Diệt đàn yến nuôi, hãy cẩn trọng

Diệt đàn yến nuôi, hãy cẩn trọng
TP - Sau khi tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm gia cầm H5N1 ở đàn chim yến nuôi ngày 19/4/2013, dân cư lo lắng dịch bệnh có thể lây sang người, các cơ quan chức năng còn lúng túng, các nhà khoa học chưa hiến kế, còn các chủ nuôi yến đang trên bờ vực sạt nghiệp.

Một đặc điểm để phân biệt chim yến và các loài khác cùng họ với yến như én là chim yến không bao giờ đậu, chúng chỉ treo mình trên các vách đá dựng đứng hoặc những thanh làm tổ. Đã vào nhà ở và làm tổ, chim yến gần như ở lại suốt đời trừ khi ngôi nhà đó có những yếu tố làm chúng bất an như bị phá hoại. Do đó, càng lâu năm, đàn yến càng đông.

Chim yến mà chúng ta dụ được chủ yếu là các con chim non. Chim yến ăn những loài côn trùng nhỏ khi chúng đang bay. Do đó chim yến có tác dụng bảo vệ mùa màng cho nông dân.

Về tập quán, chim yến kiếm ăn xa nhà, xa tổ, đàn này không tiếp xúc với đàn kia, tối mới bay về, lượn vài vòng là vào tổ, rất ít phân chim và chỉ rải quanh nhà nuôi yến. Cho nên khả năng lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác và cho người là rất thấp.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết sau khi có thông tin dịch cúm H5N1 xuất hiện trên đàn chim yến nuôi tại tỉnh Ninh Thuận, Chi cục tổ chức lấy sáu mẫu máu trên đàn chim yến của hai hộ nuôi ở Khu phố 1 thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa để xét nghiệm. Kết quả cho thấy hầu hết các mẫu cho kết quả âm tính (không bị nhiễm cúm). Các tỉnh Quảng Nam và Kiên Giang cũng chưa phát hiện virus H5N1 ở đàn yến nuôi.

Phun hóa chất, lợi bất cập hại

Chim yến rất nhạy cảm với mùi lạ. Việc vệ sinh sát trùng nhà yến bằng hoá chất sẽ làm chim yến không bao giờ quay về tổ cũ. Việc nên làm là cần chủ động phòng dịch cho đàn gia cầm ở trong khu dân cư gần nhà nuôi yến.

Chúng ta đều biết virus là vi sinh vật ký sinh trên một số tế bào của vật chủ nhất định, chỉ sống và tồn tại lâu trong cơ thể động vật chủ, còn ngoài môi trường chúng tồn tại rất ngắn. Virus bền vững với thuốc, hoá chất hơn so với tia cực tím và nhiệt độ.

Cho đến nay, biện pháp diệt virus trong môi trường không khí, nước sinh hoạt và bề mặt an toàn nhất vẫn là biện pháp sử dụng đèn tia cực tím sóng ngắn. Trong công nghệ xử lý nước uống đóng chai, đường kính ống dẫn nước thuỷ tinh 1 cm thì chỉ cần sáu giây bị tia cực tím xuyên tới là virus đủ chết, hết khả năng gây bệnh.

Các phòng mổ cũng được trang bị đèn cực tím để tiệt khuẩn, kể cả virus trong không khí và các bề mặt mà tia cực tím chiếu tới, vừa tránh được hư hỏng nội thất. Phân chim bị phơi nắng cả ngày thì cũng hết nguy hiểm. Đối với người nuôi yến, việc tiệt khuẩn tổ yến để phòng dịch cũng nên theo cách này.

Về an toàn thực phẩm, tổ yến dùng vào mục đích thực phẩm đều phải qua khâu sơ chế, sấy khô và cũng không nên dùng nhiệt độ cao sẽ giảm chất lượng và thời hạn sử dụng của sản phẩm. Người tiêu dùng đã mua sản phẩm tổ yến thiên nhiên cũng có thể yên tâm vì nhiệt trên 60 độ C là virus đã bị diệt.

Về vệ sinh và dịch tễ học, người tiếp xúc chủ yếu với đàn yến bị bệnh là người nuôi, vì vậy chỉ cần giám sát dịch tễ người nuôi và vệ sinh phân chim xung quanh nhà nuôi là đủ.

Bác sỹ
Nguyễn Văn Dũng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG