Qua mùa hạn mới được giải quyết

Qua mùa hạn mới được giải quyết
TP - Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, đến cuối năm 2013, Bộ sẽ trình Chính Phủ quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn ở lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, trong đó sẽ quy định rõ mức độ duy trì dòng chảy tối thiểu để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vùng hạ lưu.

> Quản lý nguồn nước yếu kém
> Chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước

Đảm bảo tối đa nước sinh hoạt

Thời gian qua việc thủy điện Đăk Mi 4 bị chính quyền TP Đà Nẵng kiến nghị tạm dừng hoạt động để trả lại nước do không thực hiện việc xả nước về sông Vu Gia.

Theo ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có công văn về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát báo cáo Thủ trướng Chính phủ các giải pháp xả nước.

Trong đó, Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 xả về hạ lưu với lưu lượng lớn nhất là 25m3/s. Trong trường hợp hạn hán nghiêm trọng thì lãnh đạo Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 phải phối hợp với các công trình khác và các địa phương đảm bảo tối đa cho nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân và cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Thuần, thời gian vừa qua, việc hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn gồm TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) bị nhiễm mặn và dân thiếu nước sinh hoạt không chỉ liên quan đến việc xả nước của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 mà còn bởi các công trình khác trong lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn.

Vì thế, để đảm bảo khai thác, sử dụng nước một cách hài hòa, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn.

Quyết xây đập lớn chặn dòng Quảng Huế

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chống hạn hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn” hôm qua, 14/4 ở Đà Nẵng.

Ông Đặng Duy Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thuỷ lợi, Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Bộ đã giao cho tỉnh Quảng Nam chặn dòng Quảng Huế bằng bao tải cát và sẽ làm trong tháng 4, tạm thời điều tiết nước từ Thu Bồn về dòng Ái Nghĩa để đổ vào Đà Nẵng.

Về lâu dài, Bộ đang nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng đập trữ nước trên sông Quảng Huế, có thể khởi công trong quý 3 năm nay.

Như vậy, sau khi đập thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng Vu Gia, tốn tiền tỷ làm cống dưới thân đập, nay ngân sách tiếp tục tốn 1 tỷ đồng làm đập tạm và hàng chục tỷ làm đập kiên cố ở dòng Quảng Huế.

Nhiều chuyên gia thủy lợi cho rằng, chính quyền đã thực sự “bó tay” với thủy điện Đăk Mi 4 và việc xây đập kiên cố nhằm điều tiết nước ở Quảng Huế sẽ tác động rất tiêu cực đến hạ du sau này.

Theo ông Hiển, Bộ đã quyết định báo cáo Thủ tướng và thông báo đến UBND các tỉnh, thành về lịch điều tiết các hồ thủy điện trên các khu vực sông.

Cụ thể lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, từ ngày 15 đến 30/5 tập trung xả nước liên tục 15 ngày của hồ A Vương 39 m3/s và Đắk Mi 4 là 50 m3/s. Với lưu lượng xả này, trước hết là đáp ứng nước sinh hoạt của thành phố nhưng đồng thời cũng đảm bảo lịch thời vụ sản xuất của 2 địa phương và dành quỹ nước cho vụ hè thu.

Được biết, Quảng Nam hiện thiếu tới 153 triệu khối nước tưới tiêu, còn Đà Nẵng gần 2.500 ha lúa hạn nặng, nguy cơ mất trắng, gần 1 triệu dân đối diện thiếu nước sinh hoạt do hệ thống sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, xu thế thời tiết thủy văn năm nay cho thấy ở khu vực Trung bộ, đặc biệt là ở Trung và Nam Trung bộ, tình trạng khô hạn tại khu vực này đến khoảng cuối tháng 8/2013 mới dần được cải thiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG