Lợi dụng chủ trương, đua nhau xâu xé

Lợi dụng chủ trương, đua nhau xâu xé
TP - Báo Tiền Phong số ra ngày 22/8/2013 đăng bài “Lò gạch, khoáng sản tàn phá ruộng đồng”. Về vấn đề này lãnh đạo xã Hòa Phú cũng như Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Hòa Vang đều cho rằng, việc các doanh nghiệp (DN) tư nhân mua ruộng của dân, múc đất đem bán là chủ trương của lãnh đạo huyện.

> Lò gạch, khoáng sản tàn phá ruộng đồng
> Những công trình thủy lợi gây hại

Trong khi đó, lãnh đạo huyện lại căn cứ theo một kết luận của Thành ủy Đà Nẵng khi tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lẫn lộn vàng thau

Cả hai điểm khai thác đất ở xã Hòa Phú là thôn Hòa Phước và An Châu đang bị nhiều Cty tư nhân nhảy vào xâu xé, ào ạt múc đất đem bán. Xe ben, xe tải nhỏ chở đất chạy rầm rập suốt ngày ở tỉnh lộ 604. Người dân sống ven đường kêu trời vì nắng bụi, mưa bùn. Đa số những hộ dân sống ven đường đều đã bán đất ruộng. Vì lợi trước mắt, họ nhận được 14 triệu đồng cho đến 40 triệu đồng/héc ta ruộng, nhưng tương lai mất đất sản xuất.

 Ông Nguyễn Thanh Cảnh – Phó GĐ Sở TNMT Đà Nẵng rất ngạc nhiên khi PV đặt vấn đề lộn xộn khai khoáng ở thôn Hòa Phú và cho rằng, nếu đúng như vậy thì trách nhiệm giám sát, kiểm tra đầu tiên phải thuộc chính quyền địa phương. “Chưa thấy địa phương báo cáo gì, chúng tôi sẽ kiểm tra”. 

ông Cảnh nói

Trên giấy tờ, hiện chỉ có Cty TNHH Minh Tân có giấy phép khai khoáng mỏ đất sét ở bàu Tong (thôn An Châu) từ năm 2002 đến nay, DN này đã 2 lần được gia hạn giấy phép khai khoáng, sẽ hết giấy phép vào cuối năm 2014.

Có 2 DN đã được cấp phép thăm dò là Cty Tân Đại Phát (Đại Lộc, Quảng Nam) và Hiệp Đại Hưng (Sơn Trà, Đà Nẵng). Một DN đang trình hồ sơ năng lực xin thủ tục để được cấp giấy phép thăm dò là Cty TNHH Nam Hải Vân (Đà Nẵng). Cả 3 DN này đều xin khai khoáng ở diện tích đất ruộng bàu Tong, thôn An Châu.

Trên thực tế, hiện bàu Tong đang bị nhiều nhà thi công đưa máy móc phương tiện như xe múc, xe ben vào đào bới tan hoang. Những mảnh ruộng hai vụ trước kia nhường cho bức tranh loang lổ những hố, vũng sâu hoắm. Riêng tại thôn Hòa Phước, ngoài những mảnh ruộng đã bị một DN khai phá ở ven tỉnh lộ 604, ruộng ở bàu Lác, phía trên cũng đã được DN này thỏa thuận, mua đứt từ phía dân với giá 17 triệu đồng/héc ta.

Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Văn Vân thừa nhận, một số DN mới có giấy phép thăm dò nhưng đã khai thác, đưa đất đem bán cho các nhà máy gạch ở Quảng Nam và Đà Nẵng là có. Tuy nhiên, ông Vân không tiết lộ đó là DN nào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay khi các DN mới có giấy phép thăm dò hoặc chỉ mới có tờ trình của UBND huyện Hòa Vang về việc lập thủ tục thăm dò như Cty Nam Hải Vân, đại diện các nhà máy gạch tuynen đã đến gặp đại diện công ty đặt vấn đề mua đất. Ngay sau đó, các DN này liên kết với những nhà thầu, đưa phương tiện vào khai thác, chỉ với một tấm “bùa chú” là... giấy phép thăm dò.

Núp bóng “nông thôn mới” để trục lợi

Phòng TNMT huyện Hòa Vang khẳng định: Ngoài DN Minh Tân, hiện không có bất kỳ DN nào khai thác trái phép ở An Châu cũng như Hòa Phước như tư liệu cung cấp của phóng viên. Dù vậy, kết luận xử phạt từ Thanh tra Sở TNMT Đà Nẵng lại cho thấy, con số hoàn toàn khác.

Kiểm tra tại thôn Hòa Phước, ngày 5/7/2013, Thanh tra Sở TNMT phạt Cty TNHH Xây dựng Khương Duy 2 triệu đồng. Kiểm tra tại thôn An Châu ngày 11/7/2013, Thanh tra tiếp tục phạt 3 Cty khác, gồm Cty TNHH An Nam Xuân Phú, Cty TNHH MTV Lâm Phú Thịnh, Cty TNHH MTN – Mỹ thuật Trung Nam, mỗi DN 2 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Minh Hòa – Chánh thanh tra Sở TNMT, phạt 2 triệu đồng là hết khung đối với sai phạm chở đất ra khỏi hiện trường, còn các DN này khai thác đều được sự đồng ý của lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang cũng như xã Hòa Phú, Thanh tra không phạt được.

Được biết, UBND huyện Hòa Vang dựa vào kết luận số 134 – TB/TU của Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng nông thôn mới để “bật đèn xanh” cho các DN cải tạo đất đồi, diện tích hoang hóa... nhảy vào múc đất đem bán.

Nhận thấy tình trạng lộn xộn, UBND TP Đà Nẵng ra CV 5827 ngày 9/7/2013 yêu cầu chấn chỉnh, đến ngày 22/7/2013, UBND huyện Hòa Vang ra công văn 875, yêu cầu các DN, cá nhân chấm dứt cải tạo vườn đồi, hạ cao trình phải nhanh chóng hoàn thổ mặt bằng trước ngày 20/8.

Mặc dù vậy, đúng ngày 20/8, khi PV đi thực địa, tình trạng khai thác đất sét, tàn phá ruộng đồng núp bóng chủ trương nông thôn mới vẫn diễn ra ào ạt. Việc hoàn thổ chỉ nằm trên... giấy tờ. Được biết, nhà máy gạch mua đất tại chỗ ở An Châu và Hòa Phước với giá 70 ngàn đồng/khối. Trong khi các DN chỉ đóng thuế tài nguyên 7% của 70 ngàn/khối và phí môi trường 1.500đồng/khối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG