Ngôi làng có tín ngưỡng là di sản nhân loại

Ngôi làng có tín ngưỡng là di sản nhân loại
TP - Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống lâu đời của người Việt, vừa mang ý nghĩa văn hóa sâu xa, tri ân tổ tiên, vừa là nhu cầu tình cảm đoàn kết dân tộc cùng vượt qua thử thách trong suốt chiều dài lịch sử. Chính điều đó đã làm nên một di sản độc đáo của nhân loại, được UNESCO công nhận.

> Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương
> Phú Thọ tổ chức Quốc giỗ Hùng Vương 2013

Lễ rước kiệu của người dân nơi đây. Ảnh: Tùng Duy
Lễ rước kiệu của người dân nơi đây. Ảnh: Tùng Duy.

Ngôi đình Hùng Lô nằm gần dòng Lô là một trong những ngôi đình đẹp và cổ nhất Bắc Bộ, đây cũng là một trong hơn 1.400 điểm di tích trên toàn thế giới có tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng.

Mùa này, vào chính hội Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch), nhiều người làng ra đình làm lễ hơn, cầu các Vua Hùng phù hộ con cháu, công việc làm ăn, sức khỏe, may mắn ở ngôi đình “Tối Linh Từ”.

Truyền thuyết kể rằng, Vua Hùng một ngày cùng công chúa ngang qua Hùng Lô (xưa gọi vùng kẻ Xốm) thấy khí thiêng phát lên từ một huyệt giáp canh (ngôi mộ cổ) nhìn về phía núi Nghĩa Lĩnh, cho rằng vùng đất phát lành may mắn, đã đặt lư hương lên mộ. Sau dân làng dựng miếu thờ.

Miếu cổ còn đến tận bây giờ. Hằng năm, đến tháng 6,7,8 nước dưới huyệt thấm lên ướt cả nền gạch. Năm 1197 đời Lý, đình được dựng lên khang trang, đến năm 1697 thì được tu bổ hoàn chỉnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự lễ Vinh danh đón nhận bằng di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương diễn ra hôm nay (13/4) tại Phú Thọ.

Cụ từ Nguyễn Văn Tòng cho biết, cứ ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng, người dân quanh vùng đến lễ đình rất đông. Ngày 12/9 (âm lịch) đình tổ chức tế lễ là ngày các Vua Hùng hóa thánh.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương thì còn tổ chức đi bộ rước kiệu lên tận Đền Hùng cách đó gần 9km, dân làng nô nức tham gia, con cháu đi công tác xa cũng nhớ về quê dịp này dự hội rước. Đêm giao thừa Tết Nguyên đán thì dân làng tụ hội ở đình cả đêm dâng hương, cúng lễ, ai cũng cầu Vua Hùng ban phước, cầu tài, may mắn.

Trong đình có nhiều hoành phi, như Báo Bản Phản Thủy (nhắc con cháu nhớ cội nguồn), Kính Tôn Ái Thân (nhắc mọi người biết tôn kính thân ái), Tế Tất Trai Như (nhắc con cháu phải sống trong sạch, vào cửa đình phải tươm tất, thành kính)... Bên phải và trái của gian chính đình thờ có thờ vũ khí gươm đao tựa ý như linh vật mà Vua Hùng trao lại để người dân có ý thức giữ nước chống xâm lăng từ thời dựng nước.

Làng Hùng Lô ngày nay giầu có, khang trang với nhiều nhà hai tầng và cả biệt thự đẹp. Vẫn là vùng trồng lúa, làm mỳ sợi truyền thống, không ồn ào mà phát triển.

Đêm vinh danh di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức tối nay tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, có màn múa hát Trường ca công đức các Vua Hùng với chủ đề “Hương trầm tỏa ngát từ núi thiêng Nghĩa Lĩnh”, chương trình đón nhận bằng công nhận từ UNESCO với những nghi thức trang nghiêm, và chương trình nghệ thuật đặc sắc “Linh thiêng nguồn cội – Đất Tổ Hùng Vương”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.