“Xin tiếp thu và nghiên cứu”

“Xin tiếp thu và nghiên cứu”
TP - Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhiều lần nói như vậy hôm 13/6, khi trả lời chất vấn của ĐBQH về những bất cập trong dạy nghề, xuất khẩu lao động...

> Vì tương lai lập nghiệp
> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định

Trách nhiệm rất lớn

Đăng đàn đầu tiên, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) hỏi, công tác dạy nghề đang bộc lộ bất cập và có nguy cơ lãng phí, nguyên nhân do có trường, có thầy nhưng lại thiếu trò, học viên sau đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN). Bộ trưởng có giải pháp gì trước thực trạng này?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tổng số cơ sở dạy nghề toàn quốc là trên 1.000, trong đó, công lập có hơn 800 cơ sở. Vừa qua, Bộ LĐ,TB&XH kiểm tra 10 tỉnh, phát hiện một số đơn vị đầu tư chưa đồng bộ, thiếu giáo viên cơ hữu.

Về việc số học viên chưa nhiều, vị Bộ trưởng nói rằng, do phần đông học sinh muốn học cao hơn thay vì vào trường nghề, ngoài ra, nội dung đào tạo cũng chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Các trường vẫn dạy những gì mình có, chứ chưa dạy những nghề mới mà thị trường cần.

Có DN Nhật Bản đến chỉ tuyển lao động phổ thông để tự đào tạo. “Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình rất lớn, trong việc tham mưu hoạch định chính sách, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, đôn đốc”, bà Chuyền nói.

ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) đặt câu hỏi về hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân chưa cao. Bộ trưởng Chuyền cho biết, sẽ lắng nghe ý kiến ĐBQH và cử tri để tới đây việc gì chưa được sẽ sửa. Về quản lý lao động tự do, Bộ trưởng Chuyền không nói giải pháp cụ thể mà cho biết “đã tham mưu cho Chính phủ có quy định giữa Việt Nam và Trung Quốc xem quản lý lao động tự do như thế nào”.

“Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và cử tri cả nước, chúng tôi xin tiếp thu để nghiên cứu thêm, tới đây hoàn thiện thế nào đó để tham mưu được việc quản lý lao động vùng biên cho phù hợp”, bà Chuyền trả lời.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, việc quản lý đào tạo nghề giữa Bộ LĐ, TB&XH và Bộ GD&ĐT có sự trùng lắp, hai bộ đang chỉ đạo đầu tư cả trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề cấp huyện, dẫn đến nguy cơ lãng phí.

Bộ trưởng Chuyền cho biết, hiện ở cấp huyện có trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên. Để giải quyết bất cập này, tới đây sẽ sáp nhập 3 trung tâm này, thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước là UBND huyện.

“Đó là ý kiến thứ trưởng”

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) hỏi, trong phiên họp của UBTVQH mới đây, một thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH phát biểu là suy thoái kinh tế không ảnh hưởng đến đời sống hộ nghèo. Bộ trưởng cho biết đây là quan điểm của Bộ hay ý kiến cá nhân Thứ trưởng?

“Đó là ý kiến của Thứ trưởng phát biểu trong một hội nghị. Còn bộ thì chúng tôi khẳng định là, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì đời sống nhân dân, trong đó có người nghèo dứt khoát bị ảnh hưởng và khó khăn”, bà Chuyền khẳng định. Đối với người nghèo, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ về chăm sóc y tế, học hành, vay vốn...

ĐB Ly Kiều Vân (Quảng Trị) hỏi về lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ được xử lý ra sao? Bộ trưởng Chuyền cho biết, Việt Nam hiện có 500.000 lao động làm việc ở các nước, nhưng chỉ có 8 ban quản lý lao động ở các nước. Luật quy định rất rõ trách nhiệm của DN, khi có vấn đề thì bản thân DN phải tháo gỡ.

Tuy nhiên, một số người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định. Ngành lao động không theo dõi được do không cấp phép, không biết là DN nào đưa đi. “Người lao động phải biết rõ DN nào đưa đi, quyền lợi của mình đến đâu. Chứ nghe theo co nếu bị vi phạm thì rất khó khăn”, bà Chuyền nói.

Trả lời ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về đời sống khó khăn của đồng bào tái định cư thủy điện, Bộ trưởng Chuyền cho biết, năm 2012 bà đã lên thăm đồng bào tái định cư thủy điện Hòa Bình, việc đào tạo chuyển đổi nghề cho bà con là rất cần.

Tuy nhiên, chính sách còn khiêm tốn so với nhu cầu của bà con nơi đây. “Chúng tôi rất chia sẻ và có trách nhiệm trước dân để tiếp tục tham mưu cùng các ngành nghiên cứu đề xuất chính sách cho phù hợp”, bà Chuyền trả lời.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) hỏi, giá cả tăng cao, tiêu chí hộ nghèo hiện chưa phù hợp? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tiêu chí hộ nghèo áp dụng từ 1/1/2011 là thấp, chưa tính yếu tố trượt giá, tiêu chí này cần phải xem xét.

“Chúng tôi tự thấy trách nhiệm của mình phải xem xét lại chuẩn nghèo để sát thực tế hơn”, bà Chuyền nói.

Phát hiện hàng nghìn hồ sơ thương bệnh binh giả

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh tình trạng nhiều hồ sơ giả để hưởng chế độ chính sách. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận có tình trạng tẩy xóa hồ sơ. Thanh tra cho thấy, đối với thương bệnh binh, đã có hàng nghìn đối tượng bị cắt chế độ, phát hiện một bộ phận làm hồ sơ giả và đã khởi tố một số đối tượng. Đối với nạn nhân chất độc da cam, sai phạm phổ biến là không đi bệnh viện cũng có bệnh án. Theo báo cáo của các tỉnh, đã thanh tra 1.400 cuộc, thu hàng nghìn tỷ đồng chi không đúng đối tượng. Qua thanh tra ngành lao động cũng thu hồi gần 600 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.