Cần trưng cầu dân ý khi sửa đổi Hiến pháp lần sau

Cần trưng cầu dân ý khi sửa đổi Hiến pháp lần sau
TP - Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp tại cuộc giao lưu trực tuyến chủ đề: “Huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng Hiến pháp” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 26/3.

Trước nhiều ý kiến gửi về cho rằng, Hiến pháp cần quy định rõ các vấn đề mà Quốc hội phải đưa ra trưng cầu ý dân, hai đại diện đến từ Bộ Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm rõ nội dung này.

 Ông Liên thông tin thêm, Luật Trưng cầu dân ý không giao cho Chính phủ xây dựng mà giao cho Hội Luật gia Việt Nam. 

PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, việc trưng cầu dân ý là vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp. Tất cả các bản Hiến pháp của chúng ta từ trước đến nay đều quy định về quyền trưng cầu dân ý.

Chỉ có vấn đề kỹ thuật thể hiện dưới dạng này dạng khác, thể hiện ở câu chữ. “Điều cần bàn là những vấn đề nào là vấn đề trọng đại cần trưng cầu dân ý”.

Theo ông Thông, trong điều kiện hiện nay, có nhất thiết đưa các quy định cụ thể của việc trưng cầu dân ý vào Hiến pháp hay không thì phải tiếp tục nghiên cứu.

Đây là đỏi hỏi chính đáng của người dân nhưng Quốc hội đang trong quá trình xây dựng Luật Trưng cầu dân ý, do đó nên đợi thực tiễn sau khi áp dụng luật này để xem xét. Những lần sửa đổi Hiến pháp sau có thể bổ sung.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, lần sửa đổi Hiến pháp này ông đồng tình lấy ý kiến nhân dân trong 3 tháng tập trung và tiếp tục cho đến tháng 9. Nhưng tới đây, khi sửa đổi Hiến pháp lần sau, nhất thiết phải trưng cầu ý dân.

Theo thứ trưởng Liên, Hiến pháp là đạo luật gốc, có sức sống lâu dài. Lịch sử cho thấy, Hiến pháp 10 năm, 20 năm mới sửa đổi. Trong khi trưng cầu dân ý là vấn đề dân chủ, thiết thực và vô cùng quan trọng hiện nay.

Một bản Hiến pháp dù được xây dựng bằng cách nào thì cũng đều là bản Hiến pháp của nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân; thông qua bản Hiến pháp để nhân dân xây dựng bộ máy và trao quyền lực cho các cơ quan nhà nước.

Ông Liên thông tin thêm, Luật Trưng cầu dân ý không giao cho Chính phủ xây dựng mà giao cho Hội Luật gia Việt Nam. Hội này đã rất công phu khi xây dựng, nhưng do cơ sở hiến định chưa có, dẫn đến sự lúng túng nhất định. Vì vậy, chưa thể trình Quốc hội xem xét, thông qua. Nếu quy định trong Hiến pháp rõ về vấn đề này thì sẽ xây dựng Luật trưng cầu dân ý tốt hơn.

Công khai mọi ý kiến

Trước những thắc mắc của người dân về việc làm thế nào để biết ý kiến xác đáng của mình đã được Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu, ông Thông cho biết, Ban Biên tập áp dụng phương pháp hệ thống từng nhóm vấn đề, nhóm ý kiến.

Những ý kiến nào đồng ý hoàn toàn với Dự thảo sẽ gộp thành một nhóm; những ý kiến nào đồng ý một phần, có sự điều chỉnh, sửa đổi sẽ thành một nhóm, kể cả câu chữ, cách thể hiện; những ý kiến nào bổ sung mới và những ý kiến nào đề nghị không đưa vào Hiến pháp sẽ được tập hợp lại.

Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp sẽ tập hợp tối đa thành bốn nhóm như vậy và đối với từng nhóm vấn đề đó, sẽ nghiên cứu để tiếp thu những đề xuất, ý kiến phù hợp với tính chất, đặc điểm chế độ, Nhà nước, nền kinh tế nước ta; tạo điều kiện cho khả năng phát triển của đất nước ta một cách bền vững trong những năm tiếp theo.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Ngày 26/3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, đến giữa tháng 3/2013, Hội nhận được hơn 400 ý kiến trực tiếp góp ý vào các chương, điều, khoản cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Về Điều 26, liên quan nội dung quyền công dân tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin... có ý kiến cho rằng, cần bổ sung vào điều này “quyền được tiếp cận thông tin”.

Ngoài ra, cũng nên quy định công dân không được lạm dụng các quyền này làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang cho rằng, quyền được thông tin ngày càng trở thành yêu cầu khẩn thiết với trào lưu đòi hỏi sự minh bạch trong mọi việc cai trị và quản lý, bảo đảm dân chủ xã hội ở tất cả mọi nước giàu cũng như nghèo. Quan chức trong bộ máy công quyền và lãnh đạo các tổ chức kinh tế, sự nghiệp... có trách nhiệm minh bạch thông tin, không được phép từ chối cung cấp thông tin cho báo chí khi được yêu cầu. Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".