Nông dân kiệt sức

Nông dân kiệt sức
TP - Nông dân ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang kiệt sức trong tình hình nông sản rớt giá kéo dài, còn giá vật tư sản xuất và các chi phí cho đời sống lại không ngừng tăng.

> Nông dân như nhạc sỹ
> Quanh việc mua 1 triệu tấn gạo cứu nông dân
> Nông dân trồng lúa lãi thấp hơn 30%

Bài 1: Khắc khoải giữa vựa lúa

Hình ảnh những người nông dân trồng lúa mà PV Tiền Phong tiếp xúc thật điển hình cho cái nghèo đeo đẳng của một cuộc sống khắc khoải giữa vựa lúa.

Anh Trần Văn Trí, 28 tuổi, bên 9 tấn lúa mình làm ra mà chưa bán được. ẢNH: HOÀ HỘI
Anh Trần Văn Trí, 28 tuổi, bên 9 tấn lúa mình làm ra mà chưa bán được. ẢNH: HOÀ HỘI.

Nghịch lý nơi nhiều lúa nhất nước

Kiên Giang có diện tích lúa lớn nhất nước ta với 262.000 ha, sản lượng không ngừng tăng trong rất nhiều năm qua. Sản lượng lúa năm 2012 đã đạt 4,28 triệu tấn và năm nay dự kiến 4,4 triệu tấn.

Chúng tôi về huyện Hòn Đất, huyện nhiều lúa nhất tỉnh Kiên Giang với 81.307 ha, sản lượng đạt xấp xỉ 1 triệu tấn năm 2012. Bí thư Huyện ủy Trần Hữu Nghị giới thiệu về xã Nam Thái Sơn, một trong những xã trồng lúa lâu đời nhất, có diện tích lớn nhất: 11.500 ha, sản lượng 70.000 tấn năm 2012. Con đường nhựa chạy thẳng đến trung tâm xã, bên trái là nhà dân nằm thấp sâu dưới mặt đường, hầu hết nhà cấp 4 và tạm bợ; bên phải là cánh đồng lúa chạy dài.

 Tui về đây làm ruộng được hơn 20 năm, có 7 con, đứa học cao nhất là lớp 2. Nhỏ đi mót lúa, lớn lên một chút đi làm thuê làm mướn tứ tán, đi làm ngư phủ. Không thể nào sống được với chỉ 1 ha ruộng như thế này 

ông Trần Văn Danh

Một ngôi nhà ven kinh thuộc ấp Sơn Nam, mái lợp nửa tôn, nửa lá tồi tàn. Chủ nhà là ông Trần Văn Danh, 65 tuổi, da đen, gầy guộc khắc khổ đang mân mê từng hạt lúa phơi trên sân. Ông cho biết, có 1,1 ha lúa vừa thu hoạch nhưng bán trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu và tiêu xài hết rồi. Bao lúa đang phơi là đi mót mấy ngày gom lại. Vợ ông đã đi cấy lúa thuê, mỗi ngày kiếm 100.000 đồng để sinh sống.

“Tui về đây làm ruộng được hơn 20 năm, có 7 con, đứa học cao nhất là lớp 2. Nhỏ đi mót lúa, lớn lên một chút đi làm thuê làm mướn tứ tán, đi làm ngư phủ. Không thể nào sống được với chỉ 1 ha ruộng như thế này”, ông Danh nói.

Tài sản trong nhà có cái ti vi cũ, trên vách treo bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương kháng chiến hạng Nhất của người thân. Chái bếp bên hông nhà lạnh ngắt với một nồi cơm nguội, không thấy có thức ăn gì khác.

Cùng ấp, gia đình bà Đặng Thị Dần có 4 người, ông bà và hai con trai, con lớn học Đại học Cần Thơ, con út học lớp 11. Bà kể, có hơn 1,3 ha ruộng, mỗi năm chỉ lời 13 – 15 triệu đồng, trong khi phải lo cho con lớn học đại học hết 24 triệu đồng. “Ít ruộng nên làm không đủ ăn, hai vợ chồng tôi phải bươn trải làm thuê, làm mướn, đi mót lúa”, bà chép miệng.

Hơn 30 năm làm lúa, gia đình bà Dần sống trong ngôi nhà cột gỗ 24 m2 tạm bợ, ẩm thấp, chỉ đủ kê giường cho con trai, vợ chồng bà ngủ ở chái bếp. Ngôi nhà tình nghĩa bên cạnh rộng 36 m2 dành làm nơi thờ cúng.

Tài sản trong nhà có 1 xe đạp, 1 ti vi, 1 radio. Bà Dần giọng buồn rầu: “Bây giờ già yếu, bệnh tật, hết đi làm thuê làm mướn được rồi. Không biết có lo cho thằng con học tiếp được nữa không. Nhà cửa, ruộng lúa cũng đã thế chấp cho ngân hàng vay 100 triệu đồng 5-6 năm nay, mỗi năm tiền lãi
20 triệu, giờ không biết làm sao mà trả”.

Làm quanh năm không tiền để dành

Vụ lúa hè thu năm nay im lìm, hiu quạnh, nông dân càng khốn khó, vì không bán được lúa. Ông Trần Văn Tâm, 51 tuổi, ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ) thu hoạch 1,3 ha lúa ngày 1/6, năng suất 7 tấn/ha, nay hơn 9 tấn lúa phơi khô để trong nhà, không có người mua. “Có thương lái trả giá 4.200 - 4.300 đồng/kg, nhưng lớt quớt rồi đi mà không mua, cả trăm hộ trong ấp đều chưa bán được lúa”, ông Tâm nói.

Ông Trần Văn Danh hơn 20 năm trồng lúa, ngồi trước ngôi nhà tồi tàn. ẢNH: HỒNG LĨNH
Ông Trần Văn Danh hơn 20 năm trồng lúa, ngồi trước ngôi nhà tồi tàn. Ảnh: Hồng Lĩnh.

Lúa không bán được, còn nợ tiền phân bón hơn 16 triệu đồng, ông Tâm lo không biết cửa hàng vật tư nông nghiệp còn bán chịu cho ông tiếp tục vụ tới hay không. Ông kể, gắn bó với cây lúa từ trước năm 1975, những năm trước làm lúa sống được, suốt ra là có thương lái tới mua lúa tươi tại ruộng, nhưng ba năm trở lại đây, lúa khó tiêu thụ, luôn bị ép giá.

Nhà nghèo nên 2 con của ông bà Tâm phải nghỉ học từ sớm. Trong căn nhà tồi tàn, mái tôn, vách lá, người con lớn của ông Tâm là anh Trần Văn Trí, 28 tuổi, tâm sự: “Làm quanh năm mà chưa để dành được đồng nào nên chưa có tiền cưới vợ”.

Ông Nguyễn Văn Bi, 58 tuổi, ở ấp Bình An, phường Phước Thới (Ô Môn, Cần Thơ) thu hoạch 1,2 ha lúa ngày 25/5, được hơn 8 tấn cũng chưa bán được. “Mong có người mua là tôi bán để trả nợ tiền phân bón, tiền thuê người gặt lúa, nhưng chờ đỏ mắt không thấy”, ông Bi mệt mỏi nói.

Cây lúa gắn bó từ đời ông bà đến đời vợ chồng ông Bi, nay 6 người con của ông bà vẫn nghèo. Học hành được ít chữ, 3 người con lớn đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, 2 con gái làm công nhân thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc, lương tháng mỗi người hơn 2 triệu đồng, còn con trai út ở nhà làm ruộng.

Ông Bi kể, trước đây làm lúa chi phí thấp, ít sâu bệnh, mỗi héc-ta lời gần 20 triệu đồng nhưng giờ làm chỉ cầu đủ ăn. Vợ ông Bi là bà Trần Thị Tương buồn bã: “Cả nhà tôi quanh năm vất vả ngoài đồng, khát nước không dám uống, vậy mà làm ra hạt lúa lại không bán được, giờ không biết tính sao”.

Tự hào nói để báo cáo

Nông dân làm lúa ngoài nỗi khổ sở triền miên về giá cả, còn thường xuyên đối mặt thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh. Ông Vũ Hoàng Hiến ở ấp Sơn Tân, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang) kể: “Tôi có 4 ha ruộng, đến kỳ thu hoạch đang bị chuột cắn nát khoảng 80%. Lũ chuột ngày càng đông khi ruộng xung quanh đã thu hoạch hết. Không chỉ mình tôi, cả vùng lúa này đang bị chuột tấn công dữ dội”.

 Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt của Bộ NN&PTNT, diện tích canh tác lúa ở ĐBSCL bình quân 1,08 ha/hộ, rất ít hộ có diện tích vài chục héc-ta. Ngân hàng Thế giới cho rằng, vai trò của lúa gạo như là động lực phát triển nông thôn và giảm nghèo đã giảm, do chi phí đầu vào vượt quá mức tăng danh nghĩa của giá lúa. “Dù dư thừa lương thực nhưng ĐBSCL còn 18,7% trẻ em suy dinh dưỡng là “mức cao không chấp nhận được” 

Theo báo cáo nhanh của Phòng NN&PTNT huyện Hòn Đất: Chuột đang gây hại ở nhiều nơi trên địa bàn huyện, làm năng suất giảm 50-70%. Cá biệt có gần 20 ha tại các xã Nam Thái Sơn, Bình Giang, Mỹ Phước gần như mất trắng.

Giữa những khó khăn vây bủa, ông Phạm Văn Yên, cán bộ của Tổ Kinh tế - Kỹ thuật xã Nam Thái Sơn bày tỏ: “Làm lúa bây giờ, chúng tôi thấy phải có từ 10 ha trở lên mới hy vọng có của ăn của để. Cỡ 3-5 ha thì bình bình may đủ ăn, còn 1 ha là nghèo, không làm được trò trống gì”.

Bà Đặng Thị Thắm ở ấp Sơn Thái, xã Nam Thái Sơn, lại nói vợ chồng bà có 2 con, với 6 ha lúa “nhưng cũng sống chật vật, nợ nần tùm lum”. Tính toán của bà Thắm, giá phân bón, thuốc trừ sâu, công cán chiếm hết 3.000 đồng/kg lúa. Bây giờ giá lúa còn 3.800 đồng/kg thì dân còn lời cái số lẻ. Cái gì cũng tăng giá mà lúa thì giảm giá, 6 ha mỗi năm chỉ lời được chừng 50 triệu đồng, lo cho hai đứa con ăn học (một học đại học, một lớp 10) đã hết 40 triệu đồng rồi.

Bà ngán ngẩm: “Còn 10 triệu đồng chúng tôi phải ăn uống, chi tiêu như thế nào trong 12 tháng. Rồi còn ma chay, cưới hỏi, khách khứa, ốm đau... Vay tiền ngân hàng mấy năm nay chưa trả hết nợ. Gà vịt nuôi đầy ra đấy, nhưng chuẩn bị bán thì lăn đùng ra chết do dịch bệnh”.

Người giàu nhờ lúa không nhiều, nói theo ông Phạm Văn Yên, vì nông dân có 10 ha lúa trở lên không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay. Việt Nam tự hào vì sản xuất, xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới. Tỉnh Kiên Giang tự hào vì đứng đầu toàn quốc về diện tích, sản lượng lúa. Huyện Hòn Đất tự hào vì đứng đầu tỉnh Kiên Giang về lúa và xã Nam Thái Sơn cũng tự hào vì nhất huyện Hòn Đất. Ông Yên nhận xét: “Niềm tự hào chỉ có ý nghĩa trong … báo cáo”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.