Phản đối bến xe tạm 74 tỷ đồng

Phản đối bến xe tạm 74 tỷ đồng
TP - Cuộc họp ngày 25/7 do Sở GTVT Hà Nội tổ chức thể hiện sự ráo riết chuẩn bị xây bến xe tạm tại ngã ba Pháp Vân- nút giao thông hỗn hợp, phức tạp, là cửa ngõ quan trọng nhất của Thủ đô. Nhưng, các ý kiến phát biểu đều phản đối.

Bến xe trong vòng xuyến, xuyên ra cao tốc

Chỉ sau 18 ngày, kể từ ngày 7/7, khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chấp thuận đề xuất của Sở GTVT xây dựng bến xe tạm tại ngã ba Pháp Vân, ngày 25/7, bản quy hoạch bến xe tạm đã được công bố. Đơn vị thực hiện bản quy hoạch “thần tốc” là Tổng Cty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu của Bộ GTVT. Dù được gọi là bến tạm, nhưng phương án thiết kế được đưa ra là bến xe loại 1, diện tích 2,8 ha, có tổng mức đầu tư 73-74 tỷ đồng. Chưa kể, TEDI còn đề xuất phương án làm thêm đường ngoài phạm vi bến xe để phục vụ xe ra vào bến.

Điểm đáng quan ngại nhất lại chính là vấn đề phát sinh từ phía ngoài bến. Vị trí đặt bến thực chất là đảo giao thông, là vòng xuyến kết nối giữa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3 (cả dưới thấp và trên cao), xung quanh được bao bọc bằng đường giao thông. Theo phương án thiết kế của TEDI, bến xe gồm 3 cửa ra vào ở 3 hướng. Trong đó có một cửa ra mở thẳng ra đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (tuyến đường đang được khai thác tốc độ cao, đã có dự án nâng cấp thành cao tốc). Một cửa khác dành cho xe khách, ô tô con, xe máy ra vào bến hướng thẳng ra ngã 3 giao cắt giữa tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Vành đai 3, một điểm ùn tắc thường xuyên hiện nay.

Tại cuộc họp do Sở GTVT Hà Nội tổ chức sáng 25/7, ông Khuất Việt Hùng - Quyền Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, vị trí này quá nhạy cảm về giao thông; nếu bến tồn tại 7 năm (đến 2020 như đề xuất của Sở GTVT) thì nên chọn vị trí khác vì “thời gian tồn tại của bến dài như vậy không thể gọi ngắn hạn, cấp bách”. Đại diện của Tổng cục Đường bộ cũng nói thẳng: “Mở cổng bến ra đường cao tốc không bao giờ được”.

Từ góc nhìn quy hoạch kiến trúc, đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, Pháp Vân là cửa ngõ quan trọng nhất của Hà Nội, “Khách đến Hà Nội mà chứng kiến ngay cảnh nhếch nhác của bến xe, về cảm quan là không ổn”. Thậm chí, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc còn đề nghị nên chuyển sang vị trí khác.

Không quá tải sao phải xây bến mới?

Ảnh vị trí dự kiến xây dựng bến xe Pháp Vân. Ảnh: sỹ lục
Ảnh vị trí dự kiến xây dựng bến xe Pháp Vân. Ảnh: sỹ lục.
 

Vì sao phải xây dựng bến tạm này là câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Đại diện TEDI khi trình bày dự án cũng không đưa ra bản thuyết trình và nói: “Chúng tôi không có sự lựa chọn, vị trí đã được chỉ định”. Trong cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị xác định vai trò của bến xe Nước Ngầm – Giáp Bát (2 bến xe dự tính vẫn còn thừa năng lực đón khoảng 1.000 xe/ngày), cũng nằm phía Nam, cạnh bến tạm này. Thậm chí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư còn đặt câu hỏi: “Vấn đề bức xúc cho xe khách hiện nay như thế nào phải được làm rõ, để ai hỏi còn có cái mà trả lời”.

GĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, bến xe Pháp Vân chỉ sử dụng để giải tỏa cho các xe từ phía Nam ra thủ đô với lưu lượng 500 xe/ngày và yêu cầu thiết kế ở mức bến xe cấp 3 với kinh phí thấp hơn chứ không phải cấp 1 như đề xuất của TEDI. Ngoài ra, cần trồng thêm cây xanh để đảm bảo mỹ quan.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tổng công suất thiết kế các bến xe khách liên tỉnh của Hà Nội hiện nay được xác định là trên 5.000 lượt xe/ngày. Tổng lượng xe khách đăng ký khai thác khoảng trên 3.600 xe/ngày, thừa hơn 1.000 lượt. Vì vậy, lý do Hà Nội thiếu bến xây bến mới khó thuyết phục. Trao đổi với Tiền phong, ông Bùi Danh Liên-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho biết: “Bến Giáp Bát và Nước Ngầm vẫn còn năng lực khai thác. Tốt nhất là nên chuyển xe về các bến này. Chỉ khi nào các bến này quá tải mới nghĩ đến việc xây bến mới, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay” – ông Liên nói.

Thanh tra TP Hà Nội vừa công bố quyết định thanh tra việc cấp phép mở tuyến cố định bằng ô tô tại bến xe Mỹ Đình và các bến xe khác có liên quan. Thời điểm thanh tra từ ngày 1/1/2008 đến 30/6/2013. Thời gian thanh tra kéo dài 70 ngày kể từ ngày 24/7/2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG