Chữa bệnh trái tuyến: Bệnh nhân tự trả

Chữa bệnh trái tuyến: Bệnh nhân tự trả
TP - Tại phiên giải trình về vấn đề khám chữa bệnh và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu quan điểm sẽ không chi trả hoặc buộc đồng chi trả BHYT mức cao đối với bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) vượt tuyến.

> Mua thẻ để… vượt tuyến
> 140 tỷ đồng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Theo báo cáo của ngành y tế, tình trạng KCB trái tuyến gia tăng với tốc độ khủng khiếp trong 3 năm gần đây, có năm tăng tới 300%. Cụ thể, năm 2010 chỉ có 3 triệu bệnh nhân vượt tuyến, tới năm 2011 tăng lên 9,5 triệu người, năm 2012 lên tới hơn 11 triệu người!

Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đằng sau hiện tượng này là nhiều câu chuyện cần lý giải. Theo bà Mai, KCB trái tuyến thực tế thể hiện nhu cầu chính đáng của người dân được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời phản ánh việc người dân có ít niềm tin với y tế tuyến dưới và cả áp lực doanh thu của các bệnh viện tuyến trên.

Bộ trưởng Y tế đưa ra một số giải pháp như xây dựng bệnh viện vệ tinh, tập huấn tăng cường năng lực và thái độ y đức cho cán bộ y tế huyện xã, luân chuyển bác sỹ tuyến trên tới các bệnh viện vùng sâu vùng xa trong 6 - 12 tháng.

Bà Tiến cũng nhấn mạnh quan điểm cần xem xét lại việc chi trả BHYT cho người KCB trái tuyến hiện nay. “Chúng tôi vừa đi thực tế ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại các nước này, đồng chi trả vượt tuyến rất đắt, càng tuyến cao càng đắt. Trong khi ở ta, gói dịch vụ được thụ hưởng lẽ ra phải đóng cỡ 120 USD như các nước xung quanh thì hiện mới có trên 30 USD... Nhiều người có điều kiện là đi thẳng lên tuyến trên nhưng vẫn chỉ đồng chi trả 30% để hưởng bác sỹ giỏi, máy móc tốt. Chả thế mà bệnh viện ung bướu TP HCM bây giờ còn hơn trại tị nạn!” - Bộ trưởng nêu ví dụ.

Khám bệnh theo BHYT còn nhiêu khê

Trong nỗ lực cải thiện chất lượng KCB, Bộ trưởng Y tế cũng cam kết sẽ có các quy định nhằm giúp bệnh nhân giảm tối đa thời gian chờ đợi. Theo bà Nguyễn Thị Phúc, đại biểu tỉnh Bình Thuận, nhiều người dân phàn nàn thời gian chờ đợi, thủ tục chuyển tuyến trong KCB còn phiền hà với vô số giấy tờ.

Bà Phúc liệt kê, giấy tờ đó gồm giấy chuyển viện (nếu chuyển viện), giấy xác minh đã đóng BHYT, chứng minh thư, BHYT... Tiếp đó, bệnh nhân lại phải photo bộ hồ sơ đó và nộp nhiều nơi. Lúc khám nộp 1 bộ, lấy thuốc nộp 1 bộ, làm xét nghiệm 1 bộ... Với bệnh nhân phải khám điều trị dài ngày hoặc tái khám, thủ tục còn nhiêu khê hơn.

Bộ trưởng Tiến cam kết trong tháng này sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy trình KCB.

Bà Tiến khẳng định, 60% bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết. Giải pháp của Bộ Y tế trong thời gian tới là thắt chặt quy trình KCB. Bệnh viện tuyến trung ương chỉ thực hiện những kỹ thuật tương đối cao. Quan điểm của Bộ Y tế là không chi trả cho người KCB trái tuyến hoặc phải đồng chi trả ở mức 60 – 70%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.