Sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng

Sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng
TP - Hàng nghìn héc-ta lúa đang úa vàng chết rủ trên vùng ven biển ĐBSCL đã dội thêm hơi nóng vào “Hội thảo khoa học Hợp tác vì nước” do Bộ TN&MT tổ chức ở Cần Thơ chiều 20/3, hàng trăm nhà khoa học và lãnh đạo nhiều bộ ngành, các tỉnh tham dự.

> Nước lã pha hương liệu thành giải khát tự nhiên
> Xe bồn cứu… nước

Tác động “kép”

GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Tài nguyên Nước và Môi trường Đông Á, cho biết, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2010 chỉ còn 3.850 m3/người năm.

Con số này đã đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng từ 4.000 m3/người/năm trở xuống (ngưỡng do Hội Tài nguyên Nước Quốc tế quy định).

PGS.TS Bùi Công Quang ở Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, các lưu vực sông ở Đông Nam bộ đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước thường xuyên và cục bộ.

 Hợp tác sẽ thành công khi thực lòng cân bằng lợi ích. 

Trên hầu hết lưu vực sông Đông Nam bộ, hơn 75% nước mùa khô bị khai thác. Còn lưu vực sông Mã, tỷ lệ khai thác nước lên đến 80%. Cả nước đã có 16 lưu vực sông được xếp vào loại “căng thẳng trung bình”, những lưu vực “căng thẳng mức độ cao” là sông Mã, sông Hương, sông Đồng Nai.

Tình hình thiếu nước căng thẳng còn do sự phân bố không đều giữa các vùng và theo mùa. Nước ở ĐBSCL (nơi có sông Mê Công) chiếm 61% lượng nước cả nước nhưng PGS.TS Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu của Trường ĐH Cần Thơ cho biết, tài nguyên nước “đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng”.

Theo ông Tuấn, do phát triển kinh tế quá nhanh nhưng thiếu kiểm soát nên nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh là tác động của việc đắp đập trên thượng nguồn (nơi cung cấp 80% lượng nước cho ĐBSCL) khiến lượng nước về ít và bất thường, cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho tình hình thiếu nước ngọt thêm nghiêm trọng và kéo dài. Ông Tuấn gọi đó là tình trạng thiếu nước do tác động kép, từ bên trong và bên ngoài.

Cân bằng lợi ích

Ông Trịnh Văn Đại ở Sở TN&MT TP Hải Phòng cho biết, Viện Thái Bình Dương ở Mỹ thống kê được trên thế giới từ xưa đến nay đã xảy ra 225 cuộc chiến tranh, xung đột liên quan đến tài nguyên nước.

Trong đó, chỉ từ năm 2000 đến nay chiếm 30,7% số cuộc xung đột và xung đột ở châu Á đứng thứ hai thế giới, sau vùng Trung Đông. Ngoài xung đột vì lý do sinh sống, sản xuất đã có lý do chính trị và khủng bố.

Lý do chính trị như năm 2009, Triều Tiên xả đột ngột 40 triệu m3 nước ở một con đập, gây trận lụt khủng khiếp làm chết nhiều người ở Hàn Quốc.

Con sông Mê Công chảy qua 6 quốc gia mà lưu vực là nơi sinh sống của hơn 60 triệu người đang là “điểm nóng” về an ninh nguồn nước và xã hội.

TS Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cho biết các quốc gia chung dòng sông này đã có lịch sử hợp tác lâu dài, ít nhất từ năm 1957 với Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS Tứ, nhiều nước đã và đang xây đập lớn chắn ngang sông trên thượng nguồn lại gây nên căng thẳng, và chính phủ các quốc gia cần tìm ra “lời giải xác đáng nhất”.

Ông Nguyễn Văn Sử, GĐ Sở TN&MT Cần Thơ cho rằng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, quản lý sử dụng nước theo quy hoạch, khai thác tài nguyên nước “thông minh hơn nữa”.

Ông Trần Minh Phương ở Cục Quản lý Tài nguyên nước của Bộ TN&MT lại đề cập đến vai trò cộng đồng và cả cá nhân trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Đó là những nhóm cộng đồng tự quản hệ thống nước ngọt ở các xã miền núi, hoặc đoạn sông tự quản ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. GS.TS Ngô Đình Tuấn kết luận rằng, hợp tác vì nước sẽ mang lại lợi ích chung to lớn nhưng là “một việc không đơn giản”.

Lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2010 chỉ còn 3.850 m3/người/năm. Con số này đã đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG