Chất độc trong thực phẩm nhiều do... không có cán bộ!

Chất độc trong thực phẩm nhiều do... không có cán bộ!
TP - Báo cáo của cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cho thấy, nguy cơ trúng độc từ bữa ăn hằng ngày có thể xảy ra bất cứ lúc nào do nhiều loại thực phẩm chính trong bữa cơm gia đình đều có tồn dư chất độc. Nhiều địa phương chưa có lực lượng chuyên trách để kiểm soát vấn đề này.

> Ăn gì cũng 'dính' độc
> Nước uống đường phố Hà Nội nhiễm khuẩn

mâm cơm rập rình hiểm họa

Hàng loạt thực phẩm chính trong bữa cơm của các gia đình Việt như rau, củ quả, thịt chứa hóa chất độc hại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng… là thông tin được nêu tại cuộc họp trực tuyến về vấn đề An toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2/8.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, kết quả đợt 1 về giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y, hóa chất trong thịt mới đây, cơ quan chức năng phát hiện 3/39 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh vật Campylobacter spp gây bệnh viêm dạ dày-ruột (chiếm 7,7%); 2/40 mẫu nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol và 4/40 mẫu nhiễm kháng sinh phổ rộng Furazolidon (chiếm 10%); 4/40 mẫu phát hiện dư chất kháng sinh tetracycline vượt giới hạn tối đa cho phép (chiếm 10%).

Nguy cơ trúng độc khi ăn uống không chỉ xuất hiện với thực phẩm mà cả với các loại rau củ quả. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng BVTV, khi phân loại nguy cơ với 26 loại rau, củ quả tươi sản xuất trong nước, cơ quan chức năng nhận thấy nhóm rau ăn lá (rau ngót, rau muống, cải xanh...) có nguy cơ cao về mất ATTP. Với các loại quả, nho tươi là loại nguy cơ mất ATTP cao nhất, rồi đến dưa lê, chuối và thấp nhất là xoài, cam. Các cơ sở, sản xuất, kinh doanh rau quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ cao hơn miền Trung và miền Nam.

Theo ông Tiệp, 7 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra ở các địa phương, phát hiện 1.126/6.976 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, chiếm trên 16%. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN xếp loại C (không đạt yêu cầu) còn cao, kể cả sau khi tái kiểm tra. Đáng lưu ý, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm kiểm tra lần đầu gần 45% loại C, tái kiểm tra, số xếp loại C vẫn tới hơn 70%.

Trước báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các địa phương phải có trách nhiệm phát hiện sản phẩm, VTNN không phải sản xuất trên địa bàn có vi phạm về ATTP trên địa bàn mình quản lý. Sau đó, cần thiết, Bộ sẽ chỉ đạo kiểm tra trên toàn quốc. Vi phạm phải xử lý nghiêm khắc. “Tôi không đồng tình với việc kiểm tra, lấy mẫu bao phân bón, và xử lý ở cái bao đó. Chúng ta phải truy tận cùng, để bắt cơ sở, doanh nghiệp sản xuất lô gây hại cho người tiêu dùng đó, phải khắc phục, đền bù”, ông Phát nói.

Chất độc nhiều do không có cán bộ!

Bữa cơm nhiều gia đình bị đe dọa do chất độc hại trong thực phẩm. Ảnh: Nam Khánh
Bữa cơm nhiều gia đình bị đe dọa do chất độc hại trong thực phẩm. Ảnh: Nam Khánh.
 

Báo cáo của các địa phương và cơ quan chức năng tại hội nghị cho thấy một điều khá bất ngờ: Là lĩnh vực quan trọng, liên quan đến bữa ăn, sức khỏe của người dân hằng ngày, nhưng nhiều địa phương, đặc biệt ở tuyến quận, huyện, xã gần như “trắng” cán bộ chuyên môn về kiểm soát chất lượng VTNN và ATTP. Ngay ở Thủ đô, ông Ngô Đại Ngọc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, các quận hiện nay gần như không có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực nông nghiệp trong khi có quận (như quận Hai Bà Trưng) tới 4.000-5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản.

Theo ông Ngọc, hiện các huyện ở Hà Nội, nơi trung bình là 800, ít cũng có tới 200-300 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản. Hầu hết các cơ sở hiện nay đều do cấp quận, huyện, xã quản lý, và hiện chỉ 1/4 số quận, huyện đã thực hiện rà soát kiểm tra theo Thông tư 14.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, ông Bùi Như Ý cho biết, toàn tỉnh có trên 2.600 cơ sở sản xuất buôn bán về VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó, cấp xã quản lý hơn 1.000 cơ sở dạng hộ gia đình, nhưng không có giấy phép kinh doanh, việc cấm, thu hồi rất khó khăn. “Cơ quan quản lý vấn đề này chỉ có ở cấp tỉnh, số lượng cán bộ ít, kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi đây là lĩnh vực trọng yếu, hằng năm nguồn đầu tư kinh doanh đến hàng nghìn tỷ đồng. Ở huyện, xã gần như không có cán bộ chuyên sâu, trong khi dân họ mua bán vật tư, nông sản thì ở dưới, chứ mấy ai chạy lên tỉnh mà mua cả”, ông Ý nói.

Đại diện nhiều tỉnh cũng “kêu” thiếu cán bộ. Đại diện Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho hay, qua kiểm tra các mẫu VTNN trên địa bàn, phát hiện gần 50% (73/149) số mẫu không đảm bảo chất lượng. Có tới 57/73 số mẫu vi phạm là thuốc thú y thủy sản không đạt chất lượng như công bố. Vi phạm nhiều, nhưng cán bộ thiếu, thanh tra còn thiếu, yếu nên có nơi còn bỏ ngỏ nhất là với các cơ sở nhỏ lẻ, vùng xa trung tâm trong khi chế tài xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu:

“Việc dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng gạo mốc được báo Tiền Phong nêu trong bài “Hóa chất độc hại phù phép gạo mốc” là vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cục Bảo vệ Thực vật, phối hợp với TPHCM khẩn trương làm rõ những thông tin báo nêu. Gạo là sản phẩm tiêu dùng cả nước, phải làm rõ rồi công bố thông tin, tránh để người dân hoang mang. Tuy nhiên, với thông tin này cũng phải lưu ý, nếu không sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo cả nước”,

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.