Đồng ý giảm thuế cho báo chí

Đồng ý giảm thuế cho báo chí
TP - Hôm qua, thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhiều đại biểu QH đồng tình việc giảm thuế cho báo chí.

> Đồng ý giảm thuế thu nhập DN xuống 22%
> Xem xét giảm thuế hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: đầu tư- kinh doanh nhà ở xã hội; thu nhập từ hoạt động báo in; thu nhập từ hoạt động xuất bản; thu nhập từ hoạt động thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Theo Luật Báo chí thì báo chí là sản phẩm văn hóa; cơ quan báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao.

Thực tế trong thời gian vừa qua, hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo in bị lỗ và phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Trong khi đó, hoạt động quảng cáo trên báo khác với các hoạt động quảng cáo khác, bị giới hạn về diện tích, khuôn khổ và thời lượng.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng, hoạt động báo in đang rất khó khăn do vậy cần giảm chi phí đầu vào, giảm thuế cho báo chí. ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đồng tình, hoạt động báo chí còn thực hiện nhiệm vụ chính trị nên cần được ưu đãi về thuế suất chứ không thể tính như DN kinh doanh bình thường.

Về mức thuế suất thuế TNDN, một số đại biểu đề nghị đưa xuống 20% thay vì 22% như dự thảo. Tuy nhiên, thảo luận tại tổ Nam Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, nếu giảm xuống 20% ngay vào năm 2014 thì nguồn thu ngân sách sẽ ảnh hưởng rất lớn, trong khi chưa có nguồn khác bù vào.

Do vậy, cần nuôi dưỡng nguồn thu trong thời gian nhất định. Trong Chiến lược thuế, Chính phủ đã đưa ra lộ trình giảm nhưng từ từ để sức ngân sách chịu được. Về đề xuất bỏ mức trần khống chế chi phí quảng cáo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, qua khảo sát thực tế nếu chúng ta bỏ không khống chế mức trần quảng cáo thì được lợi chính là DN nước ngoài, các tập đoàn xuyên quốc gia.

Còn trong nước thì không thấy có nhiều DN sử dụng hết tỷ lệ khống chế này. “Tôi lấy ví dụ như Cty Coca- Cola vào Việt Nam đã chục năm nay nhưng lúc nào cũng khai lỗ. Bởi vì quảng cáo kinh khủng như thế. Bỏ hay không là tùy QH quyết định nhưng thực chất nếu bỏ thì chỉ bảo vệ tập đoàn lớn, họ thường quảng cáo rất nhiều. Chúng tôi đã khảo sát rồi, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không sử dụng hết tỷ lệ đó”- Phó Thủ tướng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG