Thảm họa trên biển Cần Giờ

Thảm họa trên biển Cần Giờ
TP - Cuối chiều 3/8, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm 8 nạn nhân mất tích sau vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại vịnh Gành Rái (thuộc địa phận huyện Cần Giờ, TPHCM).

> Chìm đò, 3 mẹ con tử nạn: Nỗi đau từ sự chủ quan
> Lật thuyền, 3 mẹ con chết thảm

Khoảng 21 giờ đêm 2/8, trên hành trình từ Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) về Vũng Tàu, ca nô H29-BP chở theo 30 người bị chìm tại tọa độ 10o21’43’’N-106o57’44’’E, cách Cần Giờ, TPHCM khoảng 4 hải lý và cách Vũng Tàu khoảng 10 hải lý.

Vụ tai nạn khiến 30 người (trong đó có cặp vợ chồng chuyên gia người Mỹ) trôi dạt trên biển trong điều kiện gió thổi mạnh, sóng cao.

8 người mất tích

Hà Tiến Sơn, Trần Duy Quốc Hiệu, Đào Mạnh Cường, Hoàng Trung Biên, Can Hoàng Phương Khanh, Nguyễn Thị Kim Hoàng, Phạm Duy Phúc, Nguyễn Bé Đức

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) và TPHCM, Tổng cty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC), Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã điều động hàng chục tàu, canô ra hiện trường để tổ chức cứu nạn, trong đó có tàu chuyên dụng SAR 272 Vungtau MRCC. Đến rạng sáng 3/8, lực lượng chức năng cứu được 21 người, trong đó 14 người được đưa vào Cần Giờ và 7 người được đưa về Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) để điều trị.

Trong số 21 người được cứu sống, có hai chuyên gia người Mỹ của Cty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam. Đến 12 giờ trưa 3/8, lực lượng tìm kiếm tìm thấy thi thể chị Nông Thị Phin (34 tuổi) và đưa về Vũng Tàu. Trưa 3/8, một máy bay trực thăng cũng đã được điều động ra hiện trường tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Toàn bộ nạn nhân đi trên tàu H29-BP đều là nhân viên Cty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PVpipe, trụ sở tại Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Chiều 2/8, họ lên tàu H29-BP để sang Vũng Tàu dự đám cưới vào trưa 3/8 và bị nạn giữa đường.

Nạn nhân vụ chìm tàu đã xuất viện

Anh Hiếu kể về đồng nghiệp của mình đã nhường áo phao để cứu một phụ nữ
Anh Hiếu kể về đồng nghiệp của mình đã nhường áo phao để cứu một phụ nữ.
 

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ, TPHCM cho biết, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Theo bác sĩ Huệ, hầu hết những người này đều bơi được nhưng do thời gian ở dưới nước lâu nên bị mệt mỏi, nhiễm lạnh, trong đó nhiều người đói lả và bị chuột rút.

Anh Nguyễn Văn Dương, thợ máy ca nô H29-BP, ở TP BR- VT kể: “Khi con sóng đánh dạt tàu qua trái, tôi bị rớt xuống biển. Tôi bám được vào thân tàu, kêu mọi người giữ thăng bằng và dồn về phía đuôi tau. Nhưng do sóng đánh quá mạnh, trời tối nên không làm được gì”. Trong số 14 người được cứu vớt đưa vào Bệnh viện Cần Giờ, chị Nguyễn Thị Bình, 38 tuổi, làm tạp vụ Cty PVpipe là phụ nữ duy nhất. Chị Bình nghẹn ngào: “Khi tàu bị đánh úp, tôi rơi xuống biển nhưng may mắn bám vào được thân tàu. Một đồng nghiệp vứt ao phao cho tôi”.

Chị Bình còn may mắn, nhưng anh Trần Duy Quốc Hiệu thì không, khi anh đã nhường sự may mắn này cho một phụ nữ khác. Anh Nguyễn Văn Cường kể lại, khi con tàu đang chìm, anh Hiệu đã mặc áo phao. Nhưng khi nhìn thấy một phụ nữ đang đuối sức bám vào thân tàu, anh Hiệu đã cởi áo phao nhường lại.

“Sóng đánh anh bật ra khỏi thân tàu, anh vẫn cố bơi vào bám lại nhưng sau đó ngạt nước và chết trên tay các đồng nghiệp. Đau đớn hơn, do không còn sức để níu giữ anh Hiệu nên sóng cũng cuốn anh đi”- anh Nguyễn Trung Hiếu, vừa kể vừa khóc.

Trưa 3/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.

Thượng tá Trần Long Bào - Đồn trưởng đồn Biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ, cho biết: “Chúng tôi huy động 8 phương tiện với hơn 60 chiến sĩ, vẫn đang mở rộng tìm kiếm ở các khu vực ở Cần Giờ, Tiền Giang, Vũng Tàu và Bến Tre”.

“Vụ chìm tàu rất nghiêm trọng”- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định trong cuộc họp khẩn chiều qua 3/8, tại UBND TPHCM. Theo ông Thể, cần phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm các đơn vị liên quan, đặc biệt là việc cho tàu xuất bến có đúng quy trình của cảng vụ hay không. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói rất đau buồn khi để xảy ra vụ tai nạn đau lòng này và nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải đường thủy xem đây là bài xương máu.

Liên doanh dầu khí Việt Xô (VSP) tài trợ đóng mới ca nô H29-BP cho Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT. Cty CP Công nghệ Việt - Séc (trụ sở tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu) chế tạo, đóng mới tàu này và bàn giao cho BĐBP tỉnh BR-VT ngày 11/6. Ca nô bằng composit, dài 8,5m, rộng 2,25m, công suất 200CV, có khả năng chở khoảng 10 người. Do máy bị hỏng, ngày 9/7, BĐBP tỉnh BR-VT đã chuyển lại cho Cty CP Công nghệ Việt – Séc sửa chữa, và BĐBP tỉnh chưa nhận lại tàu. Ca nô có sức chứa 10 người nhưng khi tai nạn xảy ra, trên ca nô có 30 người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG