Chủ đầu tư đổ lỗi cho hệ thống

Chủ đầu tư đổ lỗi cho hệ thống
TP - Hà Nội có một khu đô thị xây hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên chỉ nhằm che mắt cơ quan chức năng, dù hoàn thành, ban quản lý khu đô thị không vận hành. Chủ đầu tư loanh quanh đổ lỗi cho hệ thống...

> Kinh hoàng những khu đô thị không xử lý nước thải
> Phản đối doanh nghiệp xả thải ra môi trường

Bỏ hoang trạm xử lý nước thải

Khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) do Cty Cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư vừa đưa vào sử dụng. Khi hỏi người dân trong khu về khu xử lý nước thải, nhóm PV Tiền Phong được chỉ dẫn ra khu nhà nằm ngay sát cạnh trụ sở Công ty Sông Đà 6.

Gọi là khu xử lý nước thải, nhưng nơi này chỉ rộng 50m2, gồm 3 khối bê tông nằm sát cạnh nhau. Xung quanh cỏ mọc um tùm, rác, kim tiêm vứt bừa bãi. Lối vào không có cửa.

Trông giống như một công trình bỏ hoang. Bên trong, dưới tầng ngầm, những tầng bê tông để chứa nước thải, nhưng khô cong. Đương nhiên không có cái gọi là máy móc.

Do nằm cuối khu đô thị, sát bên dãy nhà liền kề chưa được hoàn thiện khiến trạm xử lý nước thải trở nên heo hút. Nhiều người dân cho biết, từ lâu nó đã thành nơi chích hút ma túy của người nghiện.

 “Chúng tôi xuống hiện trường và rất chia sẻ với người dân. Lỗi này không hoàn toàn của HUD mà của toàn hệ thống”.  

Lãnh đạo HUD nói

Chị Ngọc, một cư dân sống tại tòa CT5 A cho biết: “Từ lúc dọn về khu đô thị, tôi chưa bao giờ thấy khu xử lý nước thải hoạt động. Hiện, đường ống nước thải trong khu đô thị vẫn đổ thẳng ra sông Nhuệ gần đó. Không biết bao giờ trạm xử lý này mới hoạt động để người dân có thể yên tâm sinh sống trong môi trường cảnh quan trong lành”.

Nhiều cư dân khác sinh sống trong khu đô thị này cùng chung ý nghĩ với chị Ngọc. “Chúng tôi bỏ tiền tỷ mua căn hộ sinh sống ở đây thì phải được hưởng toàn bộ hạ tầng tốt mà chủ đầu tư được duyệt trong quy hoạch.

Xây trạm xử lý nước thải tốn kém, nhưng vì sao chủ đầu tư không đưa vào hoạt động. Tiền chúng tôi mua nhà bao gồm cả tiền xây dựng nhà máy xử lý nước thải này. Chủ đầu tư nên giải thích rõ với những cư dân sống trong khu đô thị”, chị Tình (tòa CT4) nói.

Đổ lỗi tại hệ thống

Người dân phải bịt mũi mỗi khi đi qua cống ở giữa khu đô thị Mỹ Đình. Ảnh: Hoàng Anh
Người dân phải bịt mũi mỗi khi đi qua cống ở giữa khu đô thị Mỹ Đình. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhiều người dân tại khu đô thị Mỹ Đình I, Mỹ Đình II (do Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị-HUD làm chủ đầu tư) cho biết, cách đây 2 năm chủ đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải. Một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng (xin được giấu tên) xác nhận, khi đoàn thanh tra xuống năm 2011, chủ đầu tư này đang xây dựng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi phóng viên khảo sát thực tế quanh 2 khu đô thị trên, không tài nào tìm thấy công trình phụ này.

Anh Nguyễn Trung Dũng (tòa nhà C6 khu đô thị Mỹ Đình II) cho biết: “Hai năm trước, tôi cũng nghe nói chủ đầu tư xây khu xử lý nước thải, nhưng cũng không biết nằm ở đoạn nào trong khu đô thị”.

Theo người dân sinh sống tại đây, toàn bộ nước thải sinh hoạt của cư dân đều tuôn trực tiếp qua con kênh chạy dọc đường Nguyễn Cơ Thạch nằm giữa khu đô thị Mỹ Đình I và Mỹ Đình II.

Con kênh đen ngòm xuất hiện từ ngày có khu đô thị và chưa khi nào bớt bốc lên mùi hôi thối. Còn cư dân toà nhà C3 sang trọng Nguyễn Thế Kha nói: “Khu đô thị có hàng nghìn hộ dân vào sinh sống mà đến nay vẫn phải chịu cảnh nước thải bốc mùi qua con kênh trước tòa nhà. Nửa năm tôi mới thấy công nhân đi nạo vét một lần, nhưng mùi hôi thối vẫn không giảm. Chủ đầu tư nên nghĩ cho toàn bộ cư dân sống trong khu đô thị mà sớm làm nhà máy xử lý nước thải”.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nghiêm Văn Bang – Chủ tịch HĐTV HUD một mực cho biết, về quy hoạch, trước hay sau, chủ đầu tư khu đô thị phải xây khu xử lý nước thải. Các khu đô thị xây dựng từ năm 2003 chưa khắc phục được.

“Nếu bây giờ chúng tôi khắc phục mà các khu lân cận cũng xả thẳng vào nơi của chúng tôi thì sao? Chúng tôi kiến nghị nhiều về khu nhà thấp tầng 14, 15,16 khu Văn Quán, khu Mỹ Đình, nhưng cơ quan chức năng chưa có giải pháp nào cụ thể.

Chúng tôi xuống hiện trường và rất chia sẻ với người dân. Lỗi này không hoàn toàn của HUD mà của toàn hệ thống. Năm 2003 xung quanh khu Văn Quán, Mỹ Đình là hồ, kênh bây giờ lấp đi”, ông Bang nói.

còn nữa

Phải làm khu xử lý nước thải trước khi xây nhà

Đó là ý kiến của Cục trưởng Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến tại Hội nghị triển khai Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị tổ chức ngày 14/5. Bên lề hội nghị, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Chiến về việc này.

Ông có biết nhiều khu đô thị mới thiếu trường học, bệnh viện, khu xử lý nước thải… , không đủ tiêu chuẩn đô thị?

Sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị mới thời gian qua đều tự phát và thiếu quy hoạch. Do đó có sự dư thừa các khu đô thị và vượt quá khả năng nguồn lực của chủ đầu tư, góp phần làm thị trường BĐS đóng băng. Hầu hết các khu đô thị thiếu hạ tầng quan trọng phục vụ đời sống của người dân. Rồi tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh quan kiến trúc... là những vấn đề gây bức xúc trong dân cư.

Nguyên nhân do thiếu quy định liên quan đến phát triển đô thị và khu đô thị. Thiếu quy định để điều chỉnh, chồng chéo các văn bản quy phạm khiến cơ quan chức năng và chủ đầu tư đều lúng túng trong xử lý. Một thời gian các khu đô thị quá chú trọng phát triển về số lượng, quy mô mà không chú trọng tăng chất lượng, tạo ra khu đô thị xanh, thân thiện với môi trường.

Vậy nghị định mới có khắc phục được tình trạng chủ đầu tư “vẽ” hoành tráng, nhưng khi hoàn thiện lại “cắt xén” hạ tầng cơ bản?

Trước đây giao chủ đầu tư làm khu đô thị, nhưng họ chỉ tập trung phát triển nhà ở để bán. Điều 35 của Nghị định mới buộc chủ đầu tư phải xây các hạ tầng thiết yếu, đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội. Trước khi người dân dọn về ở, khu đô thị phải có trường học, y tế, cấp thoát nước. Trong quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị, các bộ ngành, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm tiền kiểm, hậu kiểm. Chủ đầu tư sai phạm thuộc cấp nào, cấp đó xử lý.

NGỌC MAI
ghi

  Nhóm PV Kinh tế

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG