Rước rác độc về làng

Rước rác độc về làng
TP - Một nhà máy chế biến rác thải rắn mỗi ngày nung đốt hơn chục tấn vỏ lốp phế thải lại được đầu tư ngay giữa khu dân cư, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đời sống hàng trăm hộ dân và các trường học tại xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc (TT-Huế).

> Bỏ phí dây chuyền hàng triệu USD vì thiếu rác
> Nguy hại tái sử dụng thùng phuy chứa hóa chất

Ông Trần Thanh Minh, trú cạnh khu tái chế nhiên liệu dầu FO-R từ săm lốp cao su phế thải Lộc Hòa (thôn 10, xã Lộc Hòa), cho biết, kể từ khi nhà máy vận hành giữa khu dân cư hơn nửa năm nay, đời sống bà con khắp thôn xáo trộn, bất an. “Nhà máy vận hành suốt 24 giờ mỗi ca máy.

Mỗi lần như thế, khói đen, muội than cao su phủ khắp xóm làng. Có khi đang ăn trưa, khói muội từ nhà máy rơi vào cả mâm cơm. Nhiều đêm, bà con sơ tán ra bìa làng hoặc vô rừng để tránh khói thải. Nằm ngủ phải đeo cả khẩu trang chống khói.

Mùa mưa, nước thải đen ngòm từ nhà máy tràn cả ra ngoài”, ông Minh bức xúc. Chỉ tay sang ngôi nhà hàng xóm, ông Minh cho biết, đó là nơi ở của gia đình anh Thế, nhà cửa đóng chặt suốt ngày, cả gia đình đã dời đi nơi khác làm ăn.

Bà Phan Thị Minh Nhượng (thôn 10, Lộc Hòa), thắc mắc: “Cả xã, cả huyện Phú Lộc ni thiếu chi đất, khu công nghiệp còn bỏ trống. Chả hiểu sao, một nhà máy đầy khói bụi lại nhét về giữa làng làm khổ dân”.

Theo bà Nhượng, mấy tháng trước, do bức xúc, dân trong vùng mang gậy gộc kéo đến “hỏi tội” chủ cơ sở sản xuất. May mà xã và bà con trong thôn can thiệp kịp thời, nên không xảy ra hậu quả. Dân cũng gửi đơn lên xã đề nghị xử lý ô nhiễm và di dời nhà máy, nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Tại nhiều địa bàn dân cư khác ở xã Lộc Hòa, người dân cũng phản đối nhà máy, yêu cầu sớm di dời cơ sở gây ô nhiễm này ra khỏi địa bàn dân cư. Ông Nguyễn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, thanh minh: Nhà máy do DNTN Hữu Quan (TP Huế) đầu tư.

Chính quyền xã chỉ cho thuê đất, còn thẩm quyền phê duyệt vị trí xây dựng, đánh giá tác động môi trường, cấp phép đầu tư… thuộc về huyện và tỉnh.

“Chủ doanh nghiệp hứa di dời nhà máy trong quý I này, nếu họ không chấp hành, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng đóng cửa vĩnh viễn”, ông Hiểu cho biết.

Trái với khẳng định của ông Chủ tịch xã, đến đầu tháng 4, Nhà máy sản xuất nhiên liệu từ cao su phế thải Lộc Hòa, với công suất nung đốt 16 tấn lốp cao su phế thải mỗi ca máy (mỗi năm tái chế 2.000 tấn dầu FO-R), vẫn tiếp tục tồn tại vận hành.

“Trường tôi có gần 500 học sinh, chưa kể giáo viên. Mặc dù nằm rất xa nhà máy, có rừng cây bao quanh dày đặc, nhưng hễ trời nổi gió, cả trường lại hứng khói thải ngột ngạt từ lốp cao su nung chảy”, một giáo viên trường Tiểu học & THCS xã Lộc Hòa, phản ánh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG