Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát

Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát
TP - Trong 2 ngày (27-28/8), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 8 tháng của năm 2013 và bàn các giải pháp nhằm hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.

> Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể cao hơn
> Cơ hội phát triển đầu tư, thương mại Việt - Mỹ

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, các lĩnh vực, song những kết quả đạt được có mặt còn chưa vững chắc, có mặt còn chậm, có mặt còn giảm như tốc độ phát triển công nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm 2013 và thời gian tới là hết sức nặng nề và còn nhiều khó khăn, thách thức. Tinh thần chung là tiếp tục kiên định, không được chủ quan, lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời phải duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý, nỗ lực đạt 5,4%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong kiểm soát, điều hành giá cả, tránh tác động tiêu cực do điều hành giá cả đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra là khoảng 7%; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; tiếp tục rà soát, điều hành lãi suất phù hợp với chiều hướng giảm của lạm phát. Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường quản lý thu chi ngân sách Nhà nước; không thay đổi tổng mức dự toán thu, chi; giữ bội chi ngân sách 4,8% GDP như đã được thông qua.

Nguy cơ thiếu điện năm 2018

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo về cập nhật cân bằng cung cầu và giải pháp đảm bảo cấp điện hệ thống điện (HTĐ) Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét tới 2030. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ nay đến hết năm 2016, ngành điện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của toàn xã hội và năm 2013 nếu không có sự cố gì đột xuất hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung đầy đủ.

Tuy nhiên, trong các phương án mà Bộ Công Thương đặt ra, tình hình thiếu điện khu vực miền Nam năm 2017-2018 sẽ hiện hữu nếu một trong các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 hoặc Duyên Hải 3 bị chậm tiến độ không thể vận hành vào cuối 2017. Căn cứ theo tiến độ các dự án hiện nay thì miền Bắc và miền Trung thừa điện, nhưng miền Nam sẽ thiếu.

Đánh giá các phương án điện cho miền Nam giai đoạn 2016- 2020, Bộ Công Thương đưa ra các phương án, đi kèm những giải pháp cụ thể xử lý. Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý bộ, ngành liên quan cần lên kế hoạch cung cấp điện cho những năm tới không chỉ giai đoạn ngắn hạn mà cả cho giai đoạn 2020-2030. Về giá điện, Chính phủ chủ trương theo giá thị trường. Hiện nay giá điện bao cấp, thu dưới giá thành chiếm 25% tổng sản lượng điện toàn quốc.

Trong đó, 16% sản lượng cấp cho hộ nghèo. Hơn 8% sản lượng bao cấp rơi vào các HTX nông thôn, cơ sở cung ứng điện cho khu công nghiệp, khu tập thể, điện thủy nông. Sắp tới, Chính phủ có thể tính toán bán điện cho hộ nghèo bằng giá thành đi cùng với một phần ngân sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Còn lại sẽ siết lại những khu vực hiện nay đang bán giá bao cấp.

Ngân sách có thể hụt thu 21.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 8 tháng qua thu ngân sách đạt 59,4% dự toán. Cả năm 2013 khả năng sẽ hụt thu 21 nghìn tỷ so với dự toán. Ông Dũng kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường xử lý nợ đóng thuế.

Để cân đối thu chi cần tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, qua đấu giá vàng Nhà nước thu được trên 6.000 tỷ đồng.

Về Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nêu yêu cầu, tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN. Nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách, tên gọi có thể là Ủy ban quản lý hoặc bộ thuộc Chính phủ để quản lý DNNN.

Cơ quan này là đầu mối đại diện chủ sở hữu nhà nước tại những tổng công ty, tập đoàn lớn, trong đó có cả SCIC. Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung một chương về DNNN trong Luật DN chứ không xây dựng luật riêng về DNNN. Tuy nhiên, những đề xuất của Bộ KH&ĐT cần tiếp tục nghiên cứu thận trọng để có phương án hợp lý nhất, đặc biệt là đề xuất một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu DNNN thay cho bộ chủ quản hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG