Hà Nội 'đại phẫu' giao thông

Hà Nội 'đại phẫu' giao thông
TP - Hơn 400 xe khách được điều chuyển để tránh chạy xuyên trung tâm Thủ đô. Hoạt động taxi được chấn chỉnh trên nhiều phương diện. Cuối cùng, Vận tải Hà Nội chấp nhận một cuộc “phẫu thuật”.

> 'Vỡ trận’ bến xe Mỹ Đình: Sở GTVT ‘trảm’ 313 lượt xe
> Trước 10/6, làm rõ những bất cập tại Bến xe Mỹ Đình

Cảnh ùn tắc, lộn xộn thường xuyên xảy ra tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Sỹ Lực
Cảnh ùn tắc, lộn xộn thường xuyên ở Ga Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.

Trước sự bức xúc của dư luận trong thời gian qua và chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngày 4/6, Sở GTVT, Công an thành phố Hà Nội công bố kế hoạch chấn chỉnh hoạt động dịch vụ vận tải xe khách, taxi và xích lô.

Chuyển 436 xe khách, tổ chức lại taxi

Theo bản kế hoạch, tất cả 118 lượt xe khách/ngày chạy tuyến Hoà Bình - Hà Nội được chuyển từ bến Mỹ Đình về Yên Nghĩa. 18 lượt xe/ngày tuyến Hà Nam, 110 lượt xe/ngày tuyến Nam Định, 113 lượt/ngày tuyến Thái Bình cũng được chuyển từ bến Mỹ Đình về các bến Gia Lâm – Yên Nghĩa, Nước Ngầm.

Tổng cộng số xe phải chuyển khỏi bến Mỹ Đình là 359 xe. Ngoài ra, 77 lượt xe từ Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang... chạy “trái tuyến” đến bến Giáp Bát, Nước Ngầm (Hà Nội) được chuyển về Mỹ Đình. Các xe bị điều chuyển được miễn 6 tháng chi phí bến bãi. Các tuyến buýt nhanh, cho phép mang theo hành lý, nối giữa các bến được tổ chức để phục vụ hành khách. Hạn chót thực hiện điều chuyển là 20/7.

Như vậy, các xe được điều chuyển theo nguyên tắc đúng hướng tuyến khi tiếp cận Thủ đô, khắc phục tình trạng xe xuyên tâm, lòng vòng trong nội thành (Tiền Phong phản ánh thời gian qua). Ngoài ra, việc dẹp xe dù bến cóc, lòng vòng đón khách, xe du lịch đội lốt xe khách hoạt động trong nội thành cũng nằm trong bản kế hoạch này.

Về taxi, Sở GTVT đưa ra hàng loạt nhiệm vụ như rà soát công tác cấp phép, phù hiệu; kiểm soát màu sơn xe taxi, tổ chức thêm các điểm đỗ xe taxi, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra... Công tác kiểm tra xử lý tập trung vào các vi phạm như: Quy định tắt, bật hộp đèn taxi; không sử dụng đồng hồ tính cước; sử dụng xe không đúng màu sơn và biểu trưng của doanh nghiệp; gian lận trong tính cước... Các điểm nóng sẽ được tập trung xử lý là bến xe, nhà ga, bệnh viện. Dù chưa cụ thể nhưng các giải pháp của cơ quan này đưa ra đã toàn diện hơn, lắng nghe dư luận, trong đó có nhiều điểm được nêu trong tuyến bài Trận đồ taxi Hà Nội trên Tiền Phong.

Tiêu cực trong quản lý không được đề cập

Tại hội nghị công bố kế hoạch, đại diện Bộ GTVT, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình với kế hoạch này dù đứng trước không ít thử thách. Một doanh nghiệp chạy tuyến Hà Nội - Nam Định nói: “Dù không muốn, nhưng chúng tôi buộc phải chấp thuận. Chắc chắn đến bến mới, hành khách sẽ ít hơn”.

Ông Vũ Quang, Phó GĐ sở GTVT Thái Bình, địa phương có nhiều xe khách phải chuyển khỏi bến Mỹ Đình, nói: “Vì sao nhiều tỉnh khác cũng có hướng tiếp cận đến Hà Nội như chúng tôi là Ninh Bình, Thanh Hoá... lại không bị chuyển. Cái đó chúng tôi cũng phải trả lời với dân”.

Nói về việc vì sao không thực hiện triệt để việc di chuyển theo nguyên tắc đúng hướng tuyến như ông Quang đề cập, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội nói: “Để tránh những xáo trộn đột ngột nên chỉ chuyển những tuyến có nhiều xe, nhưng là xe cỡ nhỏ. Sau 3 tháng thử nghiệm, Sở GTVT sẽ nghiên cứu điều chuyển tiếp”.

Tiêu cực nhũng nhiễu trong quản lý là vấn đề không được đề cập sâu trong hội nghị. Trao đổi riêng với Tiền Phong, ông Linh cho biết, những kẽ hở trong quản lý dễ phát sinh tiêu cực sẽ được chấn chỉnh trong thời gian tới. Chẳng hạn, tiêu chí cấp phù hiệu taxi sẽ được ban hành thành văn bản để tránh tiêu cực, cán bộ của Sở cũng không “run tay” khi cấp.

“Nhiều người nói tôi nhận đến 700-800 triệu để cấp 1 “lốt” xe. Bao năm nay, tôi thanh minh mà vẫn vậy. Nếu ai có chứng cứ tôi tiêu cực, xin đưa ra, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm” – Vị Phó GĐ phụ trách vận tải nói.

GĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kêu gọi các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng ủng hộ kế hoạch của Sở GTVT để cải thiện bộ mặt giao thông Thủ đô. Ông Hùng hứa: “Nếu cá nhân, đơn vị nào phát hiện cán bộ của sở GTVT, Cty Quản lý Bến xe gây khó khăn, nhũng nhiễu hãy thông báo, chúng tôi xin hứa sẽ kiên quyết xử lý”. Bản kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu xử lý các tổ chức cá nhân có dấu hiệu bảo kê, bảo lãnh.

Mở 5 tuyến buýt nhanh nối các bến

Trước lo ngại của chuyên gia, Hiệp hội vận tải về việc sắp xếp trên sẽ gây ảnh hưởng việc đi lại hiện nay của nhân dân cũng như hoạt động của các DN vận tải, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Hiện Sở GTVT đã lên phương án tổ chức 5 tuyến xe buýt nhanh chạy thẳng giữa các bến và được phép chở hành lý phục vụ nhân dân.

Cụ thể, các bến Mỹ Đình - Nước Ngầm - Giáp Bát được kết nối bởi tuyến buýt nhanh 16B; bến Mỹ Đình - Yên Nghĩa được kết nối bởi tuyến buýt nhanh 30B; bến Gia Lâm - Giáp Bát - Nước Ngầm được kết nối bởi tuyến buýt nhanh 03C; bến Giáp Bát - Nước Ngầm - Yên Nghĩa được kết nối bởi tuyến buýt nhanh 37B. Thời gian các tuyến buýt nhanh hoạt động bắt đầu từ 1/7 với lịch trình 10 phút/lượt (giờ cao điểm) và giờ chạy từ 5 đến 20h đúng dịp tuyển sinh ĐH-CĐ 2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.