ Khi ngay thẳng sống làm người thật khó/ Ta dọn mình cho bữa tiệc đắng cay...

Nghe đến đó, Tướng Quắc gật gù, nâng ly cùng uống cạn. Việt Chiến thì thầm: “Đây là một trong số những bài thơ em viết trong tù. Tặng anh làm kỷ niệm”. Tướng Quắc hỏi lại: “Thế trong tập này có bài Tổ quốc nhìn từ biển không?”, Chiến gật đầu. Rồi cả hai cùng cao giọng đọc: Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa...

Kết thúc bài, ông Quắc gật gù: “Bài này của chú được. Tao thích!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG