Thuốc cực 'lạ' trúng thầu giá cao vào bệnh viện

Thuốc cực 'lạ' trúng thầu giá cao vào bệnh viện
TPO - Không chỉ thuốc có hàm lượng “lạ” thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều loại thuốc trong và ngoài nước có hàm lượng… cực “lạ” trúng thầu vào các bệnh viện với giá khá cao.

Thuốc cực 'lạ' trúng thầu giá cao vào bệnh viện

> Lo thuốc kém chất lượng
> Lo thuốc ‘bèo’ vào bệnh viện!

TPO - Không chỉ thuốc có hàm lượng “lạ” thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều loại thuốc trong và ngoài nước có hàm lượng… cực “lạ” trúng thầu vào các bệnh viện với giá khá cao.

Người bệnh đang cần những loại thuốc điều trị chất lượng. ảnh L.N
Người bệnh đang cần những loại thuốc điều trị chất lượng. ảnh L.N.

Quá… “lạ”

Ngoài một vài loại thuốc kháng sinh có hàm lượng “không phổ biến” của Công ty cổ phần tập đoàn Merap Việt Nam trúng thầu vào bệnh viện mà Tiền Phong ngày 4/7đã có bài phản ánh, tìm hiểu của chúng tôi mới đây còn cho thấy thuốc hàm lượng “lạ” xuất hiện tràn lan. Nhiều loại thậm chí không có trong kinh điển y văn đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện trong năm 2013.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong trong hai năm trở lại đây, chỉ riêng nhóm kháng sinh có hàm lượng “lạ” đã xuất hiện hơn 40 loại vào Việt Nam. Trong khi đó, mặt hàng tim mạch và tiêu hóa cũng có hơn 35 loại có hàm lượng… không phổ biến. Mặc dù hoạt chất Amoxicillin + Acid clavulanic trong theo kinh điển y văn chỉ có hàm lượng loại 250mg/125mg cho thuốc viên và thuốc gói là 250mg/31ml nhưng loại thuốc Jenimax 250 do một công ty của Hàn Quốc sản xuất, được nhập vào Việt Nam và trúng thầu trong năm 2013, lại có hàm lượng 250mg+50mg. Trong khi đó, loại thuốc đóng chai có tên Cledomox của một công ty Ấn Độ sản xuất có hàm lượng khá “lạ”: 228,5mg/30ml.

Nhiều loại thuốc có hàm lượng vô cùng “lạ” cũng xuất hiện trong thời gian gần đây. Có loại thuốc phối hợp thậm chí hàm lượng không có trong y văn. Loại thuốc điều trị viêm phế quản Broncocef, hàm lượng 250mg/4mg do công ty M. ở TPHCM sản xuất, thì hàm lượng phối hợp này không có trong y văn. Lạ hơn là loại thuốc Pilcell, được cho là điều trị viêm gan B mạn tính, cũng do công ty P. của Việt Nam sản xuất có hàm lượng không giống ai. “Trong khi các hàm lượng kinh điển theo y văn là viên 25mg thì thuốc này có hàm lượng chỉ…3mg”- một dược sĩ cho biết. Có hàm lượng “lạ” nhất là thuốc nhóm hoạt chất Paracetamol.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại thuốc Colocol extra do Công ty dược S.K. của Việt Nam sản xuất có hàm lượng “lạ”: 561,5mg trong khi theo y văn loại thuốc viên nén chỉ có hàm lượng 160; 325 và 500mg. Tương tự, loại thuốc Dopropy do Công ty Đ. N. của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 1,2g trong khi dược thư chỉ ghi nhận hoạt chất này có hàm lượng chỉ 400mg và 800mg.

“Lạ” vì nhu cầu điều trị?

“Xuất phát từ nhu cầu tăng liều nên công ty mới sản xuất ra hàm lượng “không phổ biến” mà báo chí gọi là “lạ” trong thời gian qua”- ông Phan Thanh Bình- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Merap VN cho biết khi trao đổi với Tiền Phong: “Tất nhiên nhu cầu tăng liều không phải là tất cả các loại bệnh mà có một số bệnh nhân cần tăng liều”. Ông Bình nói việc xin cấp phép từ Cục Quản lý dược về thuốc có hàm lượng không phổ biến này cũng không dễ dàng, bởi cần nhiều tiêu chí để chứng minh hiệu quả điều trị và phải có căn cứ khoa học.

Bà Phan Thị Thanh Thúy- Giám đốc sản phẩm của Merap, cũng cho biết: “Khi tìm hiểu ở một số bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho thấy thuốc Cefalexin 80mg liều dùng trên 1kg cân nặng nhưng có nhiều trường hợp phải tăng liều lên gấp đôi. Vì vậy việc ra đời thuốc hàm lượng “lạ” là cần thiết”.

Đại diện của công ty cũng cho biết “sản xuất thuốc có hàm lượng “lạ” không phải để “lách” trong việc đấu thầu theo thông tư 01 của Bộ Y tế vì thuốc này xin số đăng ký từ năm 2011 trong khi đấu thầu theo quy chế mới có hiệu lực từ tháng 6/2012”.

Trước câu hỏi của phóng viên về giá các loại thuốc có hàm lượng “lạ” quá cao so với các thuốc có cùng hoạt chất và nguồn gốc Việt Nam, ông Bình cho rằng “do nguyên liệu của mình nhập từ Châu Âu”. Nhiều đơn vị sản xuất thuốc có hàm lượng “lạ” và thậm chí không có trong dược thư, khi phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi đều từ chối trả lời vì lý do… nhạy cảm.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS-TS Trương Văn Tuấn- Chủ tịch Hội dược sĩ bệnh viện TPHCM cho biết: “Có thể đang xuất hiện xu hướng nâng hàm lượng thuốc lên để đáp ứng với nhu cầu bệnh tật hiện nay”.

Tuy nhiên, PGS Trương Văn Tuấn cũng cho rằng, việc tăng hàm lượng là từ đề nghị của nhà sản xuất. “Nếu nhà quản lý không cho phép thì nhà sản xuất khó mà tăng hàm lượng “lạ””- ông nói, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng cần thẩm định về chất lượng điều trị của thuốc này cũng như xem xét về giá cả vì đa số thuốc có hàm lượng lạ trúng thầu vào bệnh viện có giá khá cao. “Nếu bác sĩ không chấp nhận điều trị thuốc có hàm lượng “lạ” thì nhà sản xuất cũng không sản xuất làm gì”- PGS Tuấn nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia dược học nghi nghờ việc đưa hàm lượng bất thường vào thuốc có hay không là chiêu để độc quyền về giá do không có thuốc tương đương để so sánh?. Một dược sĩ xin giấu tên, từng làm việc ở Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho biết ngành chức năng và bệnh viện cần phải có nghiên cứu, theo dõi cẩn thận tác dụng điều trị của thuốc có hàm lượng “lạ” này để đánh giá hiệu quả điều trị. “Nếu hiệu quả điều trị không tốt, chắc chắn sản xuất tràn lan thuốc hàm lượng lạ là để lách giá”- ông đề nghị.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong trong hai năm trở lại đây, chỉ riêng nhóm kháng sinh có hàm lượng “lạ” đã xuất hiện hơn 40 loại vào Việt Nam. Trong khi đó, mặt hàng tim mạch và tiêu hóa cũng có hơn 35 loại có hàm lượng… không phổ biến.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 9/7, một cán bộ thuộc Cục Quản lý dược cho tất cả các loại thuốc khi cấp phép đều tuân thủ đúng quy trình. Đối với các thuốc có hàm lượng “lạ” sẽ có các chuyên gia về dược lý xem xét, sau đó trình hội đồng để xem xét về mức độ an toàn, hiệu quả và chất lượng mới cấp số đăng ký. “Việc cấp phép rất chặt chẽ tuy nhiên hiện có vấn đề là giá có hợp lý hay không thôi”- cán bộ này nói.

 

Lê Nguyễn

Theo Viết
MỚI - NÓNG