Thành Tuy Hạ còn đâu

Thành Tuy Hạ còn đâu
TP - Khi Pháp chiếm Việt Nam, dường như họ cũng muốn học hỏi kỹ năng xây thành của người Việt nên đã xây lên thành Tuy Hạ, nhưng giờ đây dấu vết thành cũ chẳng còn là bao.

> Xới lại chuyện nỏ thần và danh tướng Cao Lỗ
> Ngày sân khấu Việt Nam: Rằng vui thì thật là vui...

Ký ức một tòa thành bằng bom

Thành Tuy Hạ nằm sát sông Đồng Nai, con sông lớn. Đất đai tươi tốt với những đồn điền cao su.

Cô Lan, một người dân xã Phú Thạnh, đã ngoài 70 tuổi nói: “Pháp tổ chức xây thành rất lớn. Bên trong thành lại có những tòa nhà rất cao, vừa ở vừa làm nơi quan sát được tất cả các hướng”.

Trong thành chúng cũng xây cột cờ to. Theo một tài liệu thì cột cờ này xây năm 1929. Quân Pháp đóng trong thành rất đông, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Sau này người ta mới biết đây chính là một trong những kho vũ khí lớn của quân đội Pháp ở Việt Nam. Suốt từ những năm đó đến năm 1954, Pháp luôn đồn trú trong thành Tuy Hạ, cho đến tận ngày rút quân về nước theo hiệp định.

Chế độ cũ chính quyền miền Nam tiếp thu thành này và đặt tên là “Căn cứ Phan Bội Châu”, tiếp tục biến thành Tuy Hạ làm nơi cất giữ vũ khí quan trọng. Huyền thoại về các loại vũ khí cũng được loan truyền, bởi vậy mà địa danh thành Tuy Hạ còn đến tận giờ.

Cách thành không xa là các khu căn cứ của đặc công rừng Sác, mà mục tiêu của họ chính là thành Tuy Hạ. Vùng rừng sác sình lầy dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Mỹ cho bỏ nhiều bom hủy diệt cây cối và càn quét mà đặc công rừng sác vẫn luôn có mặt quanh thành Tuy Hạ thoắt ẩn thoắt hiện. Ngày nay, cách thành chừng 7 cây số có một biển chỉ đường vào khách sạn, nhưng đi vào không thấy khách sạn (có lẽ chưa được xây dựng hoặc đã chuyển đi nơi khác) mà chỉ thấy di tích địa đạo và khu mộ liệt sĩ tưởng niệm các chiến sĩ.

Mỹ đã xây dựng thành Tuy Hạ với nhiều thiết bị hiện đại và đưa về đây những loại vũ khí hiện đại nhất. Bao bọc quanh thành tới 14 lớp hàng rào kẽm gai tổng hợp với 3 tuyến phòng thủ, lô cốt, hầm hào, chướng ngại vật. 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 trung đội cảnh sát trực tiếp bảo vệ thành với yểm trợ của nhiều đơn vị xung quanh, kể cả sân bay Biên Hòa cạnh đó.

Để kho vũ khí không gây nên nhiều đau thương chết chóc cho người Việt Nam, đêm 11/11/1972, đặc công đã tấn công phá hủy 15 kho bom CBU, 17 kho đạn pháo 105 ly, 10.000 tấn bom đạn trong 33 nhà kho.

Tiếp đó, 1 giờ sáng ngày 13/12/1972 đặc công tiếp tục đột nhập vào thành dùng 32 khối thuốc nổ phá huỷ 80 dãy nhà kho chứa gần 18.057 tấn bom bao gồm 47 gian kho đạn pháo 105 ly, 14 gian kho bom CBU, 14 gian chứa các loại bom đạn khác…

Trận đánh khốc liệt này đã “phá hủy hoàn toàn 60% kho Thành Tuy Hạ, trong đó có 80% khu kho bom bị phá huỷ, 1 tiểu đoàn địch và bầy chó bẹc giê bị thiệt hại nặng”.

Sau khi Mỹ rút đi, việc viện trợ vũ khí cho chế độ miền Nam không tăng lên, cán cân quân sự đã nghiêng về phía Bắc, việc thành Tuy Hạ bị phá vỡ chính là dấu hiệu báo hiệu cuộc tổng tấn công thống nhất đất nước sớm muộn sẽ được thực hiện.

Cô Sáu, một công nhân đồn điền sống gần thành Tuy Hạ nhớ lại: “Bom đạn nổ tung. Nhà dân ở quanh vùng bị nứt tường, vỡ kính hết cả”. Cô Sáu cũng nói: “Binh lính hai bên đều thương vong”.

Cà phê võng Tuy Hạ

Thượng úy Thanh Vũ cho biết thành Tuy Hạ đã bị phá hủy hầu hết
Thượng úy Thanh Vũ cho biết thành Tuy Hạ đã bị phá hủy hầu hết.
 

Giờ đây trở về Tuy Hạ người ta chỉ thấy biển chỉ đường vào khu công nghiệp Tuy Hạ. Nhiều nhà máy, công trình liên doanh mọc lên với những nhà xưởng ngăn nắp. Rừng cao su đổ bóng. Người dân địa phương nói với tôi: “Thành Tuy Hạ hiện do bộ đội quản lý, nên du khách không vào được”.

Thành Tuy Hạ dấu vết chẳng còn là bao. Một đơn vị quân đội án ngữ trong thành. Lính gác trẻ măng, ngồi trên chòi cao nhìn xuống. Thượng úy Vũ trực ban cho biết: “Hầu hết di tích thành Tuy Hạ không còn gì. Vài công trình của Pháp thì đã được sửa chữa làm nơi sinh hoạt cho đơn vị”.

Những tường thành tự nhiên bao bọc xung quanh cây cối um tùm. Trong thành thấy những nhà doanh trại khá bình dị nhưng ngăn nắp. Có lẽ cuộc tấn công vào năm 1972 của đặc công rừng sác gần như xóa sổ thành Tuy Hạ. Khó có gì tồn tại được với sức nổ của cả một kho bom như thế.

Không có một tấm bia hay một dòng giới thiệu về di tích Tuy Hạ. Trên dòng sông Đồng Nai, dòng nước vẫn chảy cùng với các con tàu qua lại. Ký ức về thành Tuy Hạ có lẽ còn lại trong những câu chuyện về trận đánh của đặc công rừng Sác.

Gần thành Tuy Hạ có một khu miếu Đôi, mối đùn lên đến tận nóc miếu, dân chúng đến hương khói rất đông. Một chủ quán gần miếu nói: “Cái miếu xây dựng không biết từ bao giờ và chúng tôi gọi là miếu thờ ông bà. Mối xông lên, người làng xin quẻ để dọn dẹp mà mấy lần không được, nên để vậy thờ phụng”.

Đất đai Tuy Hạ cũng có lúc sốt, giá lên cao. Người ta chia ra từng khoảnh để bán chẳng khác gì đất thành phố. Rồi dần dà đất lúc lên lúc xuống, đô thị chưa thấy đâu song vẫn có hàng chục quán cà phê lớn nhỏ. Đặc biệt trong rừng cao su có tới gần 300 cái lều “cà phê võng” nom như một sư đoàn đang nghỉ ngơi sau trận chiến. Đa số lều bằng vải bạt, chỉ chừng vài chục cái lợp lá. Chắc chắn Tuy Hạ là nơi có nhiều quán cà phê võng vải bạt nhất trên đất nước Việt Nam.

Tôi hỏi các chủ quán cà phê: “Khách đâu mà mở quán nhiều như vậy?”. Một chủ quán có chồng làm bảo vệ vườn cao su bảo rằng: “Chú không biết sao, người qua lại Tuy Hạ đông lắm. Có khi ngày cuối tuần bán được cả triệu bạc”. Chị được nông trường cao su cho mượn đất mở quán mà không thu tiền đất. Mỗi lều như vậy đầu tư khoảng 4 triệu đồng. Họ chỉ bán đến lúc chập tối rồi về nhà.

Một người chủ quán bảo tôi: “Khách đến thăm thành Tuy Hạ, ai cũng hỏi đường về thành Tuy Hạ. Thành đã bị bom đạn nổ tung hết có còn đâu!”.

5/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG