Bốn thuyền viên tố bị hành hạ như nô lệ về nước

Bốn thuyền viên tố bị hành hạ như nô lệ về nước
TPO-Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước(Bộ LĐ-TB&XH)cho biết, 4 thuyền viên tố cáo bị hành hạ như nô lệ và phải trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) ở vùng biển của Pháp, đã về đến Việt Nam.

Bốn thuyền viên tố bị hành hạ như nô lệ về nước

> Cứu thuyền viên nước ngoài đau ruột thừa trên biển
> Cứu thuyền viên người Lào trôi dạt trên biển

TPO-Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước(Bộ LĐ-TB&XH)cho biết, 4 thuyền viên tố cáo bị hành hạ như nô lệ và phải trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) ở vùng biển của Pháp, đã về đến Việt Nam.

Anh Lê Đình Anh, một trong 4 thuyền viên tàu cá Hsieh Ta đã về đến nhà. Ảnh: Nguyễn Đình Quân
Anh Lê Đình Anh, một trong 4 thuyền viên tàu cá Hsieh Ta đã về đến nhà. Ảnh: Nguyễn Đình Quân.

Xác minh

Vị lãnh đạo Cục Quản lý lao động nước ngoài cho Tiền Phong biết, sau khi nhận được thông tin, ngày 10/8, Cục chỉ đạo các công ty phái cử cung ứng thuyền viên tàu cá xa bờ cho Đài Loan xác định danh tính thuyền viên và liên hệ với môi giới, chủ tàu, kịp thời giải quyết vụ việc.

Trong 4 thủy thủ tố cáo bị hành hạ như nô lệ, 2 người thuộc Công ty Cổ phần Xuất khẩu Lao động Thương mại và Du lịch (TTLC) là Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh, đều quê ở Nghệ An. Hai lao động còn lại là Nguyễn Văn Hùng của Công ty TNHH Một thành viên Đào tạo và Cung ứng Nhân lực Quốc tế (Nosco) và Trần Văn Dũng của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp (SERVICO).

Trước vụ việc trên, hôm qua, Cục quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản yêu cầu 3 công ty liên hệ các bên liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các lao động; làm thủ tục đưa người lao động về nước sớm; làm rõ nguyên nhân người lao động bỏ hợp đồng, cũng như điều kiện làm việc và đời sống trên tàu Hsieh Ta.

Theo báo cáo ban đầu của TTLC, gia đình 2 thủy thủ do công ty này đưa đi ngày 20/12/2012, nhận được 4 tháng tiền lương do chủ tàu chuyển.

Tối 12/8, 4 thủy thủ nói trên đã về Việt Nam và được đại diện của doanh nghiệp đón, hỗ trợ chi phí tàu xe về quê.

Theo báo cáo của công ty, qua trao đổi ban đầu với cán bộ công ty ra đón, những thuyền viên này cho biết, muốn trốn ở lại cảng Papeete để tìm việc làm khác. Đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước cho hay, ngoài 4 thuyền viên đó, hiện trên tàu này còn 7 thuyền viên khác người Việt Nam.

Liên quan việc có hay không 4 thuyền viên bị hành hạ như nô lệ, lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, cục này đang tiếp tục kiểm tra xác minh để làm rõ vụ việc và đến ngày 16/8 tới sẽ có thông tin cụ thể.

Đến thời điểm này, lãnh đạo phía các công ty đưa thuyền viên đi vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về các thuyền viện bị chủ tàu hành hạ, đánh đập. Qua điện thoại, lãnh đạo một số công ty hẹn chiều nay (14/8) sẽ làm việc và cung cấp thông tin. Được biết, đế thời điểm này, các thuyền viên đã về đến Nghệ An.

Thông tin trái chiều

Sáng 14/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động thuộc Công ty Servico Hà Nội cho biết, có 3 lao động do Servico đưa đi làm việc trên tàu cá Hsieh Ta. Ngoài thuyền viên Trần Văn Dũng đã về nước, hiện Servico vẫn còn hai thuyền viên làm việc trên tàu cá này.

Các thuyền viên đi Đài Loan ngày 20/12/2012, tính đến nay mới làm việc hơn 8 tháng. Hiện, các thuyền viên đã nhận lương đến hết tháng 6/2013. Mỗi tháng lương của thuyền viên là 400 USD, trừ đi 50 USD tiêu vặt, trung bình mỗi tháng thuyền viên nhận được 350 USD.

“Tôi khẳng định thuyền viên không bị đánh đập. Hiện, trên tàu Hsieh Ta vẫn còn 7 thuyền viên Việt Nam. Sau khi nắm bắt thông tin trên báo chí Việt Nam, chủ tàu Đài Loan cũng hoảng, đã yêu cầu thuyền trưởng tàu Hsieh Ta báo cáo vụ việc. Hiện, chúng tôi đã nhận được văn bản của thuyền trưởng trong đó có chữ ký của 7 thuyền viên Việt Nam đang làm việc trên tàu”, ông Tường cho biết.

Cũng theo ông Tường, việc thuyền viên nói làm việc suốt 2 năm không được vào bờ là không chính xác. Vì các lao động của Servico chỉ mới đi đánh cá trên tàu Đài Loan mới hơn 8 tháng.

Ông Nguyễn Hữu Phong - Phó tổng Giám đốc Công ty TTLC cũng cho PV Tiền Phong biết, hiện hai thuyền viên quê Nghệ An đã về đến nhà. Trong đó, thuyền viên Lê Đình Anh dù quê Nghệ An nhưng lại về thẳng Khánh Hoà.

Ông Phong cũng khẳng định không có chuyện các thuyền viên bị hành hạ hay đánh đập. “Chúng tôi là công ty làm thuyền viên có uy tín. Tôi khẳng định thuyền viên không bị đánh đập hay hành hạ. Chúng tôi sẽ làm việc với báo chí để làm rõ vấn đề này”, ông Phong nói.

Một lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, việc các thuyền viên về được Việt Nam là điều đáng mừng; còn việc họ có bị hành hạ, đánh đập hay không, lãnh đạo Cục sẽ tìm hiểu, xác minh.

“Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thuyền viên Việt Nam”, vị đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước nói.

Phong Cầm

Theo Viết
MỚI - NÓNG