Cần hơn 10 tỷ USD và 300 năm để dọn sạch bom, mìn

Cần hơn 10 tỷ USD và 300 năm để dọn sạch bom, mìn
TPO - Để làm sạch hết bom mìn hậu chiến tranh, Việt Nam cần hơn 10 tỷ USD và khoảng thời gian 300 năm.
Kiểm tra các vùng đất khả nghi có bom mìn bằng các thiết bị tìm kiếm chuyên dụng. Ảnh: Trần Lam
Kiểm tra các vùng đất khả nghi có bom mìn bằng các thiết bị tìm kiếm chuyên dụng. Ảnh: Trần Lam.

Ngày 2/4, trước Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4), Ban chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504) cho biết, để làm sạch hết bom mìn, Việt Nam cần hơn 10 tỷ USD và khoảng thời gian 300 năm.

20% diện tích bị ô nhiễm

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo kết quả điều tra sơ bộ, diện tích đất bị ô nhiễm do bom mìn là 66.000 km2, chiếm hơn 20% diện tích cả nước (chưa kể vùng biển) và có khoảng 600 ngàn tấn bom mìn còn sót lại, đang nằm sâu trong lòng đất. Bắt đầu từ năm 2010, Chính phủ cấp kinh phí để thực hiện dự án điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2013. Tuy nhiên, ngày từ năm 1975, đã tổ chức rà phá bom mìn (RPBM) với quy mô lớn để đưa dân về quê hương sinh sống. Trong đó, chủ yếu RPBM ở độ sâu 0,3m.

Ông Nguyễn Trọng Cảnh, Thư ký Văn phòng thường trực Chương trình 504 cho biết, từ năm 2000 đến 2008, trung bình mỗi năm, RPBM được khoảng 20.000 ha/năm và từ năm 2009 trở đi đạt hơn 20.000 ha/năm. Hiện, ô nhiễm bom mìn đang gây tổn thất nặng nề về tính mạng, tài sản, đời sống nhân dân và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội.

Cũng theo ông Cảnh, tính đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom mìn trên cả nước được rà phá. “Theo đánh giá của các chuyên gia, để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần khoản kinh phí trên 10 tỷ USD và với tốc độ rà phá hiện nay, phải mất khoảng 300 nữa Việt Nam mới hết bom mìn chưa nổ” - ông Cảnh nói.

Ông Nguyễn Tiến Phong, đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế cũng như chính phủ một số nước đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bom mìn.

Tuy nhiên, để có được hơn 10 tỷ USD, Việt Nam cần tiếp tục vận động để các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước có thêm nhiều khoản hỗ trợ hơn nữa. “Riêng Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, cũng đã dành cho Việt Nam 5 triệu USD để giáo dục nhận thức bom mìn cho trẻ em ở lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng tại 6 tỉnh từ Nghệ An vào Đà Nẵng” - ông Phong nói.

Các chiến sỹ công binh không ngại hiểm nguy để rà phá bom mìn. Ảnh: Trần Lam
Các chiến sỹ công binh không ngại hiểm nguy để rà phá bom mìn. Ảnh: Trần Lam.

Hàng trăm nghìn người chết, bị thương

Ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chỉ tính từ 1975 đến 2005, có hàng trăm nghìn người đã chết và bị thương vì bom mìn. Trước tình hình hiện nay, theo ông Lĩnh, nếu không kêu gọi, không làm khẩn trương, việc khắc phục hậu quả bom mìn sẽ còn kéo dài chứ không dừng lại ở khoảng thời gian 300 năm.

 Riêng giai đoạn 1975-2000, ở Việt Nam đã có 43.135 người tử vong và 62.163 người khác bị thương tật do bom mìn, vật nổ. Nhưng tôi biết, nếu cộng cả giai đoạn từ năm 2000 đến nay, con số còn lớn hơn nhiều 

Ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

“Chỉ tính riêng giai đoạn 1975-2000, ở Việt Nam đã có 43.135 người tử vong và 62.163 người khác bị thương tật do bom mìn, vật nổ. Nhưng tôi biết, nếu cộng cả giai đoạn từ năm 2000 đến nay, con số còn lớn hơn nhiều” - ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, thực tế cho thấy, nạn nhân chính của bom mìn trong thời gian gần đây chủ yếu là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Đặc biệt, lực lượng công binh và các tổ chức trực tiếp tham gia RPBM đã chịu nhiều mất mát, hy sinh.

“Nhiều đồng chí đã hy sinh, để lại nỗi đau lớn cho thân nhân, gia đình. Dù biết hiểm nguy, đối mặt với cái chết, nhưng anh em vẫn đang ngày đêm RPBM , đem lại cuộc sống bình yên cho người dân” - ông Lĩnh nói.

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết, vấn đề bom mìn đã trở thành vấn đề quốc tế. Để khắc phục hậu quả bom mìn, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp các ngành, nhất là đẩy mạnh khâu tuyên truyền hơn nữa.

Theo ông Nguyên, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân trong nước, Việt Nam đang rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ và tài trợ của cộng đồng quốc tế.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để phòng tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ, nhất là đối với trẻ em, các bậc cha mẹ, giáo viên, lãnh đạo địa phương cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa.

“Với bom mìn, không được cưa, đục, tháo gỡ hoặc đốt cháy bom mìn, vật nổ, vật có hình thù lạ để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm như thời gian vừa qua” - ông An nói.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình 504, trong giai đoạn từ 2013-2020, sẽ tập trung xây dựng dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn hoà nhập cộng đồng. Theo đó, nạn nhân bom mình sẽ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và nhiều hỗ trợ khác.

Theo Viết
MỚI - NÓNG