Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A : 6 năm tranh cãi chưa xong!

Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A : 6 năm tranh cãi chưa xong!
TP - Chưa từng có dự án thủy điện tư nhân nào tạo ra nhiều luồng tranh cãi gay gắt như dự án Đồng Nai 6 và 6A. Suốt 6 năm qua, Chính phủ và nhiều bộ, ngành liên tục đắn đo cân nhắc mà đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Liệu đưa tất cả “được” và “mất” từ dự án này lên bàn cân, lợi ích sẽ nghiêng về đâu ?

> Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Chính phủ đợi Bộ TN&MT
> Dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN6A: Ý kiến từ hai phía

Giá điện nào hợp túi tiền dân ?

Tại Tổng sơ đồ điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì sản lượng 7 loại điện tự sản xuất, cộng với lượng điện nhập khẩu năm 2015 phải đạt từ 194 - 210 tỷ kWh; năm 2020 từ 330 - 362 tỷ kWh; năm 2030 từ 695 - 834 tỷ kWh.

Trong cơ cấu 7 loại điện: Thủy điện; thủy điện tích năng; nhiệt điện than; nhiệt điện khí; năng lượng tái tạo; điện hạt nhân; nhập khẩu điện, thì thủy điện (TĐ) có ưu điểm rẻ nhất về giá, đứng thứ nhì về khía cạnh bảo vệ môi trường.

Điện năng lượng tái tạo (NLTT) được đánh giá cao nhất về bảo vệ môi trường, nhưng giá thành lại cao hơn các loại khác đến vài ba cent, nên việc triển khai rộng tính khả thi thấp. Vì thế, dự kiến tới năm 2020, nguồn điện NLTT chỉ có thể đạt công suất cỡ 4.200 Mw, trong khi TĐ và TĐ tích năng là 19.125 Mw.

Quy mô lớn nhất thuộc về điện than, với tổng công suất khoảng 36.000 Mw, dự kiến phải tiêu thụ cỡ 67,3 triệu tấn than để làm ra 156 tỷ kwh điện. Giá thành điện than hiện nay trên 6 cent, tức khoảng 1.200-1.300đ/ kWh. Mối lo ngại về nguồn tài chính và nguồn than có thể nhập khẩu vẫn thường trực.

Nguồn tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Từ năm 2004, do lượng điện sản xuất trong nước không đáp ứng nổi nhu cầu tiêu dùng, mỗi năm Việt Nam đã phải nhập khoảng 5 tỷ kWh điện từ Trung Quốc (TQ).

Giá mua điện của TQ năm 2011 là 5,8 cent/kWh; năm 2012 là 6,08 cent tức hơn 1.200 đồng/kWh, nhỉnh hơn giá điện than trong nước, gấp rưỡi giá mua điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chỉ 800-900 đồng/kWh.

Năm 2013, dù đã có thêm nhà máy thủy điện khổng lồ Sơn La và một số dự án điện khác, EVN vẫn dự định nhập từ TQ 3,6 tỷ kWh điện với giá mua cao hơn năm trước.

Vậy nên, dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A với lộ trình vận hành từ năm 2015- 2016 hứa hẹn mỗi năm góp vào dòng chung gần 1 tỷ kWh điện, với giá bán điện cho EVN 4,4 cent/ kWh trong suốt vòng đời dự án 40 năm có thể được coi như một nỗ lực góp phần giải quyết bài toán điện.

Tuy nhiên, dự án lại “chạm” vào đất cấm Vườn Quốc gia, và cùng nằm trên dòng sông trước đó đã cõng sẵn mấy đập thủy điện chặn dòng, nên không tránh khỏi búa rìu của các nhà bảo vệ môi trường .

Cân nhắc cái giá phải trả

Năm 2002, dự án TĐ Đồng Nai 6 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với công suất 180Mw, diện tích 1.954 ha. Năm 2007, dự án được hiệu chỉnh thành hai bậc thang là Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (TĐ ĐN6 & 6A), tăng công suất lên 241Mw, giảm diện tích chiếm dụng đất xuống 372 ha. Công trình dự kiến hoàn thành trong 3 năm, rốt cuộc đến nay vẫn nằm trên giấy vì vấp phải quá nhiều tranh cãi, phản đối.

Vị trí gần chân đập thủy điện ĐN 6A được người dân khai hoang làm rẫy
Vị trí gần chân đập thủy điện ĐN 6A được người dân khai hoang làm rẫy.

Những cái “được” dễ thấy, là TĐ ĐN6 & 6A nếu được triển khai, sẽ có khả năng thu hồi vốn nhanh. Phạm vi xây dựng dự án không có dân cư sinh sống nên không phải thực hiện công tác di dân, tái định cư.

Mặt khác, diện tích sử dụng đất lâu dài 323 ha tương đương tỉ lệ 1,34ha/Mw điện thuộc hàng thấp nhất về chiếm dụng đất trong các dự án TĐ từ trước tới nay tại Việt Nam. Diện tích rừng giàu mất đi vì dự án chỉ 4,3ha (chiếm 1,16%); rừng trung bình 24,5ha (chiếm 6,6%); rừng nghèo, rừng hỗn giao, lồ ô, tre nứa có 299,7ha (chiếm 80,5%)…

Tổng sản điện hàng năm của hai dự án này sản xuất gần 1 tỷ kWh, tương đương với 540.000 tấn than đá hoặc 270.000 tấn dầu nếu sản xuất bằng điện nhiệt và giảm khoảng 514.000 tấn khí CO2 ra môi trường hàng năm.

Về hiệu ích kinh tế xã hội, sẽ đóng góp được cho ngân sách các loại thuế, phí tổng cộng trên 322 tỷ đồng/năm, gần 13.000 tỷ đồng trong suốt chu kỳ dự án 40 năm.

Một số chuyên gia kinh tế và môi trường cũng cho rằng: Việc chuyển đổi một phần đất dọc sông mà chủ yếu là rừng nghèo, rừng lồ ô để hình thành nên một đoạn sông- hồ sẽ giúp tăng độ ẩm và tăng mực nước ngầm tại khu vực. Các bàu, đầm lân cận được cung cấp nước, tạo điều kiện cho rừng ở vùng chung quanh phát triển, hình thành nên một hệ sinh thái thủy vực mới có thể mang lại những lợi ích đáng kể .

Những cái “mất” cũng dễ thấy, đó là sự xáo trộn môi trường và đa dạng sinh học quanh khu vực xây dựng dự án, mà các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng.

Giữa tháng 5-2013, phóng viên báo Tiền Phong trở lại vị trí dự án TĐ ĐN6 & 6A trong chuyến đi thực tế cùng nhiều PV báo chí và cán bộ địa phương. Tại địa điểm dự kiến xây đập chặn dòng TĐ ĐN6 & 6A có thể thấy mật độ rừng tại đây rất thưa, chủ yếu là rừng nghèo, rừng hỗn giao lồ ô, tre nứa. Nhiều khoảnh rừng quanh khu vực dự án đã bị người dân xâm canh, trồng sắn, bắp, điều.

 Người dân cũng như chính quyền địa phương ở đây ủng hộ triển khai TĐ ĐN6 & 6A. Nhà máy mọc lên chắc chắn sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội, giao lưu hàng hóa với bên ngoài.

Ông Điểu K’Giá, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng

Trò chuyện cùng nông dân cư trú trên địa bàn, chúng tôi thấy họ ít nhiều hy vọng dự án sẽ giúp cuộc sống nơi đây dễ chịu hơn. Anh Nguyễn Duy Chinh ở thôn 3 Bù Gia Giá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) nói : “Dự án không di dân nên bà con ở đây không ai phản đối. Chúng tôi mong dự án giúp cải tạo đường sá, tạo thêm công ăn việc làm. Lâu nay, vì giao thông cách trở mà nông sản bà con làm ra luôn bị tiểu thương ép giá”.

Ông Huỳnh Văn Đẩu, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên cũng cho rằng TĐ ĐN6 & 6A có thể giúp người dân chủ động hơn trong việc chống lũ và điều tiết nước, đồng góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Đứng về phía dứt khoát không đồng tình với dự án TĐ ĐN6 & 6A, ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã gửi văn bản lên Chính phủ và Quốc hội đề nghị loại bỏ dự án TĐ ĐN6 & 6A khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai, để khỏi gây tác động xấu đến hệ sinh thái đất ngập nước ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Văn bản lo ngại thủy điện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân vùng hạ lưu, làm thay đổi dòng chảy, gia tăng nguy cơ xói mòn đất, sạt lở bờ sông, lũ quét. Vào mùa khô sẽ gây ra tình trạng khô hạn khiến lượng nước tưới ít đi, giảm nguồn lợi thủy sản và nước mặn sẽ xâm nhập vào sâu hơn, tác động xấu đến đời sống kinh tế của người dân. Ngoài ra, TĐ ĐN 6 & 6A còn ảnh hưởng đến văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc Châu Mạ, S’Tiêng sinh sống ở vùng hạ lưu ven sông Đồng Nai.

Ngoài ra, còn có các ý kiến lo ngại ảnh hưởng của dự án đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Cả phía đồng tình lẫn bên phản đối đều có lý lẽ và cơ sở đáng được lắng nghe, cân nhắc. Nhà đầu tư thì vẫn khẳng định dự án sẽ không ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tất nhiên, cần có sự thẩm định của bộ, ngành chức năng. Và kết luận không nên để kéo dài. Dù sao, những cuộc tranh cãi cũng đã kéo dài suốt 6 năm...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG