Nguy cơ bùng dịch cúm A/H7N9 từ gia cầm lậu

Nguy cơ bùng dịch cúm A/H7N9 từ gia cầm lậu
TP - Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, tình trạng buôn bán trái phép gia cầm nhập lậu tại tỉnh Bắc Giang vô cùng phức tạp, khiến nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H5N1 và A/H7N9 từ gia cầm sang người rất dễ xảy ra.

> Dịch cúm H7N9 lan rộng
> Lập đội đặc nhiệm chống cúm A/H7N9

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (áo trắng, đứng giữa) kiểm tra phòng dịch cúm gia cầm tại Yên Thế (Bắc Giang)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (áo trắng, đứng giữa) kiểm tra phòng dịch cúm gia cầm tại Yên Thế (Bắc Giang).

Bảo vệ gà Yên Thế

Hôm qua, trong buổi kiểm tra phòng chống bệnh cúm A/H7N9 ở huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, cho biết phong trào chăn nuôi gà đồi đã được phát triển từ lâu với sản lượng xuất bán mỗi năm lên tới 13 triệu con, giá trị chăn nuôi đạt 1.500 tỷ đồng và hiện trên địa bàn đang có khoảng 4,5 triệu con.

Huyện đã quan tâm xây dựng thương hiệu bảo hộ độc quyền, gắn tem nhãn trên sản phẩm, kẹp chì trên lồng gà và phương tiện, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, kiện toàn hệ thống thú y đến tận các thôn làng, tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm, đặc biệt là trước nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập vào VN.

Anh Trần Xuân Thao, chủ trang trại gà cho biết, đàn gà hơn 1.000 con thả đồi cũng được tiêm phòng vaccine cúm và các bệnh thông thường khác trên gia cầm. Mỗi khi dịch cúm gia cầm ngấp nghé, tuần hai lần, anh Thao lại phun thuốc khử trùng toàn bộ trang trại.

 Việc một số hộ chăn nuôi không muốn tái đàn vì giá gà bán ra thấp có thể dẫn đến việc buôn lậu gia cầm sẽ gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết từ cuối năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 14 vụ vận chuyển kinh doanh gia cầm nhập lậu, tịch thu và tiêu hủy 1.910kg gà mái thải loại Trung Quốc, 23.600 con gà giống nhập lậu, 273kg chim bồ câu đã sơ chế và 900 con chim bồ câu Trung Quốc.

Bắc Giang có nhiều tuyến đường giao thông tiếp nối các tỉnh giáp biên giới cửa khẩu Trung Quốc, là địa bàn trung chuyển với các tỉnh nội địa vì thế việc kinh doanh gia cầm nhập lậu ở Bắc Giang vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Về công tác giám sát chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, hiện các mẫu giám sát ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội), chợ Thương và chợ Ngô Quyền (Bắc Giang) vẫn chưa phát hiện có cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9.

Ông Ong Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, cho biết cơ số thuốc Tamiflu phục vụ công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Giang đã hết, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân và phòng xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở tuyến huyện.

Lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, máy thở phương tiện phòng hộ vật tư hóa chất đặc biệt là thuốc Tamiflu cho tỉnh Bắc Giang để phòng chống dịch; xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thông qua các dự án trong nước và quốc tế để triển khai các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.

Cửa khẩu: Máy kém, cán bộ thiếu

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một số con đường tại đường biên chuyên vận chuyển gà lậu giờ vắng bóng xe gà. Ngay cả chợ 4 của TP Móng Cái nơi bày bán nhiều gia cầm Trung Quốc cũng không còn một con nào vì cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm soát các chợ. Những lồng gà trọc đầu đã được giấu kín chờ bão tan…

Tuy nhiên, một tiểu thương khẳng định, nếu cần nhiều vẫn có gà Trung Quốc mổ sẵn giao tận nơi.

Theo ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, thành phố đã hai lần tổ chức họp với các hộ kinh doanh tại 3 xã trọng điểm là Hải Tiến, Hải Hòa, Hải Sơn và yêu cầu các hộ này ký cam kết không buôn bán, nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc… Thành phố đã yêu cầu lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý Thị trường tăng cường chống thẩm lậu gà sang biên giới.

Mỗi lần xe đỗ tại cửa khẩu Tân Thanh, máy đo thân nhiệt lại trục trặc. Ảnh: Duy Chiến
Mỗi lần xe đỗ tại cửa khẩu Tân Thanh, máy đo thân nhiệt lại trục trặc. Ảnh: Duy Chiến.

Ngày 15/4, Chi cục Thú y Lạng Sơn tiêu hủy trên 300 kg vịt do Trạm Biên phòng Cốc Nam (huyện Văn Lãng) bàn giao. Trước đó, khi tuần tra kiểm soát tại khu vực Hang Dơi (xã Tân Mỹ, Văn Lãng), tổ công tác Biên phòng phát hiện một nhóm người vận chuyển gia cầm nhập lậu. Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ hàng, chạy sang bên kia biên giới. Trong 5 bao tải dứa, có chứa số vịt trên, đã làm lông.

Chiều 15/4, tại khu vực làm việc của Tổ Kiểm dịch Y tế quốc tế (KDYT) cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), xe cộ đi lại lộn xộn, không có con đường riêng, nên công tác kiểm tra, kiểm soát người rất khó khăn. Đã vậy, nơi làm việc nhỏ hẹp của đơn vị lại nằm sát biên giới, đúng ở vị trí xe ô tô nhập cảnh từ Trung Quốc đỗ dừng để lực lượng Biên phòng kiểm tra, nên tiếng ồn, khói bụi làm nhiễu sóng thiết bị gây trục trặc cho máy kiểm dịch.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), trang thiết bị cũng chẳng khá hơn. Đơn vị không có phương tiện chuyên dụng để di chuyển bệnh nhân về phòng khám đa khoa khu vực.

Theo ông Lý Văn Soi, giám đốc Trung tâm KDYT tỉnh, cán bộ đang trực tiếp làm việc tại các cửa khẩu còn thiếu; kinh nghiệm chống dịch H7N9 có phần hạn chế.

Khu cách ly của Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) như một phòng trọ, chỉ có mấy chiếc gường mốc meo, bẩn, xập xệ. Theo báo cáo của lãnh đạo đơn vị, cơ sở vật chất thiếu nhiều; bệnh viện còn 50 viên thuốc Tamiflu, nhưng đã hết hạn sử dụng.

Kết luận buổi kiểm tra nhanh, giám đốc sở Y tế Lạng Sơn Hoàng Đình Hoàn cho rằng, cần bổ sung kinh phí để mua sắm trang thiết bị cho phòng khám đa khoa khu vực và các tổ KDYT ở cửa khẩu. Trước mắt, các đơn vị chức năng cần nghiên cứu, trang bị “Phòng cách ly dã chiến”; có kế hoạch tập huấn về công tác phòng chống H7N9 cho các cán bộ, nhân viên y tế.

Nỗi lo chim yến phát tán H5N1

Một tuần trở lại đây, các cơ sở kinh doanh tổ yến ở TPHCM bắt đầu ngấm tác động tiêu cực từ thông tin gần 5.000 con chim yến ở Phan Rang, Ninh Thuận nhiễm cúm A/H5N1. Các hộ nuôi yến lo lắng, trong khi các cơ sở kinh doanh yến thành phẩm thì ế ẩm.

Nhà yến trong khu dân cư ở các phường Bửu Long
Nhà yến trong khu dân cư ở các phường Bửu Long .

Theo ông Huỳnh Tấn Phát - Chi Cục phó Chi cục Thú y TPHCM, hiện TPHCM có trên 300 nhà yến tập trung ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh và các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức…Tuy nhiên đến nay chỉ có 10 nhà nuôi yến được cấp phép theo đề án thí điểm nuôi chim yến tại huyện Cần Giờ. Các nhà nuôi yến còn lại đều xây dựng tự phát.

Cũng theo ông Phát, từ năm 2011 đến nay Chi cục Thú y TPHCM đã lấy 102 mẫu chim yến để kiểm tra giám sát dịch bệnh nhưng chưa phát hiện mẫu bệnh phẩm nào dương tính với vi rút cúm gia cầm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG