Bên lề cuộc lấy phiếu tín nhiệm

Bên lề cuộc lấy phiếu tín nhiệm
TP - Có lẽ phải gọi là cuộc? Gần 70 năm, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có cuộc lấy phiếu tín nhiệm trước khi thực thi việc bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu.

> Hôm nay Quốc hội công khai kết quả phiếu tín nhiệm
> Cuộc bỏ phiếu kép
> Công bố Ban kiểm phiếu, 10 loại phiếu lấy tín nhiệm
> Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt

Chập chờn

Vậy mà ầm cả lên những tin đồn hơi bị nản cùng thói nhanh nhẩu lấy được của một vài blog, đại loại rằng Quốc hội cấm cửa báo chí trong đợt lấy phiếu tín nhiệm! Hóa ra hão cả. Mãi sáng chủ nhật ngày 9/6, ông Đổng lý Văn phòng Quốc hội tuyên rằng, các ký giả vẫn được tiếp cận từ đầu tới cuối sự kiện quan trọng này.

Các ĐBQH bỏ lá phiếu tín nhiệm tại Hội trường chiều 10/6/2013. Ảnh: Thắng Ngọc
Các ĐBQH bỏ lá phiếu tín nhiệm tại Hội trường chiều 10/6/2013. Ảnh: Thắng Ngọc.

Nhưng lần này hạn chế, không có thẻ sự kiện như mọi bận để các PV theo dõi Quốc hội có cơ hội tiếp cận phỏng vấn ĐBQH tại hành lang Hội trường!

Khéo khen Quốc hội chọn được ngày lành? Liền mấy hôm Hà thành hầm hập oi nồng cái nóng 38, 39 độ. Nhưng từ sáng sớm 10/6 dịu hẳn. Mưa sầm sập từ sáng sớm.

Lịch định sẵn là 3 giờ chiều ngày 10/6/2013 sẽ diễn ra sự kiện lấy phiếu tín nhiệm. Vậy nên tôi cứ ung dung lên Hội trường, lại còn trước những mấy chục phút. Tới nơi, vắng ngăn ngắt. Hỏi ra mới biết, tận 4 giờ chiều mới bắt đầu.

Người cũ trước việc mới

Gian trên dành cho khách mời thênh thang chỉ thấy ông cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Thì ra ông cũng tưởng như tôi. Cũng có biết sơ sơ vị Bộ trưởng này qua 4 khóa Quốc hội (7,9,10,11) Mừng ngó ông cựu nghị sĩ tuổi 78 mà còn mạnh.

Hỏi vui ông rằng nếu như hôm nay vẫn trong đội hình những người bỏ phiếu thì ông sẽ khu xử thế nào? Ông cựu nghị sĩ Nguyễn Đình Lộc bộc bạch ngay rằng ông sẽ ứng xử theo cách riêng của ông! Cách riêng ấy chả biết thế nào, nhưng ông tấm tắc ngay đây là một tiêu chí minh chứng Quốc hội ta ngày càng đổi mới! Nhưng không hiểu sao ông trưng ra con số cả trăm tỷ đồng chi phí cuộc bầu cử 500 ĐBQH gần đây?

Ông nói chi phí ấy đủ biết cử tri nước mình không ngại tốn kém, quyết tâm lựa chọn người đại diện cho mình như thế nào? Để tăng thêm chất lượng lựa chọn của ĐBQH trong việc lấy phiếu tín nhiệm, QH có lẽ cũng nên mạnh dạn đổi mới tiếp bằng cách có nhiều hình thức sinh động hữu hiệu để cung cấp thêm thông tin cho các ĐBQH trong việc lựa chọn.

Chiếm 1/6 thời gian chi dùng mỗi năm cho 2 kỳ họp. Họp xong lại phải thực hiện chức phận của một quan chức, một cán bộ (với những ĐBQH bán chuyên trách mà hiện nay vẫn chiếm phần lớn trong Quốc hội) thì những yêu cầu khách quan sâu sát thông hiểu trong cuộc lấy phiếu này sẽ rất hạn chế!

Xuống tầng 1, ngạc nhiên khi đụng mấy ông trong HĐND tỉnh nhà. Hỏi ra mới biết, nhiều ông, bà là đại biểu HĐND của 63 tỉnh, thành được Quốc hội trân trọng mời ra để dự thính sự kiện quan trọng lấy phiếu tín nhiệm này. Để có thêm kinh nghiệm mai kia mà áp dụng phương thức công cụ dân chủ mới mẻ này tại địa phương mình.

Một ngách của Hội trường đột ngột ló ra ông Thường vụ Quốc hội Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật, một yếu nhân của Quốc hội từng bỏ nhiều công sức trong công tác tổ chức thực hiện NQ 35 của Quốc hội về cuộc lấy phiếu tín nhiệm này.

Đợi ông trao đổi xong với người phụ tá, đứng với ông một lúc, tôi cũng hiểu ra duyên do lùi thời gian cuộc bỏ phiếu. Mất cả một buổi sáng cho những thảo luận kỹ càng ở tổ. Buổi chiều lại tiếp tục hai tiếng đồng hồ nữa để các ĐBQH thông tỏ nắm vững thêm nghiệp vụ, tiêu chí của cuộc bỏ phiếu.

Thú vị là vị Thường vụ Quốc hội này gạt phắt từ kịch bản khi tôi đề cập công việc mới mẻ này mà ông dùng từ các phương án. Ông cho biết, để trợ giúp các ĐBQH tiếp cận làm quen với hình thức lấy phiếu (rồi mai kia bỏ phiếu tín nhiệm) các phương án đường đi nước bước đã được tiến hành nghiêm cẩn nhưng sinh động.

Các cá nhân và bộ phận có trách nhiệm của Quốc hội đã phải mất nhiều công sức. Ông Lý gợi ý rằng để biết thêm thông tin về việc này nhà báo nên gặp bà Nguyễn Thị Nương, phụ trách công tác ĐBQH...

Tự tin, bình thản và cả những âu lo?

Bốn giờ kém chút, tiền sảnh Hội trường đã đông chật. ĐB Cao Sĩ Kiêm như thường lệ thường bị các nhà báo quây. Có thể ông vốn chịu khó trao đổi? Có thể ông luôn có thông tin mới? Lại thẳng thắn? Như ông đương bộc bạch cuộc lấy phiếu tín nhiệm này như một sự tiếp nối công tác cán bộ của các Hội nghị T.Ư 4, T.Ư 8... Vậy nên trách nhiệm của các ĐBQH là rất lớn.

Lấy phiếu tín nhiệm tại hội trường
Lấy phiếu tín nhiệm tại hội trường.

Trách nhiệm phải cao hơn trong cuộc lấy phiếu này. Phải khách quan sòng phẳng và đạt được hiệu quả để củng cố nói đúng hơn là lấy lại lòng tin cho dân, cho các cử tri.

Ông cũng bộc bạch rằng yêu cầu thì như vậy nhưng thực tế có cái khó! Chẳng hạn, khi tiếp cận với 47 bản tự kiểm, báo cáo của các chức danh quan chức do Quốc hội bầu, có bao nhiêu ĐBQH do vị trí địa bàn công tác được gần gũi, hiểu biết về 47 vị ấy?

Và có bao nhiêu ĐBQH ở vùng sâu vùng xa chưa hoặc không có điều kiện để tìm hiểu tiếp cận? Liệu 47 bản tự kiểm của 47 chức danh ấy, những con số, sự việc có bầu lên, có trợ giúp cho những bản lĩnh khách quan? Và nữa thông tin từ các phương tiện truyền thông đủ trợ giúp làm nên thái độ vô tư sòng phẳng khi ĐBQH quyết định lá phiếu của mình?

Nghe những bộc bạch ấy, tôi tự dưng có một ý nghĩ lẩn thẩn rằng, có khi 47 bản tự kiểm của ngần ấy chức danh, dễ mà được xếp vào loại thông tin mật hay nhạy cảm không chừng? Vậy nên, ông Kiêm cảnh báo làm sao để khách quan công tâm trong công tác này là phải lắm?

 Chuông reo kéo các đại biểu trở lại hội trường. Ngó những ĐB người thì đăm chiêu người thì sốt sắng bên những lá phiếu mầu sắc khác nhau thấy hao hao một cuộc thi tuyển lựa chọn sự bình an cho đất nước? 

Thoáng thấy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ba yếu nhân đều giản dị sơ mi trắng không cà vạt. Các vị đều vui vẻ chuyện trò với nhiều ĐBQH và cả... nhà báo!

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng vui vẻ trả lời ngay một câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cuộc lấy phiếu tín nhiệm như thế nào? Chủ tịch cho biết, cá nhân không phải là quá lạc quan nhưng ông tin rằng cuộc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đạt kết quả tốt. Tin rằng các ĐBQH sẽ làm trọn trách nhiệm của mình mặc dầu lần đầu tiên sử dụng phương thức mới mẻ này.

Ông cũng thẳng thắn bộc bạch thêm, trong quá trình làm quen với công việc này, có một số ít ĐBQH, hoặc còn bỡ ngỡ, hoặc chưa chịu khó tìm hiểu tham khảo, tìm tòi thêm thông tin và cả thói quen ỷ lại nữa đã tỏ ra thụ động. Ông biết được và đã kịp thời chỉ đạo phối hợp để chấn chỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương mải mốt trao đổi với một số ĐBQH vây quanh điều gì đó. Một lúc lâu mới thấy các đại biểu tản đi và ngay lập tức vài cái ghi âm chìa ra. Một câu hỏi không phải là nội dung phiên họp chiều sắp bắt đầu mà là vấn đề người dân sắp được hưởng tiện ích không cần dùng chứng minh thư lẫn sổ hộ khẩu? Lại cả câu hỏi lộ trình sắp tới để tiện ích văn minh này mau chóng thành hiện thực? Thông tin vui từ Thủ tướng rằng đã có sự bàn bạc phối hợp phân công và sớm được thực hiện. Lại được biết thêm cả phương án tài chánh là vốn ODA của Nhật bước đầu chi cho Dự án này 50 triệu USD. Câu hỏi cuối mới là cảm tưởng của Thủ tướng về cuộc lấy phiếu này? Thủ tướng cười nói ngay, đại ý, một công cụ và phương tiện của dân chủ nước ta áp dụng thực hành càng sớm càng tốt...

Có thoáng nghe ĐB Dương Trung Quốc trao đổi với PV rằng, các cử tri kỳ vọng ở ĐBQH trong việc này là rất lớn. Do kỳ vọng một cách chính đáng nên đã vô tình trở thành sức ép... Giải tỏa sức ép này là cả một vấn đề...

Chuông reo kéo các đại biểu trở lại hội trường. Ngó những ĐB người thì đăm chiêu, người thì sốt sắng bên những lá phiếu mầu sắc khác nhau thấy hao hao một cuộc thi tuyển lựa chọn sự bình an cho đất nước?

Ngay ngày mai sẽ có kết quả “cuộc thi”... Để có kết quả ấy, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đêm nay bộ phận kiểm phiếu (gồm 29 vị) sẽ phải vất vả lắm đây.

Đêm 10-6-2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG