Khai thác khoáng sản hiệu quả: Giao thông phải đi trước

Khai thác khoáng sản hiệu quả: Giao thông phải đi trước
TPO - Dự án khai thác bô xít tại Tân Rai và Nhân cơ đem lại cho chúng ta bài học về tầm quan trọng của giao thông trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

> Ngổn ngang tuyến đường vận chuyển bauxite
> Điều chỉnh lại quy hoạch bauxite

Khi giao thông, vận tải và bài toán vận chuyển được tính toán một cách căn cơ thì dự án sẽ được triển khai thuận lợi. Ngược lại, khi giao thông là trở ngại thì tính hiệu quả về kinh tế sẽ bị ảnh hướng rất nhiều.

Nhiều rủi ro, tốn kém khi vận chuyển bằng đường bộ

Vấn đề bô xít Tây Nguyên lại được nhắc đến khi cuối tuần qua diễn ra hội thảo đánh giá hiện trạng, đưa ra định hướng tiếp theo trong thời gian tới cho hai dự án khai thác bô xít tại nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đak Nông).

Sau 4 năm khởi công xây dựng nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, đến nay, nhà máy Tân Rai đã cho ra những sản lượng đầu tiên, còn nhà máy Nhân Cơ thì đang trong quá trình thi công.

Sản phẩm bô xít đầu tiên của nhà máy Tân Rai đã cho ra lò nhưng đang ở tình trạng tồn kho, do giá thành sản xuất cao hơn giá bán, trong khi nhà máy Nhân Cơ được dự báo sẽ lặp lại những kết quả đó, vì cùng quy trình vận hành, vận chuyển.

Trong số những nguyên nhân đưa đến kết quả không khả quan cho hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, bài toán vận chuyển bô xít từ hai nhà máy đến cảng biển là nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhắc đến.

Việc vận chuyển bằng đường bộ như hiện tại mang lại nhiều hệ lụy cho chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), độn chi phí và ảnh hướng rất nhiều đến chất lượng đường xá mà xe vận chuyển bô-xít đi qua. Với khoảng cách vận chuyển từ nhà máy sản xuất bô xít nhôm đến các cảng biển đều trên dưới 200 km sẽ gây ra rủi ro và chi phi sản xuất tăng cao.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban - nguyên trưởng ban Nhôm-Titan (TKV), nếu vận chuyển bằng đường bộ như hiện tại, mỗi năm dự án Tân Rai phải chi khoảng 24,6 triệu USD, Nhân Cơ khoảng 38 triệu USD cho quãng đường trên dưới 200 km. Đấy là chưa tính đến phí lưu kho, bốc dỡ và chi phí bao gói.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Ban, nếu vận chuyển bằng xe tải như hiện nay, mỗi tấn alumin của nhà máy Tân Rai phải chịu tối thiểu 50 USD tiền phí vận chuyển nguyên - nhiên vật liệu vào nhà máy, phí vận chuyện alumin ra cảng, phí bao gói, lưu kho, bốc dỡ. Vận tải bằng ô tô cũng chịu ảnh hưởng nhiều do phí xăng dầu liên tục thay đổi.

Nếu vận chuyển bằng đường sắt, con số này chỉ bằng ¼ so với đường bộ, khoảng 12,5 USD/tấn/km, giảm được 37,5 USD cho một tấn alumin.

Xây dựng tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển

Theo Viện khoa học và công nghiệp mỏ luyện kim, dự án khai thác bô xít tại Tân Rai và Nhân Cơ được xem là hai dự án thí điểm kéo dài đến năm 2020, có xét đến sau năm 2030.

Từ năm 2020 trở đi, nếu hai dự án này đem lại hiệu quả về kinh tế sẽ tiếp tục khai thác các mỏ bô xít khác tại một số tỉnh ở Tây Nguyên như Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng… Do vậy, hai dự án thí điểm này có vai trò quan trọng trong việc tác động đến việc khai thác các dự án bô xít sau này. Nếu không thuận lợi và có hiệu quả kinh tế sẽ khiến các nhà đầu tư nản, còn nếu dự án mang lại giá trị về kinh tế sẽ tác động mạnh đến việc đầu tư, khai thác tiếp nguồn tài nguyên quý này của nước ta.

Bài học từ dự án Tân Rai và Nhân Cơ cho thấy, chúng ta đang làm theo quy trình ngược khi đầu tư xây dựng nhà máy trước mà không tính nhiều đến phương án vận chuyển bô xít.

Việc vận chuyển bằng đường bộ đang là nguyên nhân chính ảnh hưởng rất nhiều đến việc khai thác và chế biến alumin thời gian qua. Theo các chuyên gia kinh tế, vận chuyển bằng đường sắt là phương tiện tối ưu nhất lúc này. Sẽ không thể có ngành công nghiệp bô xít nhôm nếu không có đường sắt. Đây cũng là phương tiện vận chuyển hàng hóa chủ yếu của các nước khác trên thế giới vì tiết kiệm chi phí và thời gian.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mạng lưới đường sắt được mở rộng xuống các tỉnh Tây Nguyên kết nối với các cảng biển.

Khi tuyến đường sắt này được hoàn thiện sẽ đem lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và các vùng kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Việc hình thành tuyến đường sắt này sẽ không chỉ phục vụ cho các dự án khai thác và chế biến bô xít mà với việc chạy qua Bình Dương - nơi tập hợp của các khu công nghiệp lớn, năng lực vận chuyển đường sắt của khu vực này ra cảng biển sẽ được nâng cao, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

Vấn đề là đến bao giờ thì tuyến đường sắt này mới đươc khơi thông?

Theo Viết
MỚI - NÓNG