Nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước

Nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước
TP - Nhiều ý kiến phát biểu như vậy tại Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 do Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội), Tạp chí Pháp luật và phát triển (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức ngày 22-2.

> GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý Điều 4 Hiến pháp
> Đề xuất mở rộng cách thức dân chủ trực tiếp

“Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước là một tất yếu, một đòi hỏi chính đáng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta” - GS Trần Ngọc Đường (chuyên gia cao cấp của Quốc hội) khẳng định.

Mặc dù về nguyên tắc, việc sửa đổi Hiến pháp phải hướng đến tất cả quyền lực phải thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa thể hiện được điều này.

Thậm chí, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp cũng do Quốc hội quyết định, người dân chỉ có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Theo GS Nguyễn Đăng Dung (ĐHQG Hà Nội), phải đề cao tính tối cao của Hiến pháp, trong đó vị trí của nó phải đặt cao hơn cả Quốc hội.

Bất cập trong quy định dự thảo là dù đã xác định tất cả mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân song lại quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp.

Giáo sư Dung nhấn mạnh, Hiến pháp và cả tòa án đều phải ghi nhận, tôn trọng quyền con người. Quốc hội không thể tự cho mình quyền họp bàn để cắt xén, thêm bớt quyền này hay quyền kia, bởi quyền con người là quyền tự nhiên. Cần phân định để Quốc hội làm đúng và đủ quyền lập pháp, không lấn sang các quyền khác.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đề nghị cần quy định để Hiến pháp được trưng cầu ý dân trực tiếp thay vì phải được Quốc hội quyết định rồi mới trưng cầu. “Điều 124 (sửa đổi, bổ sung điều 147) quy định việc trưng cầu dân ý về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

Nhưng trưng cầu dân ý hay bỏ phiếu toàn dân là một cuộc bỏ phiếu trực tiếp, trong đó tất cả cử tri phải thể hiện chính kiến của mình đồng ý hay phủ quyết một vấn đề liên quan đến toàn dân, thậm chí vận mệnh quốc gia. Nên chăng quy định trực tiếp hiến pháp làm ra phải được trưng cầu ý dân thay vì phải được Quốc hội quyết định rồi mới trưng cầu ý dân” - TS Thanh nói.

Bầu trực tiếp Chủ tịch nước

PGS.TS Nguyễn Thị Hồi (ĐH Luật Hà Nội) chỉ rõ, theo Hiến pháp hiện hành, Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước mà không phải là thành viên của Chính phủ nên quyền lực trong lĩnh vực hành pháp còn mờ nhạt. Dự thảo nên chỉnh sửa theo hướng Chủ tịch nước phải thực sự là trung tâm của quyền lực nhà nước.

“Người này là linh hồn, là trung tâm quyết sách của Chính phủ, có quyền lựa chọn nhân sự và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Chính phủ” - bà Hồi nói và cho rằng “người này ở nước ta nên là Chủ tịch nước”.

PGS Hồi đề nghị chức danh Chủ tịch nước do cử tri trực tiếp bầu ra, sẽ có thực quyền và có thể kiểm soát các nhánh quyền lực khác.

Ngoài ra, sửa đổi quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước theo hướng có quyền “đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”; đồng thời, bổ sung thêm một quy định là “Chủ tịch nước lãnh đạo, định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ”.

Quy định phương thức lãnh đạo của Đảng

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Điều 4 có vị trí rất đặc biệt.

Theo GS Thuyết, nếu giữ nguyên quy định như trong Dự thảo thì Hiến pháp cần phải quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay.

“Quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước đều được quy định rất cụ thể, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy một cách quá sơ sài. Những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy nhà nước... cần được quy định trong Hiến pháp” - GS Thuyết nói. Có như vậy mới hạn chế tính hình thức quyền lực.

“Cần quy định trong Hiến pháp để đảm bảo các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” - GS Thuyết kiến nghị.

Nguyên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho rằng, cần phải làm rõ trong Hiến pháp về trách nhiệm của Đảng với nhân dân, làm rõ Đảng lãnh đạo thế nào, không chỉ trong Hiến pháp mà trong cả hệ thống pháp luật đều phải có quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG