Phó Thủ tướng: 'Không thành phố nào như Hà Nội'

Phó Thủ tướng: 'Không thành phố nào như Hà Nội'
TP - Sự lộn xộn, cách làm không giống ai của ngành giao thông Thủ đô đã khiến Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: “Bến xe lộn xộn, taxi gian dối, tranh giành lừa hành khách, tôi thấy không thành phố nào như Hà Nội”.

Bến xe lộn xộn, taxi gian dối:

Phó Thủ tướng: 'Không thành phố nào như Hà Nội'

> Lái xe taxi oằn lưng vì bị “chặt trên, chém dưới”
> Buông lỏng quản lý taxi, hai bên cùng lợi?

Trong khi Chính phủ và nhiều bộ ngành liên quan ngày đêm quyết tâm xử lý các vấn nạn về giao thông thì Hà Nội có những động thái kỳ quặc. Câu chuyện xe khách ngang nhiên chạy xuyên qua thành phố (xuyên tâm) báo chí viết nhiều. đường vành đai 3 trên cao đã hình thành, thậm chí Ban Chỉ đạo Liên ngành 197 đã họp tốn thời gian và tiền bạc, nhưng các ngành chức năng Hà Nội vẫn không vào cuộc.

Đến nay, nhiều người đứng đầu Ban Chỉ đạo Liên ngành 197 đã về hưu, nhưng những quyết sách của họ vẫn treo lơ lửng. Không những thế, người ta còn cấp phép cho xe khách mạo danh trở về thăm chiến trường xưa vào tận trung tâm thành phố đón khách (vụ xe khách Dòng Hiền mà Tiền Phong đã nêu nhiều lần).

Mặt đường Giải Phóng biến thành nơi đỗ xe của nhiều hãng xe khách Vietbus (còn sát đường tàu hỏa), Sao Việt... chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai ngay trước mặt các lực lượng CSGT và thanh tra giao thông.

Vô lý nhất, có những văn bản do chính Sở GTVT Hà Nội ban hành từ năm 2006, nhưng cơ quan này ỉm đi và cho tới gần 7 năm sau vẫn còn lúng túng chưa biết triển khai thế nào (ngày 28/5/2013, đơn vị này họp kín bàn chuyện chuyển xe khách dư thừa khỏi bến xe Mỹ Đình-PV).

Ngày 27/12/2006, Sở GTVT (lúc đó gọi là Sở GT Công chính) ban hành văn bản định hướng quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, trung tâm Thủ đô như một khu vực mà xe khách liên tỉnh không được bén mảng tới.

Xe khách tới Hà Nội chỉ được phép dừng tại ngay các bến xe ở cửa ngõ, không được phép chạy xuyên tâm hay vòng qua các bến xe khác. Văn bản này chi tiết tới mức đánh giá khả năng tiếp nhận xe khách của từng bến xe, phân phối luồng tuyến ra sao. Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ, văn bản đó vẫn là một kỷ niệm xếp xó.

Không chấn chỉnh tức là bảo kê

Chưa hết, năm 2009, Sở GTVT Hà Nội lại làm một việc tương tự văn bản ban hành năm 2006 (nói trên) là cấm xe khách liên tỉnh (từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam TP Hà Nội) vào Bến xe Mỹ Đình. Bởi vì, lúc đó Bến xe Mỹ Đình đã quá tải với lưu lượng xuất bến xấp xỉ 1.100 lượt xe ngày.

Tuy lệnh cấm ban hành, nhưng liên tục các xe khách liên tỉnh vẫn có “cửa” để vào. Chỉ đến khi nguy cơ vỡ bến và hàng loạt hệ lụy như phát sinh nhiều bến xe “dù” tự phát cạnh Bến xe Mỹ Đình, trật tự an ninh lộn xộn..., cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Và, sau đó như thừa nhận của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội trong cuộc họp báo gần đây, những “nốt” (đầu đến) xe vẫn được bật đèn xanh sau lệnh cấm mới được công khai phạm vi hẹp. Lúc đó, các lãnh đạo Sở GTVT giải trình có hay không mỗi “nốt” xe được mua với giá 800 triệu đồng.

Câu chuyện loạn taxi ở Hà Nội không phải năm nay mới phát lộ. Hoạt động của taxi có quản lý, nhưng nhếch nhác không khác xe ôm. Ngay cả đại biểu tổ chức cảnh sát quốc tế tới Việt Nam dự họp cũng bị taxi “chặt chém”. Đầu năm nay, du khách Úc lại bị trấn lột tiền. Đến nỗi Tổng cục Du lịch phải đứng ra xin lỗi.

Có lẽ, bức xúc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là sự chịu đựng của du khách nói riêng và người dân nói chung bấy lâu nay: “Công an Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội phải nghiêm túc chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Nếu không làm được, tôi sẽ kết luận Công an Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội bảo kê trái phép cho các doanh nghiệp vận tải”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG