'Thoi thóp' bên Khu công nghiệp

'Thoi thóp' bên Khu công nghiệp
TP - Với hàng chục Khu công nghiệp (KCN) được hình thành khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, người dân tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cơ hội thay đổi đời sống. Nhưng cũng có không ít những hệ lụy về môi trường đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

> Khi nhà máy qua mặt chính quyền?
> Khói bụi bức tử môi trường, 'tra tấn' dân

Ruộng đồng ô nhiễm, nông dân mất việc

Cánh đồng Vũng Gấm ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) có diện tích 52 ha, là diện tích trồng lúa nước cuối cùng của địa phương này khi mà hàng trăm ha đất của người dân đã bị thu hồi làm KCN.

Hàng chục năm qua, nông dân xã Phước An luôn sản xuất hiệu quả, ổn định với cây lúa, ngô, dưa hấu trên cánh đồng Vũng Gấm. Thế nhưng, vụ đông xuân năm nay, nhiều diện tích lúa, ngô của dân đang xanh tốt bỗng nhiên ngả màu xơ xác rồi chết rụi trên đồng. Nơi nào lúa, ngô trổ bông thì cũng chỉ cho hạt lép xẹp.

Ông Nguyễn Văn Giáo có hơn 2 ha lúa trên cánh đồng Vũng Gấm kể: “Ruộng lúa của gia đình lấy nước từ thủy lợi Vũng Gấm đang xanh tốt, nhưng vừa trổ bông thì vàng úa và chết khô. Nhổ cây lên thì gốc bám lớp bùn đen. Tháo nước ruộng ra thì đọng lại lớp cặn vàng, cỏ cũng chết”. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng đang để hoang, ông Giáo cho hay, nếu không có chuyện lúa chết bất thường thì vụ hè thu này người dân đâu để trống ruộng thế này.

Ông Nguyễn Văn Giáo tại cánh đồng Vũng Gấm đang bỏ hoang
Ông Nguyễn Văn Giáo tại cánh đồng Vũng Gấm đang bỏ hoang.

Ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho biết: “Cùng trên cánh đồng Vũng Gấm, phần diện tích lấy nước từ mương thủy lợi Vũng Gấm để tưới thì bị thiệt hại. Nhưng phần diện tích còn lại không lấy nước thủy lợi thì lúa, ngô vẫn phát triển bình thường”. Theo ông Lâm, qua khảo sát của cơ quan chức năng, nước trong hệ thống thủy lợi Vũng Gấm đã bị ô nhiễm do nước thải từ KCN Nhơn Trạch 5 xả vào đây trước khi đổ ra sông Thị Vải.

Ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng ấp Vũng Gấm kể, những hôm trời mưa, nước trong rạch hôi nồng mùi hóa chất. Nhiều nông dân ở An Phước lo ngại, với tình hình này khó mà sản xuất được trên thửa ruộng của mình. Còn làm công nhân, thì không thể khi họ đã 50 – 60 tuổi.

Các thông số môi trường đều không đạt chuẩn

Từ khi hình thành KCN Long Thành với hàng chục nhà máy hoạt động, mỗi ngày xả ra môi trường hàng chục ngàn mét khối nước thải, rạch Bà Chèo- nơi hứng chịu nước thải nhà máy- ngày càng ô nhiễm trầm trọng thì cũng là lúc đời sống người dân trong vùng trở nên khốn khó.

Kêu khắp nơi, nhưng các cơ quan chức năng đều không có cơ sở giải quyết bởi trên lý thuyết thì hệ thống nước thải của nhà máy luôn đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Chỉ đến khi vụ việc bị bắt quả tang, cơ quan chức năng xác định khu vực bị ảnh hưởng do nước thải của Nhà máy xử lý nước thải Sonadezi Long Thành gây ra là 114ha trên tổng số 683ha diện tích rạch Bà Chèo, 169 hộ dân nằm trong phạm vi trên mới được đền bù tổng số tiền gần 12 tỷ đồng.

Nhận được vài chục triệu đồng tiền đền bù, bà Nguyễn Thị Nay ở xã Tam An, huyện Long Thành cho rằng chẳng đáng là bao so với thiệt hại bao năm nay mà gia đình bà gánh chịu. Cả vườn dâu, sầu riêng của bà Nay cây to lớn đã chết rụi dần. 5 đìa nuôi tôm vẫn đang để không. Lấy chiếc sào khuấy xuống nước, bùn sình đen thui nổi lên bốc mùi hôi thối, bà Nay nói: “Nước vậy thì cá tôm nào mà sống cho nổi”.

Nếu như ô nhiễm nguồn nước, người dân còn thấy để mà kêu, còn ô nhiễm không khí tại khu vực các KCN thì không ai nhìn thấy được. Hàng triệu công nhân làm việc trong nhà máy và người dân sống gần các KCN đang bị ảnh hưởng.

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai tại 16 KCN trên địa bàn thì tất cả các thông số môi trường đều không đạt quy chuẩn và có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Theo kết quả quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên- Môi trường Đồng Nai, qua 6 tháng đầu năm, quan trắc tại cống thải nhà máy giấy Tân Mai (TP Biên Hòa) xả ra sông Đồng Nai cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Khu vực bến đò An Hảo gần họng xả nước thải KCN Biên Hòa 1, nguồn nước cũng bị ô nhiễm mức độ xấu. Rạch Bà Chèo khu vực xả thải của KCN Long Thành, nguồn nước bị ô nhiễm, vượt quá quy chuẩn cho phép. Mới nhất, tại rạch Vũng Gấm, sau khi sự việc lúa chết xảy ra do nguồn nước bị ô nhiễm, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Nhơn Trạch đã lấy 5 mẫu nước tại điểm xả thải của KCN Nhơn Trạch 5 để kiểm tra. Kết quả cả 5 mẫu đều vượt quy chuẩn cho phép. Điều lạ là dù khu xử lý nước thải tập trung của KCN Nhơn Trạch 5 cũng có hệ thống quan trắc tự động, khi lúa của người dân rục đầy đồng mà vẫn không có một báo cáo quan trắc nào về sự bất thường của nước xả thải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG