Hát cho chồng nghe qua Icom

Hát cho chồng nghe qua Icom
TP - Cha, chồng, con là những lao động chính bám biển Trường Sa. Trên bờ, những người thân của hàng vạn ngư dân này đang là điểm tựa, là hậu phương vững chắc.
Vợ chồng hợp sức cả trên bờ lẫn dưới biển. ảNH: VIệT HƯƠNG
Vợ chồng hợp sức cả trên bờ lẫn dưới biển. Ảnh: VIỆT HƯƠNG.

Mỗi lần ông ấy lên tàu là đám con lại nhao nhác chuyện đi biển. Trong đầu chúng chỉ có cá, cá và cá…”, bà Nguyễn Thị Nụ (54 tuổi, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định), tâm sự. Bà Nụ một mình trên bờ chăm bẵm 4 đứa con đều lần lượt tốt nghiệp THPT và lại theo chồng là ông Trần Văn Mỹ ra Trường Sa. Bà Nụ nói, các con đều học được, nhưng nhất quyết theo nghề biển.

Cụ Trần Thị Bé (78 tuổi ở Hoài Nhơn), nói: “Tui có 5 đứa con, đều có gia đình riêng. Giờ cả 5 gia đình của chúng chia nhau xuống biển đánh cá. Tui không biết chữ, nhưng con cháu tui đều học hành đàng hoàng, chúng vẫn muốn chọn nghề đi biển”.

Khi cha, chồng, con là những người trường kỳ bám biển mưu sinh, những người thân còn lại trên bờ luôn là động lực chính, là hậu phương vững chắc. Kình ngư Huỳnh Văn Mỹ (43 tuổi, ở xã Mỹ An, Phù Mỹ) chia sẻ: “Tui khai thác ngư trường Trường Sa khoảng 20 năm rồi, thời gian ở đất liền có khi ít hơn thời gian ăn, ngủ trên biển. Vậy mà chưa một lần tui phải lo toan việc nhà trên bờ. Tất cả là nhờ vợ”.

Trước biển, người đàn ông luôn tỏ ra can trường. Tuy nhiên, nỗi nhớ người thân, nhớ vợ trẻ, nhớ con trai mới lọt lòng thường là những nỗi niềm khó nói của người đi biển. Thay vì âm thầm chịu đựng như trước kia, những người vợ trẻ của ngư dân bây giờ có nhiều cách thể hiện tình yêu với chồng.

 Mình cũng là phụ nữ, nhưng công nhận người phụ nữ của những ngư dân bám biển luôn rất đặc biệt. Ngoài chức phận của người phụ nữ bình thường, họ còn có sự can trường trong suy nghĩ, tình cảm để cùng chồng bám biển.

Mai Kim Thi-
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định

“Mình cũng nhớ chồng lắm, ảnh ở biền biệt trên biển cả tháng trời mới về. Đêm hôm ở nhà mòn mỏi, mình cũng sắm cái máy Icom, mỗi khi chồng rảnh rỗi gọi về nhà, mình lại hát cho ảnh nghe, ảnh thích lắm. Chỉ nhận một lời cảm ơn thôi cũng đủ để vui cả ngày rồi”, – chị Nguyễn Hải Lý, 23 tuổi, vợ ngư dân ở xã Cát Minh (Phù Cát, Bình Định), kể.

Qua điện đàm hằng đêm là câu chuyện nuôi dạy con cái, đối nội, đối ngoại thay chồng. Bà Nguyễn Thị Lèo, vợ của lão kình ngư Nguyễn Bính (phường 6, Tuy Hòa Phú Yên), nói: “Tôi lấy ông ấy khi ổng đã là một ngư dân của Trường Sa. Sống với nhau hơn 40 năm nay, ổng vẫn ăn, ngủ trên biển nhiều hơn ở nhà. Ổng nói, nếu bỏ biển coi như sống mà không có hồn, thế nên tui gần cả đời quen ngóng chồng ngoài cửa biển, quen cập nhật thời tiết, định vị ngư trường…”.

Kình ngư Nguyễn Bính 45 năm đạp sóng giữa Trường Sa, đã 3 lần gặp tai nạn biển cả. Mất tài sản, mất thuyền hàng tỉ đồng cả đời gom góp, từ chủ thuyền trở về tay trắng, nhưng rồi lại làm thuê cho tàu bạn bè để được bám biển. Nay đã 65 tuổi nhưng một mực không rời biển. Ông Bính lý giải: “Làm được điều đó tất cả là nhờ vào hậu phương của mình trên bờ, đó là vợ con”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG