Nghe dân

Nghe dân
TP - “Tôi là người dân tôi nghe đã thấy sợ”, là câu nói ấn tượng trong tuần của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi nhận xét về sự “rắc rối” của dự thảo Luật Hộ tịch vừa được trình trước Quốc hội.

> Nghĩ hết lẽ để người dân nhẹ nhàng hơn
> Năm 2013: Chưa đưa Luật Biểu tình vào chương trình nghị sự

Chủ tịch yêu cầu Ban soạn thảo phải làm rõ, rằng: một người dân có bao nhiêu giấy tờ liên quan đến phạm vi điều chỉnh, sau khi làm rồi thì còn bao nhiêu giấy? Trước đi mấy cửa, giờ chạy mấy cửa? Khi đăng ký kết hôn ở đâu chưa biết, nhưng phải đến xã để đăng ký hộ tịch.

Khi ly hôn phải ra tòa, lại bắt mang giấy đó chạy về xã đăng ký tôi đã bỏ vợ. Bắt dân làm việc đấy, người ta có làm không? Kết quả, đây là lần thứ 2, dự thảo Luật này “bị” Ủy ban Thường vụ Quốc hội “trả về” để tiếp tục hoàn thiện, vì chưa đơn giản hóa được hơn nữa các thủ tục hành chính.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP, quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc giải trình phải trên nguyên tắc công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời.

Và phải bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Khi dân có quyền yêu cầu cán bộ giải trình, cũng chính là điều kiện để dân giám sát hữu hiệu hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Gần đây, có thể thấy hàng loạt quy định “tréo ngoe” của một số bộ ngành, địa phương vừa đưa ra, gặp phản biện và phản ứng của dân, đã nhanh chóng được “rút lại”. Phần nào cho thấy sự tích cực, thiện chí của các cơ quan công quyền biết lắng nghe dân, không duy ý chí như trước.

Những ngày này, đô thị lớn nhất nước là thành phố Hồ Chí Minh đang sôi nổi bàn thảo về phương hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Điều kiện tiên quyết là phải vừa lòng dân. Trước đó, khi ai đó đề nghị làm “thí điểm” chính quyền đô thị, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã thẳng thắn khẳng định “Không được đem dân ra thí điểm” !

Việc kịp thời khen thưởng 3 nữ nhân viên đứng ra tố giác tiêu cực ở bệnh viện Hoài Đức, điều đáng mừng lớn nhất là sự thừa nhận đúng-sai một cách nhanh chóng và quyết đoán của cấp thẩm quyền. Tiếng nói chính đáng của dân đã không bị khuất lấp.

Quyết định mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng, lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp - đã tăng thêm lòng tin của người dân.

Thủ tướng Na Uy vừa cải trang thành tài xế taxi để vi hành nghe dân. Lại vừa có tin đến lượt Thủ tướng Ấn Độ sẽ vào vai một người lái xe tuk-tuk để tiếp xúc với dân chúng? Người dân xứ mình có lẽ chưa cần đến những “pha” quá đặc biệt như vậy. Mà chỉ cần nói có người nghe, có sai có sửa sao cho thấu tình đạt lý, là hài lòng lắm rồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.