Phải kiểm sát các cơ quan Chống tham nhũng

Phải kiểm sát các cơ quan Chống tham nhũng
TP - Trao đổi với Tiền Phong về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), ông Đỗ Văn Đương cho rằng, do thiếu cơ chế kiểm sát việc xử lý kỷ luật, hành chính nên có thể dẫn đến tình trạng nội bộ hóa, hành chính hóa quan hệ pháp luật hình sự.

> Chuyển cơ quan điều tra 35 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng
> Phòng chống tham nhũng: Quản các đoàn thanh tra, kiểm toán

Đất đai và các công trình xây dựng được xem là lĩnh vực nhạy cảm. ảnh: Hồng Vĩnh
Đất đai và các công trình xây dựng được xem là lĩnh vực nhạy cảm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chủ yếu phát hiện tham nhũng vặt

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy tham nhũng vẫn phức tạp và nghiêm trọng, quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, ông nghĩ sao?

Thực tế cho thấy, tình hình tham nhũng ở nước ta có xu hướng nghiêm trọng cả về quy mô, tính chất tổ chức, lợi ích nhóm và hậu quả thiệt hại cho tài sản của Nhà nước và nhân dân là rất lớn. Thế nhưng, các cơ quan hành chính Nhà nước như bộ, ngành, địa phương hầu như không tự phát hiện được vụ án tham nhũng lớn nào.

Hiện chủ yếu phát hiện được tham nhũng vặt, có tính chất cá nhân riêng lẻ, như cán bộ xã, phường, cán bộ tư pháp tham ô vài triệu đồng. Những vụ án nhỏ này chiếm 70%. Còn số vụ án liên quan đến cán bộ cấp tỉnh trở lên là rất ít được phát hiện và xử lý. Trong khi, tham nhũng hiện nay xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của DN, cơ quan hành chính; đất đai, ngân hàng, cấp phép dự án…

Trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, dư luận phản ánh cũng có việc mua bán. Mua bán chức quyền, mua bán viên chức, công chức, đề bạt, cất nhắc. Tùy theo vị trí mà có thể vài chục triệu, trăm triệu, thậm chí đến hàng tỷ đồng như dư luận phản ánh là có thật hay không, chưa thấy nơi nào làm rõ là điều rất lạ. Tâm lý hiện nay là không muốn nói ra bởi ngại đụng chạm. Nhưng nếu biết bệnh như vậy mà không thừa nhận và thiếu cách thức xử lý thì rất nguy.

Vậy muốn chống được tham nhũng phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

 Phải có cơ chế kiểm sát kết quả kiểm toán và thanh tra như với cơ quan điều tra. Muốn vậy, cần bổ sung trong Hiến pháp vai trò của Viện Kiểm sát, ngoài kiểm sát tư pháp còn kiểm sát cả việc xử lý vi phạm hành chính 

Ông Đỗ Văn Đương

Muốn chống được tham nhũng thì thể chế phải minh bạch, không để tình trạng ông nào quản lý cái gì là xơi cái đấy. Ông quản lý cán bộ thì “xơi” cán bộ, quản lý đất đai thì “xơi” đất đai, quản lý vốn tài sản thì cũng nhập nhằng như thế...Thế thì tiền của nhân dân bao nhiêu cho đủ trong khi người dân một nắng hai sương làm ra đồng tiền để đóng thuế. Tại sao một bộ phận không nhỏ người cứ đục khoét nguồn lực quốc gia.

Trong công tác PCTN hiện nay, nhiều người chỉ đạo nhưng người trực tiếp làm thì thiếu. Giống như trong phim Tây Du Ký, Phật Tổ Như Lai có rồi, Đường Tăng có rồi, giờ cần phải có Tôn Ngộ Không thì mới bắt được yêu quái trong động.

Ngoài ra, phải xem lại cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi cơ quan xảy ra tham nhũng là không sai. Nhưng nếu bản thân người đứng đầu tự phát hiện và lôi nhiều tham nhũng ra thì chính người đó lại bị xem xét kỷ luật do lãnh đạo, quản lý kém. Tâm lý chung là không ai tự phát hiện tham nhũng, tự bôi nhọ lên mặt mình. Nếu bản thân người đứng đầu tham nhũng thì không bao giờ tự phát hiện mà họ còn tìm cách che giấu tội. Do vậy, cơ chế bên trong tự phát hiện tham nhũng hiệu quả thấp. Chỉ còn cách lấp những kẽ hở không cho cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực bằng cơ chế, chính sách thật minh bạch, rõ ràng.

 Ông Đỗ Văn Đương
Ông Đỗ Văn Đương .

Chống ngay trong lực lượng chống tham nhũng

Còn cơ chế phòng chống từ bên ngoài thì sao, thưa ông?

Bên ngoài, phải tăng hiệu quả thanh tra, kiểm toán, điều tra. Điều quan trọng là phải nâng cao vị thế độc lập của các cơ quan này. Hiện nay có tình trạng phát hiện vi phạm nhiều, kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhưng đa số là xử lý hành chính, kỷ luật. Như vậy có bỏ lọt tội phạm hay không? Tôi biết có vụ việc nghiệm thu khống, quyết toán rồi, khi kiểm toán phát hiện ra thì nộp lại tiền. Nếu cho rằng đã nộp lại tiền nên không xử lý hình sự là hoàn toàn sai. Không thể ăn trộm rồi trả lại tiền thì không xử lý hình sự nữa. Bởi đây là trừng trị hành vi nguy hiểm cho xã hội, còn khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt. Tôi sẽ theo dõi 5 vụ việc Kiểm toán Nhà nước đề nghị khởi tố hình sự và chất vấn cụ thể.

 Trong công tác PCTN hiện nay, nhiều người chỉ đạo nhưng người trực tiếp làm thì thiếu. Giống như trong phim Tây Du Ký, Phật Tổ Như Lai có rồi, Đường Tăng có rồi, giờ cần phải có Tôn Ngộ Không thì mới bắt được yêu quái trong động.

Ông Đỗ Văn Đương

Rõ ràng hiện đang thiếu cơ chế kiểm sát việc xử lý kỷ luật, hành chính xem có minh bạch hay không? Quy định hiện nay vài trăm nghìn đồng cũng xử lý kỷ luật, hành chính, một tỷ đồng cũng xử lý hành chính. Trong hàng triệu lượt xử lý hành chính, kỷ luật đó liệu có trình trạng nội bộ hóa, hành chính hóa quan hệ pháp luật hình sự không? Do vậy, tới đây phải có cơ chế giám sát lại, kiểm sát lại kết quả phát hiện và kết luận thanh tra, kiểm toán. Phải chế ước ngay những cơ quan này. Thực ra đây là cơ chế kiểm soát quyền lực. Anh có quyền phát hiện thì phải có cơ quan giám sát xem anh phát hiện có đúng hay không hay là anh lại “cánh hẩu” với đối tượng bị thanh tra, kiểm toán.

Ông có thể nói cụ thể hơn về đề xuất kiểm sát lại đối với việc xử lý kỷ luật, hành chính?

Tôi cho rằng cứ xử lý hành chính từ 2 triệu đồng trở lên thì phải chuyển qua một cơ quan độc lập xem xét. Hiện nay, mỗi năm xử lý hàng triệu vụ vi phạm hành chính với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Nếu chúng ta làm tốt khâu kiểm sát thì ít nhất cũng phát hiện thêm cả trăm vụ tham nhũng vặt. Từ hàng trăm vụ này sẽ ra nhiều vụ tham nhũng lớn chứ không phải “lèo tèo” mấy vụ như
hiện nay.

Hiện nay không ai giám sát cả nếu cơ quan kiểm toán chậm công bố hoặc công bố không đầy đủ kết luận kiểm toán. Cơ quan điều tra một vụ đánh bạc, trộm cắp vài triệu đồng là có Viện Kiểm sát giám sát, rồi tòa án xét xử. Trong khi đó, những vi phạm lớn về kinh tế tới hàng tỷ đồng chỉ có mỗi mình ông thanh tra, kiểm toán vào cuộc kết luận và sau đó là xử lý hành chính. Nếu bỏ sót cơ chế kiểm sát này thì chính là cơ hội để bọn tham nhũng giấu giếm hành vi phạm tội, tiếp tục lộng hành. Ở nhiều nước, muốn chống tham nhũng tốt thì cần chống ngay trong lực lượng chống tham nhũng trước. Bởi giao quyền chống tham nhũng rất lớn những phải có dây cương, vòng kim cô để kiểm soát.

Nhiều án treo quá!

Thưa ông, tại sao những vụ án tham nhũng lớn thường kéo dài, gây hoài nghi trong nhân dân về quyết tâm xử lý?

Tôi cho nguyên nhân pháp luật chỉ là vấn đề nhỏ. Pháp luật đã quy định rất rõ nhóm tội về tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đều có. Thời hạn điều ra cũng quy định rõ trong Luật Tố tụng hình sự. Vụ án phức tạp đến mấy cũng phải có thời hạn nhất định. Do vậy, vấn đề chính là có quyết liệt điều tra hay cứ khởi tố rồi để đấy. Phải chăng là để cho dư luận nguôi đi rồi sau này xử lý nhẹ không? Tôi cho rằng, vụ án nào cũng vậy, nếu quyết liệt thì chỉ làm một vài tháng là xong.

Hiện nay cứ lấy lý do công tác giám định thì cũng phải xem lại. Cứ cho là không có năng lực giám định, chi phí giám định lớn hơn số tiền gây thiệt hại thì phải cân nhắc. Đường lối tố tụng của chúng ta không phải là đi đốt một lít dầu để tìm que diêm. Có những vụ việc có nhất thiết phải giám định hay không? Chứng minh thiệt hại do tham ô không nhất thiết cứ phải giám định. Những vụ rõ ràng phải quyết liệt khởi tố và kết thúc điều tra sớm.

Dư luận cũng băn khoăn tại sao án kinh tế, chức vụ và tham nhũng thường xử án treo nhiều?

Trong xử lý hiện nay, có tội danh lúc đầu rất nghiêm trọng, hậu quả rất lớn, nhưng sau quá trình điều tra xong thì trở thành vụ án nhẹ vì cho rằng dấu hiệu pháp lý không rõ. Tất nhiên, có nguyên nhân này, nhưng đấy không phải là nguyên nhân chính dẫn đến vụ án teo tóp đi, chuyển tội danh sang cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm. Phải chứng minh đến cùng xem có vụ lợi hay không để xử lý tham nhũng.

Ngoài ra, đến khâu xét xử thì án treo quá nhiều. Nếu vận dụng hai tình tiết để xử dưới khung hình phạt, sử dụng tiếp hai tình tiết giảm nhẹ nữa để xử án treo đối với án kinh tế, chức vụ tham nhũng gây thiệt hại cả tỷ đồng thì rất đáng quan ngại. Có địa phương 70%- 80% án kinh tế, chức vụ là án treo. Điều này là hoàn toàn không được. Tôi cho rằng phải định lượng rõ, ví như nếu tham nhũng từ 50 triệu đồng trở lên thì dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ đến mấy dứt khoát không cho hưởng án treo. Như vậy sẽ ít nhất giảm được 20% vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng cho hưởng án treo.

Cảm ơn ông!

Hà Nhân
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG