Tuổi già và… máy tính bảng

Tuổi già và… máy tính bảng
Có những cụ ông, cụ bà, tuổi đã ngoài 60 bỗng dưng bị “ghiền” máy tính bảng. Vài tháng đầu, các cụ còn “lóng nga lóng ngóng” khi sờ vào màn hình nhưng riết rồi cũng biết tìm những niềm vui của người già trên thiết bị số hiện đại ấy.

“Alô, chỉ giúp ba vào cái gì mà có hình, có phim, có cải lương”, “Alô, sao màn hình bỗng dưng tối thui vậy. Chưa hết, từ sáng đến giờ mẹ không xài được Viber. Chỉ nhanh nhanh lên, hết tiền điện thoại rồi. Mà quên, con nói chậm chậm thôi, làm sao mẹ nhớ kịp”… Những câu hỏi ấy đôi lúc làm cho con cái các cụ bực mình vì đang làm việc mà lại bị quấy rầy. Nhưng nghĩ lại, tuổi già mà, nói trước quên sau, vậy là cười tươi hướng dẫn, phải đánh vần từng chữ cái...

Ông Lý Phong Miên (30A/22, Thích Quảng Đức, P.5, Phú Nhuận, TP.HCM) nay đã 74 tuổi kể. Cách đây ba năm, ông được cậu con trai mua tặng chiếc máy tính bảng iPad 1 với mục đích “đỡ buồn những khi con cháu đi học”. Xài được hai năm, ông cho hai đứa cháu nội chiếc máy tính bảng này vì được một cậu con trai khác tặng chiếc iPad 2 còn nguyên trong hộp. Ông thích lắm.

Từ khi có chiếc máy tính bảng, qua một tháng “huấn luyện”, ông đã nhớ được những ứng dụng cần dùng: YouTube – để coi những thước phim tư liệu, cải lương, ca nhạc, những bài thuyết pháp đạo Phật, còn vào Google để tìm kiếm thông tin về bệnh của người già…

Theo lời ông Miên, một điểm “sướng” của chiếc máy tính bảng này là xem ở đâu cũng được, vừa nằm trên giường vừa nghe thời sự, xem phim, nghe thuyết pháp, vừa ăn vừa nghe tin tức. “Có những lúc, nghe mấy thầy thuyết pháp, ngủ hồi nào không biết”, ông Miên cười.

Khi nào bận chuyện đi xa, chiếc máy tính bảng được chuyển cho bà, cùng tuổi với ông để nghe cải lương. Ông Miên nói rằng, vợ ông thích xem cải lương trên iPad vì vở nào cũng có (xem trên YouTube – PV).

Cũng nhờ thông tin trên chiếc máy tính bảng mà khi gặp bạn già trong xóm, ông Miên thường nói về các chuyên mục sức khoẻ cho người già, bác sĩ gia đình… nhờ ông “xợt” trên Google.

Cuối câu chuyện, ông Miên thở dài: “Ước gì mình còn trẻ. Bây giờ có nhiều cái hay quá. Hồi tui còn trẻ, có được cái “cátsét” đã là ngon lắm”. Cũng cần nói thêm, ông Miên là cựu nhà báo của báo Sài Gòn Mới (trước 1975). Năm 1972, ông ngồi ghế chánh khảo cuộc thi Người đẹp và tài tử, do báo này tổ chức.

Với bà Nguyễn Thị Độ (62 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) tiếp cận với những thiết bị di động thông minh khá sớm. Trước khi dùng chiếc máy tính bảng iPad 4, bà đã sử dụng chiếc điện thoại iPhone 3GS của cô con gái út để dành nghe, gọi và tra tự điển để biết nghĩa của từ và cách phát âm để dạy tiếng Anh cho cháu nội. Song song đó, bà còn sở hữu một chiếc iPhone 4S để dành cho việc nghe nhạc, gọi Skype, Viber và Tango với cậu con trai ở tận bên Mỹ và bạn bè bên Úc.

Cách đây hai tháng, nhân dịp sinh nhật, bà được tặng chiếc iPad 4 mà theo lời kể của bà Độ, sở dĩ có món quà trên khi than phiền màn hình iPhone nhỏ quá, khó đọc chữ và không thấy rõ được mặt con trai khi gọi video call… Trên chiếc máy tính bảng này, bây giờ bà không còn đọc báo giấy nữa mà chuyển qua đọc báo mạng, chat trên Yahoo, Viber với con cái, xem phim, tìm kiếm thông tin trên Google, tham khảo cách nấu ăn ngon, bổ dưỡng cho gia đình và cả... chơi game.

Bà Nguyễn Thị Giám (thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế), trạc tuổi bà Độ cũng là một người cao tuổi biết sử dụng thành thạo máy tính bảng. Điều ngạc nhiên, bà Giám còn có cả địa chỉ trên Facebook với thành viên là con cái và hàng cháu nội ngoại! Ông con trai lớn của bà (đang sống tại TP.HCM) cười: “Mỗi khi con cháu có niềm vui trên facebook, bà cũng nhảy vào “like” không thương tiếc. Bà còn có cả địa chỉ email và xài các ứng dụng khác”.

Theo Gia Vinh
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG